Multimedia Đọc Báo in

Những người thầy tận tâm ở vùng căn cứ

15:42, 25/09/2018

Đến vùng căn cứ Krông Bông hôm nay, dễ thấy ngày càng có nhiều trường học khang trang được xây dựng với đầy đủ trang thiết bị dạy và học; số lượng học sinh được đi học ngày càng nhiều; tỷ lệ giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng tăng.

Thành quả đó có sự đóng góp rất lớn của những giáo viên đã tham gia “gieo” chữ từ những ngày Krông Bông còn là vùng kháng chiến hoang sơ, hứng chịu bom đạn và nhiều khó khăn, thiếu thốn…

Chuyện về người thầy giáo liệt sỹ

Cuối năm 1959, dưới chiêu bài “di dân, lập ấp”, chính quyền Ngô Đình Diệm đã đưa những người dân có liên quan đến cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp thuộc hai huyện Thăng Bình và Tam Kỳ (Quảng Nam) lên Đắk Lắk thành lập Dinh điền Lễ Giáo (nay là xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông). Gia đình thầy giáo Lê Khả là một trong số đó.

Tháng 2-1965, sau khi giành chính quyền về tay nhân dân xây dựng vùng căn cứ kháng chiến, Lễ Giáo trở thành tiền phương của vùng 4B5 (sau này là H9 - nơi đóng quân của các cơ quan lãnh đạo cách mạng của tỉnh Đắk Lắk). Lễ Giáo được xem như “lá chắn thép”, địch thường xuyên tổ chức các cuộc hành quân với quy mô lớn có phi pháo yểm trợ càn quét vào vùng căn cứ H9, cùng với đó là chính sách bao vây kinh tế nên sự nghiệp giáo dục ở nơi này rất khó khăn.

Cầm tấm Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Giáo dục” của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo truy tặng cho thầy giáo liệt sỹ Lê Khả, ông Lê Văn Chín (thôn 1, xã Hòa Lễ) - em trai thầy giáo Lê Khả - nhớ lại: Cả xã căn cứ Lễ Giáo lúc bấy giờ chỉ có 3 lớp từ vỡ lòng đến lớp 2, thầy giáo Lê Khả được phân công dạy lớp 2, học sinh khoảng hai chục em, phòng học có khi là một góc trong hang đá, hoặc ở trong nhà dân và cũng có khi lại ở ngoài nương rẫy; mọi dụng cụ học tập, bảng viết đều không có; 5 - 7 học sinh học chung một quyển sách giáo khoa. Khó khăn là vậy nhưng học trò rất siêng năng, chăm chỉ, tuy mới lớp 2 nhưng các em đều có thể đọc thông, viết thạo và thuộc lòng những bài học lịch sử. Các thầy cô giáo ngoài giờ giảng dạy thì lại là chiến sĩ, sẵn sàng chiến đấu. Đầu năm 1971, sau khi bị địch đánh phá ác liệt, đồng bào căn cứ vào nơi sơ tán. Bị địch bao vây nhiều ngày, bà con không còn lương thực để ăn. Một buổi sáng tháng 2-1971, được sự phân công của chi ủy, thầy giáo Lê Khả cùng bốn người khác tìm cách đột nhập về rẫy đào sắn mang về cho dân. Trong lúc làm nhiệm vụ, thầy Lê Khả đã bị vướng mìn của địch và hy sinh khi tuổi đời vừa mới đôi mươi.

 Gia đình thầy Lê Khả không có ảnh thầy để thờ. Vì thế, Bằng Tổ quốc ghi công và tấm Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” được gia đình ông Lê Văn Chín trân trọng gìn giữ như báu vật bởi đó là kỷ vật còn lại duy nhất của người anh trai...

Người thầy mẫu mực của buôn làng

Cùng quê hương với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sỹ Y Ơn Niê, thầy giáo Y Nguôm Byă (thường gọi Ama Hoa) ở buôn Dak Tuôr (xã Cư Pui) được người dân địa phương xem như tấm gương mẫu mực ở buôn làng.

19 tuổi, Y Nguôm tham gia vào lực lượng du kích. Do hoạt bát, nhanh nhẹn và có trình độ nên ông thường xuyên được điều động tăng cường cho đơn vị bộ đội ra hoạt động ở vùng địch kiểm soát để nắm tình hình địch và vận động đồng bào giúp đỡ cách mạng. Ông cũng tham gia nhiều trận đánh và lập được chiến công, điển hình như tháng 8-1962, ông cùng với sáu đồng đội tham gia tập kích địch tại buôn Bhung, bắn bị thương năm tên. Năm 1970, Y Nguôm được xã phân công dạy học lớp 2 trong buôn. Dù chưa qua trường lớp sư phạm nhưng bằng lòng nhiệt huyết, thầy Y Nguôm đã mang hết kiến thức của mình truyền dạy cho học sinh. Đảm nhiệm lớp học với gần hai chục học sinh người M’nông, để các em tiếp thu dễ dàng, thầy Y Nguôm luôn luôn phải sử dụng song ngữ, dùng tiếng M’nông để giải thích cho tiếng Việt, hoặc dùng vật dụng, hình ảnh để minh họa. Cách dạy trực quan sinh động ấy giúp học sinh học đâu nhớ đấy; nhiều học sinh sau này trở thành cán bộ cốt cán của xã. Thầy Y Nguôm kể: “Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn mọi thứ, địch đánh phá thì mình tìm nơi ẩn nấp, khi địch rút đi rồi thì mình lại tiếp tục dạy. Các em học sinh đi học rất chăm, hiếu học với mong ước biết được cái chữ, hiểu được lịch sử của đất nước. Còn nhỏ nhưng các em rất yêu nước, sẵn sàng đi bộ đội, du kích để giết giặc”.

