Những cậu học trò đam mê học lịch sử, địa lý
Là học sinh giỏi toàn diện nhiều năm liên tục nhưng hai cậu học trò Trương Võ Thành Nhân (Trường THPT Cư M’gar, huyện Cư M’gar) và Nguyễn Đình Lan (Trường THPT Ngô Gia Tự, huyện Ea Kar) lại có niềm say mê đặc biệt với lịch sử, địa lý – những môn học tưởng chừng khô khan, thiếu hấp dẫn. Niềm say mê sử, địa đã giúp hai cậu học trò giành nhiều giải cao trong các cuộc thi…
Nhà “leo núi” mê sử
Từ nhỏ đã mê sử, ham nghiên cứu tư liệu từ sách báo và sở thích đó đã giúp Trương Võ Thành Nhân, học sinh lớp 11A5 Trường THPT Cư M’gar (huyện Cư M’gar) trả lời xuất sắc các câu hỏi, trở thành nhà vô địch leo núi trong Cuộc thi tuần “Đường lên đỉnh Olympia” của Đài Truyền hình Việt Nam.
Trương Võ Thành Nhân ôn bài ở nhà. |
Thành Nhân sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học, bố mẹ đều là giáo viên dạy giỏi của hai trường THPT có tiếng ở huyện. Ngoài giờ học em tranh thủ phụ giúp bố mẹ làm mọi việc nhà như nấu cơm, giặt giũ, lau dọn nhà, dạy em trai học bài… Những lúc nhàn rỗi sau các giờ học căng thẳng, thay vì truy cập thông tin giải trí trên Internet, xem phim, hay chơi điện tử như các bạn cùng trang lứa thì Nhân mang sách, báo, truyện tranh lịch sử ra đọc, nghiên cứu. Sở thích đó đã theo em từ năm học lớp 3 đến tận bây giờ. Nhờ đó, em tích lũy thêm nhiều kiến thức mở rộng ngoài kiến thức trong sách giáo khoa. Nhân thuộc và nhớ hầu hết những sự kiện lớn của nước ta qua các thời kỳ lịch sử, thậm chí còn nhớ chính xác tên nhân vật, mốc thời gian của các sự kiện.
Là thí sinh khởi động đầu tiên trong kỳ thi tuần 2, tháng 1, quý 4 chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” lần thứ 18 vào ngày 10-6 vừa qua, Trương Võ Thành Nhân khiến cả trường quay vỡ òa khi bất ngờ trả lời đúng 12/12 câu hỏi và ghi điểm tuyệt đối 120 điểm ở vòng thi này. Trong phần thi về đích, Nhân đã chọn ngôi sao hy vọng ở câu hỏi thứ ba với nội dung: “Vị vua nào xuất thân từ nơi cửa Phật, theo truyền thuyết khi sinh ra trên hai tay đã có bốn chữ son “Sơn hà xã tắc” và em đã xuất sắc trả lời đầy đủ cả họ tên vua Lý Công Uẩn và niên hiệu Lý Thái Tổ. Cũng trong phần thi này, khi bạn cùng chơi trả lời chưa chính xác câu hỏi: “Nước ta có tên gọi là gì dưới thời nhà Lý (năm 1009-1225)?”, Nhân đã bấm chuông giành quyền trả lời chính xác và phân tích tỉ mỉ: “Từ năm 1009-1054 nước ta có tên Đại Cồ Việt, từ năm 1054 vua Lý Thánh Tông đổi tên thành nước Đại Việt”. Câu trả lời đầy đủ của em khiến người dẫn chương trình và những cổ động viên đều khâm phục. Em đã xuất sắc giành vòng nguyệt quế với số điểm 270, lọt vào cuộc thi tháng.
Sau cuộc thi tuần, Nhân trở về huyện Cư M’gar, tích cực ôn luyện, trau dồi thêm kiến thức để chuẩn bị tham gia cuộc thi tháng vào cuối tháng 6. Nhân tâm sự: “Kiến thức trong sách vô tận lắm, có những tác phẩm em đọc đi đọc lại nhưng mỗi lần đọc em lại khai thác được những cái hay, độc đáo để vận dụng vào học tập và cuộc sống hằng ngày. Em tận dụng thời gian rảnh để học bài và đọc sách mọi lúc, mọi nơi”. Ở trường, Nhân học trội đều tất cả các môn, nhưng trong đó môn Lịch sử đạt điểm cao nhất, tổng kết năm học lớp 11 Nhân đạt điểm tối đa môn học này với 10 điểm; các môn kế tiếp là Hóa học và Tin học cùng đạt 9,8 điểm. Không chỉ học giỏi văn hóa, Nhân còn vẽ rất đẹp. Nhân dự định sẽ thi vào trường kiến trúc để sau này trở thành kiến trúc sư thiết kế xây dựng các công trình.
