Tấm lòng những thầy cô giáo vùng sâu
Vượt qua khó khăn, cách trở, nhiều thầy cô giáo đã bám trường, bám lớp để thắp lên ánh sáng tương lai cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.
Vượt hơn 30 km đường đèo hun hút, gập ghềnh và sạt lở do cơn bão số 12 vừa qua, chúng tôi đến các điểm lẻ của Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng và Trường Mầm non Hoa Ban ở thôn 4 (xã Cư San, huyện M’Đrắk). Đoạn đường vào xã gian nan là thế, nhưng theo thầy Phạm Văn Đạt (SN 1991), giáo viên Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng thì chẳng thấm tháp gì so với quãng đường đi vào điểm trường lẻ ở thôn 4. Từ trung tâm xã vào thôn 4 chỉ khoảng 7 km nhưng chúng tôi phải mất gần 1 giờ đồng hồ để băng qua một con suối với nước chảy xiết và đầy những “ổ voi” bùn đất nhão nhoẹt. Không ít lần chúng tôi thót tim khi đi qua cây cầu được ghép tạm bợ bằng gỗ, tre nứa do người dân nơi đây tự làm. Vừa đi, thầy Đạt vừa động viên: “May mà mấy hôm nay trời nắng ráo nên mới đi được. Chiếc cầu này vừa được người dân làm lại do bị nước lũ cuốn trôi chứ không là chỉ có cách cuốc bộ vào thôi”.
Một tiết học tại điểm trường thôn 4, xã Cư San (huyện M'Đrắk). |
Tại thôn 4 có 5 phòng học của Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng và 1 lớp mẫu giáo của Trường Mầm non Hoa Ban với 160 học sinh. Trong căn phòng vừa là lớp học, vừa là nơi ăn ở của các thầy giáo, cô giáo vì chưa có nhà nội trú, cô Hoàng Lệ Thủy (giáo viên lớp 2, phụ trách điểm trường) cho hay, thôn 4 có khoảng 100 hộ dân là người Mông từ các tỉnh phía Bắc di cư vào sinh sống. Cả thôn hầu hết đều thuộc diện hộ nghèo. Cô Thủy bộc bạch: “Hơn 20 năm công tác trong ngành Giáo dục, tôi đã đi tăng cường ở nhiều điểm trường vùng sâu, vùng xa của huyện nhưng đây là điểm trường khó khăn nhất. Công tác xa nhà, đường sá đi lại khó khăn, điều kiện ăn ở, sinh hoạt thiếu thốn,... nhưng khi thấy học sinh cũng phải vượt đèo lội suối đến lớp đã thôi thúc tôi có thêm nghị lực, gắn bó với việc truyền dạy kiến thức cho các em”.
Còn cô Tạ Thị Kim Yến (giáo viên lớp 1) trải lòng: “Đường sá xa xôi, chợ búa, quán xá không có nên tất cả các thầy cô giáo đều ở lại trường 1 đến 2 tuần mới về nhà một lần. Lần nào về nhà vào cũng lỉnh kỉnh mang theo sách vở, đồ dùng học tập, mấy gói mì tôm, một ít củ quả, rau xanh, cá khô… để cắm bản”.
Cách điểm trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng không xa, chúng tôi nghe rõ mồn một tiếng đọc bài ê a của các cháu Trường Mầm non Hoa Ban. Càng đặc biệt hơn là lớp học này do một thầy giáo đứng lớp. Thầy Liều Seo Hải (SN 1993, giáo viên phụ trách lớp) chia sẻ: “Sĩ số của lớp đông (47 em), phải đứng lớp 2 buổi/ngày, điều kiện dạy học còn thiếu thốn nên rất vất vả, với lại là giáo viên nam mà dạy các cháu mầm non nên gặp nhiều khó khăn”.
Lớp học của thầy và trò Trường Mầm non Hoa Ban tại điểm trường thôn 4, xã Cư San (huyện M'Đrắk). |
Tương tự điểm trường ở thôn 4 (xã Cư San), điểm lẻ của Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kdăm (buôn Đắk Sar, xã Đắk Nuê, huyện Lắk) cũng là nơi khó khăn nhất đối với các thầy cô giáo đang miệt mài “gieo” chữ cho học sinh nghèo nơi đây. Buôn Đắk Sar thành lập năm 2011, có khoảng 260 hộ dân thì có đến gần 250 hộ nghèo, chủ yếu là người Mông từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào. Nơi đây được mệnh danh là buôn “5 không” (không đường, không điện, không nước, không chợ, không hộ khẩu) của huyện Lắk. Cô giáo H’Diệu Triếk (SN 1991) nhớ lại: “Ngày đầu khi đến đây, thấy đường sá quá lầy lội, nước sinh hoạt lúc có lúc không, điện thì chưa có… tôi có ý định bỏ nghề. Theo thời gian, chứng kiến các em học sinh nơi đây chịu nhiều thiệt thòi vì thiếu ăn, thiếu mặc, ý định bỏ nghề không còn nữa”.
Còn với cô Nguyễn Thị Ngọc Phượng (SN 1992), giáo viên Trường Mầm non Hoa Cúc (điểm lẻ buôn Đắk Sar), nỗi ám ảnh lớn nhất là quãng đường vào trường lầy lội và hoang vu, vắng vẻ. Đêm đến, nhìn xuống buôn thấy leo lắt mấy ngọn đèn dầu mà thấy chạnh lòng. Nước sinh hoạt lại không đủ dùng nên các cô giáo phải đến nhà dân xin dùng nhờ, còn các thầy phải đi bộ ra suối cách trường 1 km để tắm giặt. Vất vả, khó khăn là thế nhưng bù các em học sinh chăm ngoan, hiếu học, còn phụ huynh thì rất quý mến các thầy cô giáo.
Có đến tận nơi, chứng kiến những vất vả mà các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa đã và đang trải qua, chúng tôi càng cảm phục tấm lòng và nghị lực phi thường của những người đang ngày đêm thầm lặng mang con chữ đến với học trò ở vùng còn gian khó.
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc