Multimedia Đọc Báo in

Những điểm sáng trong phong trào xây dựng trường học thân thiện

11:43, 19/04/2019
Trong những năm qua, bằng những cách làm chủ động, sáng tạo, nhiều trường học ở huyện M’Đrắk đã triển khai hiệu quả phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
 
Trường Tiểu học Kim Đồng hiện có 22 phòng học phục vụ cho 20 lớp học với trên 600 học sinh, trong đó có 12 phòng học xây kiên cố, 10 phòng học xây cấp 4, có 2 phòng học bộ môn xây dựng kiên cố. Nhà trường thường xuyên tổ chức cho giáo viên, học sinh vệ sinh trường lớp, giữ gìn khuôn viên nhà trường luôn xanh - sạch - đẹp.
 
Các thầy cô giáo đã đổi mới phương pháp dạy và học nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập. 100% giáo viên đều ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Ngoài các tiết chính khóa, giáo viên nhà trường còn tích cực tìm tòi phương pháp mới trong giảng dạy ngoại khóa; tổ chức nhiều câu lạc bộ về văn học nghệ thuật, tiếng Anh... do học sinh làm chủ nhiệm, giáo viên làm cố vấn. 
 
Nhờ vậy, chất lượng giáo dục của trường ngày càng được nâng cao; hằng năm tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt trên 99%; tỷ lệ học sinh giỏi, khá năm sau luôn cao hơn năm trước; nhà trường đang trong giai đoạn phấn đấu đạt Chuẩn quốc gia mức độ II. Năm học 2017 - 2018, trường được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua là đơn vị dẫn đầu về hoạt động giáo dục trong toàn huyện.
 
Không gian lớp học thân thiện tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú – THCS huyện M’Đrắk.
Không gian lớp học thân thiện tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú – THCS huyện M’Đrắk.
Cô Vũ Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, cho biết: Năm học 2018 - 2019, nhà trường triển khai mô hình "Thư viện thân thiện" do tổ chức phi chính phủ Room to Read phối hợp với ngành GD-ĐT thực hiện với trên 10.000 đầu sách; qua đó tạo không gian gần gũi, thoải mái cho học sinh, giúp các em hình thành thói quen và yêu thích việc đọc sách. 
 
Đối với hơn 150 học sinh và 22 cán bộ, giáo viên, nhân viên, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú – THCS huyện M’Đrắk giống như “ngôi nhà thứ hai” của mình. Thầy và trò nhà trường thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” bằng việc tăng cường rèn luyện kỹ năng sống, tạo sân chơi bổ ích, phát huy tính tích cực chủ động trong tiếp thu kiến thức của học sinh.
 
Năm học 2017 – 2018, toàn trường có 98 học sinh đạt học lực khá, giỏi (chiếm trên 63%); 96,7% học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt; giành 18 huy chương trong Hội khỏe Phù Đổng; 97,3% học sinh tốt nghiệp lớp 9...
 
Thầy Hồ Văn Giáp, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Phổ thông Dân tộc nội trú – THCS huyện M’Đrắk chia sẻ: Nhà trường đưa việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh vào nội dung giáo dục; xây dựng quy tắc ứng xử giữa cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường. Bên cạnh đó, nhiều mô hình câu lạc bộ cũng được thành lập, việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp được chú trọng để rèn luyện sức khỏe, nâng cao ý thức phòng chống tai nạn đuối nước, thương tích cho học sinh, tạo ra các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh gắn với phong trào thi đua học tập.
 
Đặc biệt, nhà trường phát động phong trào trồng, chăm sóc cây xanh nhằm phủ xanh khuôn viên trường, xây dựng ý thức yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Phong trào nhận đất trồng rau gây quỹ của các lớp diễn ra sôi nổi; theo đó, các em học sinh tại các lớp tổ chức trồng, chăm sóc rau xanh, sản phẩm thu hoạch được bếp ăn của nhà trường thu mua lại. Các em vừa được ăn rau xanh an toàn, lại có nguồn quỹ lớp trang trải chi phí các hoạt động, giúp đỡ các bạn nghèo; đồng thời góp phần tạo cảnh quan cho nhà trường thêm xanh – sạch – đẹp. 
 
Thu Nguyệt
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.