Cậu học trò thích học địa lý
Không chỉ là học sinh giỏi 10 năm liên tục, Nguyễn Đình Lan, học sinh lớp 10A1 Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) còn đạt thành tích ấn tượng trong các cuộc thi môn Địa lý như: Huy chương Vàng tại Kỳ thi học sinh giỏi Olympic 10-3 tỉnh Đắk Lắk lần thứ III năm 2018 và Huy chương Bạc tại Kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 lần thứ XXIV năm 2018 được tổ chức tại Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP. Hồ Chí Minh).
Em Nguyễn Đình Lan (phải) trao đổi bài với bạn trong giờ giải lao giữa các tiết học. |
Niềm đam mê môn Địa lý của Lan bắt đầu từ khi em còn là học sinh lớp 5 và niềm say mê này ngày càng lớn dần qua các năm học. Càng lớn em càng muốn được khám phá nhiều nơi trên thế giới thông qua những bài giảng đầy thú vị của các thầy, cô trên lớp. Không biết từ lúc nào, Lan luôn buộc mình liên tục đưa ra những thắc mắc có liên quan đến địa lý. Trong những cuộc trò chuyện với gia đình, bạn bè, nếu các vấn đề, địa danh mới lạ được nhắc đến là ngay lập tức em tự tìm kiếm thông tin để thỏa mãn sự hiếu kỳ. Lan luôn khao khát được đi khắp mọi nơi để tìm hiểu về cuộc sống, thiên nhiên và con người, được khám phá những vùng đất mới và những điều bí ẩn xung quanh mình. Chính nhờ niềm đam mê lớn lao đó đã giúp em có thêm niềm tin để phấn đấu trong học tập.
Chia sẻ “bí quyết” học môn Địa lý của mình, Lan tâm sự: “Để học tốt các môn xã hội thì trước hết phải chăm chỉ học tập, lắng nghe thầy, cô giảng bài, theo đó cần xác định các phương pháp học đúng đắn, phù hợp với lực học của mình. Bên cạnh đó, rèn luyện kỹ năng tổng hợp kiến thức cơ bản từ sách giáo khoa và những kiến thức nâng cao do thầy cô cung cấp. Riêng môn Địa lý, ngoài việc học kỹ các kiến thức cơ bản, nắm chắc các phương pháp xử lý số liệu để giải các bài tập thì phải tích cực xem tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng như: ti vi, sách, báo, các tài liệu nâng cao để cập nhật các thông tin thời sự, xã hội ở các vùng, miền, quốc gia. Thay vì học thuộc lòng, em học theo cách nắm bắt ý, vận dụng những kiến thức vào cuộc sống thực tiễn. Không nhất thiết phải nhớ hết được 100% kiến thức bài giảng, quan trọng là kiến thức nào sẽ đọng lại sau đó”.
Không chỉ học giỏi, Lan còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn tại trường. Lan luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động phong trào, được các bạn tin yêu. Em đã cùng với Ban Chấp hành Đoàn trường phát động nhiều phong trào thi đua học tập, giúp đỡ các bạn học yếu bằng các việc làm thiết thực như: Thành lập các câu lạc bộ học tập, giúp bạn cùng tiến… Ngoài ra, Lan dành nhiều thời gian trao đổi kinh nghiệm học tập, giúp các bạn học kém hơn cùng tiến bộ. Cô Đoàn Thị Tuyết, giáo viên dạy môn Địa lý của Lan nhận xét: “Lan có lối tư duy sâu sắc, câu từ logic, chặt chẽ. Lan có tinh thần tự học tốt, luôn tìm tòi kiến thức từ sách vở, tài liệu của các anh chị khóa trước để học, nhận biết về hiện tượng địa lý, phân tích mối quan hệ các hiện tượng, đối tượng nhanh, bài làm có liên hệ thực tiễn tốt. Với cách trang bị kiến thức toàn diện nên Lan tham gia các kỳ thi đoạt giải cao không phải là sự may mắn mà đó là kiến thức, năng lực thực sự của bản thân em”.
Ước mơ của Lan là trở thành một chiến sĩ cảnh sát để giúp nhân dân có cuộc sống bình yên, hạnh phúc.
Trung Hải - Bình Nguyên
Ý kiến bạn đọc