Thầy giáo  lão thành  Y Nguôm Byă.
Thầy giáo lão thành Y Nguôm Byă.

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, thầy giáo Y Nguôm được cấp ủy, chính quyền địa phương phân công nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp đến Thư ký UBND xã. Ở vai trò nào, thầy cũng hết sức tận tâm với công việc, được người dân trong xã mến phục. Thầy đã được tặng Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng, Huân chương kháng chiến hạng Hai và nhiều huân huy chương khác. Để ghi nhận công lao đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, năm 2012 thầy Y Nguôm đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Giáo dục”.

Giờ đây, tuy đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng thầy giáo vùng căn cứ ngày xưa vẫn luôn đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào ở địa phương và được con cháu, bà con trong buôn làng học tập làm theo.

Hết lòng với học sinh vùng sâu

Quê ở Hương Khê (Hà Tĩnh), sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, năm 1985 thầy Nguyễn Văn Nhân được phân công về dạy học tại Trường THCS Hòa Phong. Giảng dạy ở vùng sâu còn nhiều khó khăn của huyện Krông Bông, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn song chưa bao giờ thầy Nhân nguôi ngọn lửa đam mê với sự nghiệp trồng người. Thầy luôn nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học và được đề bạt làm tổ trưởng bộ môn Vật lý của trường.

Năm 2005, thầy Nhân được điều động về phụ trách Trường THCS Cư Đrăm. Ngày đến nhận nhiệm sở ở nơi mới, thầy đã phải đối mặt với biết bao bộn bề lo toan của một ngôi trường vùng khó, cơ sở vật chất xuống cấp, trình độ học sinh không đồng đều, tỷ lệ học sinh bỏ học cao. Bằng tâm sức và trách nhiệm của mình, cùng với sự đồng tâm hiệp lực của đội ngũ thầy cô giáo, thầy Nhân đã từng bước khắc phục khó khăn, đưa chất lượng giáo dục của trường đi lên. Năm học 2016 - 2017, Trường THCS Cư Đrăm có 15 giáo viên giỏi cấp tỉnh và huyện; đạt kiểm định chất lượng cấp độ 3. Tỷ lệ học sinh giỏi đạt 6,4%, khá 35,2%, nhà trường đứng đầu trong toàn huyện về số lượng học sinh giỏi các cấp. Cơ sở vật chất trường ngày càng được đầu tư nâng cấp theo hướng chuẩn hóa; các phòng học, phòng chức năng bảo đảm cho dạy và học. Tháng 11-2017, Trường THCS Cư Đrăm là trường đầu tiên ở vùng 3 của huyện Krông Bông được công nhận đạt chuẩn Quốc gia cấp độ 1.

Hơn 33 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người nơi vùng khó, nhân dịp Quốc khánh 2-9-2018, thầy Nguyễn Văn Nhân đã vinh dự được Bộ Giáo dục –Đào tạo tặng thưởng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Giáo dục”.

Còn rất nhiều những tấm gương giáo viên tận tâm, tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu nơi vùng căn cứ. Như thế hệ học sinh đầu tiên của Trường phổ thông Dân tộc nội trú Krông Bông không bao giờ quên được các thầy, cô như: thầy Y Tung, cô Amí Tuyên, thầy Y Yông, thầy Đinh Văn Hóa, thầy Nguyễn Văn Hưng, thầy Võ Văn Phương, thầy Võ Ngọc Tấn, thầy Cao Thanh Danh đã cùng với phụ huynh và học sinh đi chặt le, cắt tranh về để dựng phòng học. Sau mỗi buổi dạy, thầy cô lại phải tự giã gạo nấu cơm, thực phẩm chỉ là nắm rau,  quả cà, quả bí của bà con đóng góp cho. Cuộc sống dẫu nhọc nhằn, gian khó nhưng nhiều thầy, cô vẫn quyết tâm bám trụ ở lại, mang con chữ đến cho học sinh vùng sâu.

Năm tháng qua đi, ngày nay điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ và khang trang hơn, học sinh đã được học trong những ngôi trường khang trang, đầy đủ phương tiện, dụng cụ học tập nhưng các thế hệ học trò vùng căn cứ năm xưa vẫn khắc ghi trong lòng hình ảnh những thầy cô tận tụy, tâm huyết đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giáo dục vùng khó.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.