Thiếu cơ sở vật chất, giáo dục mầm non Krông Ana gặp khó
Thời gian qua, mặc dù bậc học Mầm non tại huyện Krông Ana đã được đầu tư khá mạnh, nhưng bên cạnh những trường học được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, khang trang, đạt chuẩn, vẫn còn những trường đang gặp không ít khó khăn.
Ở bậc học Mầm non, toàn huyện Krông Ana hiện có 13 trường công lập và 2 trường tư thục, phục vụ cho việc học của gần 3.900 học sinh. Riêng hệ thống trường công lập có 134 lớp, được chia thành 49 điểm trường, trong đó có 36 điểm lẻ. Việc phải bố trí phân tán đã gây rất nhiều khó khăn cho việc đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm tiêu chuẩn phục vụ dạy và học. Chẳng hạn, Trường Hoa Sen (xã Ea Bông) có đến 5 điểm trường thì cả 5 điểm đều gặp khó khăn, trong đó các điểm trường buôn M’Blớt, buôn Nắc, buôn Kruế phải mượn nhà cộng đồng để làm phòng học. Hay tại Trường Ea Na (xã Ea Na), học sinh tại điểm trường buôn Cuah đang phải học nhờ nhà của Đội công tác 253.
Học sinh Trường Mầm non Sao Mai nghỉ trưa trong nhà cộng đồng thôn 2, xã Bình Hòa |
Ngay tại thị trấn Buôn Trấp, một số điểm trường cũng đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Chẳng hạn phân hiệu buôn Căm của Trường Hoa Phượng hiện chưa có nhà vệ sinh, nước sinh hoạt nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học. Ngoài ra còn phải kể đến một số trường đã đạt Chuẩn quốc gia, nhưng lại đang thiếu phòng học và đồ dùng phục vụ việc học khác. Đơn cử như Trường Hoa Hồng có điểm trường thôn Ea Tul đang thiếu phòng học khiến học sinh phải học ghép, chật chội. Hoặc cả 3 điểm của Trường Sao Mai (xã Bình Hòa) đều thiếu phòng học, trong đó riêng điểm trường thôn Hải Châu đang phải học nhờ hoàn toàn tại hội trường thôn…
Mầm non là bậc học rất quan trọng, nhưng lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Nếu tình trạng này kéo dài, ngành Giáo dục chưa biết phải làm sao để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong thời gian tới
Ông
Võ Trung Dũng
- Trưởng phòng GD-ĐT huyện Krông Ana
|
Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai Nguyễn Văn Nhẫn chia sẻ, bên cạnh tình trạng quá tải, các hội trường thôn đều đã bị hư hỏng, tường nhà bong tróc, vách tường của một số phòng bị nứt, ngày nắng thì không sao nhưng mỗi khi trời mưa đều bị dột. Vậy nên việc mượn hội trường thôn để làm lớp học không những không bảo đảm tiêu chuẩn, mà còn ảnh hưởng cả đến sức khỏe của trẻ. Đó là chưa kể đến việc không thể bố trí được các phòng học chức năng (phòng làm việc của Ban giám hiệu, phòng y tế, phòng hoạt động âm nhạc...). Vì vậy, dù cho nhà trường có đội ngũ giáo viên tận tâm, nhiệt tình, chịu khó khắc phục mọi khó khăn đến đâu, nhưng với cơ sở vật chất như hiện tại thì những nỗ lực của các cô như “muối bỏ biển”, khó đạt được mục đích nâng cao chất lượng nuôi dạy, chăm sóc trẻ như nhà trường và ngành mong muốn.
Theo Trưởng phòng GD-ĐT huyện Krông Ana Võ Trung Dũng, hằng năm, UBND huyện đều trích ngân sách nâng cấp cơ sở vật chất trường học, nhưng còn hạn chế so với nhu cầu. Đặc biệt những điểm lẻ nằm ở các thôn, xóm không chỉ thiếu thiết bị học tập mà lớp học còn dột nát, bàn ghế không đúng quy cách. Một thực trạng đáng ngại không chỉ trước mắt mà còn ảnh hưởng đến lâu dài là hiện nay, nhiều trường nếu có muốn đầu tư cũng khó bởi thiếu quỹ đất để xây dựng. Ngành Giáo dục đã nhiều lần làm việc, kiến nghị đến các cấp tại địa phương, nhưng vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc