Cùng con vượt qua kỳ thi
Những ngày đầu hè dường như “nóng” hơn với các gia đình có con tham dự kỳ thi chuyển cấp, đặc biệt kỳ thi vào lớp 10 chuyên được báo chí liên tục đưa tin là “áp lực hơn thi đại học”.
Niềm hạnh phúc vỡ òa của cả gia đình khi biết tin con thi đỗ sẽ rất thực bởi đó là kết quả mong đợi của nhiều tháng ngày cố gắng. Tuy nhiên, áp lực cũng khiến phụ huynh, học sinh chưa biết bằng cách nào có thể vượt qua nỗi buồn nếu thất bại trong kỳ thi.
Tại sao một kỳ thi lại trở nên quá quan trọng như vậy? Trước khi thi, học sinh thường được dẫn về các tấm gương thành đạt với những điểm số cao tại các kỳ thi trước. Nhà trường, thầy cô và cha mẹ sẽ nhắc đi nhắc lại những con số thống kê hằng năm về số lượng học sinh trúng tuyển nhằm tạo động lực cho học sinh nỗ lực hết mình ôn luyện.
Học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Nguyễn Du năm học 2018-2019. Ảnh: Nguyên Hoa |
Điều này dẫn tới dường như nỗi sợ lớn nhất của học sinh là nỗi sợ thất bại bởi kỳ vọng của rất nhiều người đặt lên vai mình, từ bạn bè, cha mẹ và chính mình. Nhưng vấn đề quan trọng là, khi mà cuộc sống của đứa trẻ chỉ xoay quanh việc học, việc ôn luyện để thi đỗ mà không còn điều gì khác lớn hơn, việc thất bại có thể làm “sụp đổ” chúng. Chứng trầm cảm với những biểu hiện như chán ghét bản thân, cảm thấy buồn phiền, mất định hướng tương lai, thất vọng, không hứng thú với mọi việc, thường xuyên có cảm giác tội lỗi, hay khó chịu... có thể xuất hiện ở nhiều học sinh khi nhận kết quả thi không như mong muốn. Mà thực tế thì số lượng học sinh thi rớt trong các kỳ thi vào lớp chuyên bao giờ cũng nhiều hơn gấp nhiều lần so với những em thi đỗ.
Làm thế nào để có thể cùng con vượt qua nỗi buồn khi thất bại có lẽ là câu hỏi mà các bậc phụ huynh cần suy nghĩ tìm ra câu trả lời ngay sau khi kỳ thi kết thúc. Bởi vì chính phụ huynh đang là những người góp phần tạo nên áp lực thi cử cho mình và con của mình. Vậy thì, cùng với việc diễn thuyết về những tấm gương thành đạt thì những câu chuyện liên quan người không được thu nhận cần được nhắc tới nhiều hơn để hiểu được nhờ đâu mà họ có thể vượt qua hoặc không vượt qua cơn khủng hoảng.
Chính cái cách mà cha mẹ đồng hành cùng con trong việc tiếp nhận kết quả điểm số ở bất kỳ mức độ nào mới là tác nhân quan trọng giúp con thành công. Dù không mong muốn thì cũng cần chấp nhận rằng, thất bại cũng có thể được xem như là cơ hội để một đứa trẻ tiếp xúc với cảm giác chới với, hụt hẫng. Hơn nữa, dù có đỗ thì vượt qua áp lực trường chuyên, lớp chọn lại tiếp tục trở thành mối quan tâm hàng đầu của cả gia đình. Vấn đề quan trọng là phụ huynh sẽ đồng hành cùng con để giúp con tự xác định mục tiêu, động cơ học tập cũng như giá trị bản thân để trở thành người hữu dụng. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với đứa trẻ trong học tập mà xa hơn, trong suốt cuộc đời của trẻ sau này.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc