Sách công nghệ giáo dục bị loại: Phụ huynh cần sự giải thích rõ ràng
Những ngày qua, thông tin bộ sách giáo khoa lớp 1 Tiếng Việt, Toán Công nghệ Giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại bị Hội đồng thẩm định quốc gia chấm “không đạt” ngay từ vòng đầu tiên khiến nhiều người, nhất là những phụ huynh có con học sách này băn khoăn.
Dư luận xôn xao, người ủng hộ, người không ủng hộ việc làm này của Hội đồng thẩm định. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ là phụ huynh thì yêu cầu rất chính đáng lúc này là cần có sự giải thích rõ ràng, thuyết phục từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Vì sao cần sự giải thích của Bộ? Vì bộ sách này không phải là công trình nghiên cứu mới mà đã được triển khai dạy học tại nhiều trường, nhiều địa phương suốt 40 năm qua. Năm 1978, Giáo sư Hồ Ngọc Đại mở trường Thực nghiệm Công nghệ giáo dục ở Hà Nội và phát triển bộ sách riêng phù hợp với phương châm giáo dục “lấy học sinh làm trung tâm”.
Đến năm 1986, nhận thấy có năm học có đến 650.000 học sinh lớp 1 bị lưu ban, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Bình đã khuyến khích các địa phương học theo bộ sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, từ đó chương trình Công nghệ giáo dục được nhân rộng. Năm 2000, Bộ thống nhất một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước, sách Công nghệ Giáo dục bị đưa ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông.
Sách giáo khoa lớp 1 Công nghệ giáo dục. |
6 năm sau, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hiện nạn “ngồi nhầm lớp” diễn ra phổ biến, sách giáo khoa Công nghệ giáo dục quay trở lại nhà trường. Lào Cai là địa phương đề nghị áp dụng đầu tiên. Đến năm 2008, bộ sách này được thí điểm thực hiện ở 5 tỉnh: Tây Ninh, Kon Tum, Kiên Giang, Đắk Lắk, An Giang. Từ đó, mỗi năm chương trình này được nhân rộng thêm.
Theo thống kê của Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2018 - 2019, cả nước có 49 tỉnh thành dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, với gần 800.000 học sinh. Rõ ràng, bộ sách Công nghệ giáo dục lớp 1 này phải vượt qua nhiều lần thẩm định thì mới có thể được áp dụng một cách rộng rãi như vậy. Thậm chí, ngay trong đánh giá mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy học theo Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục đã khẳng định: “Đa số giáo viên đón nhận chương trình giảng dạy theo tài liệu Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục một cách tích cực, chủ động. Việc dạy học tiếng Việt 1 theo tài liệu này có thể phát huy được khả năng tư duy của học sinh, học sinh tự làm ra sản phẩm giáo dục, tạo hứng thú cho học sinh trong học tập”.
Vậy nhưng, cũng chính sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục với nhiều ưu điểm đó đã bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại “không đạt” với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ, phần lớn là những nội dung mà Hội đồng cho rằng sách vượt chương trình, quá khó với học sinh lớp 1.
Tại sao một bộ sách mới hôm qua được khen hôm nay đã bị đánh giá không đạt? Cả những người đánh giá đạt và không đạt bộ sách này đều là những nhà khoa học có đầy đủ học hàm học vị và uy tín khoa học chứ nào phải là các phụ huynh đôi khi nhận xét đầy cảm tính. Nếu đúng là không đạt thì những học sinh đã và đang học sách này có phải chịu thiệt thòi gì không khi so sánh với học sinh học chương trình đại trà? Còn nếu thực sự là đạt thì dư luận có quyền đặt dấu hỏi về trách nhiệm của Hội đồng thẩm định hay không?
Lớp 1 là dấu mốc vô cùng quan trọng đối với cuộc đời đi học của mỗi người. Bởi thế những thông tin liên quan đến chương trình, phương pháp dạy học của lớp 1 luôn được phụ huynh quan tâm nhiều nhất. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không có lời giải thích thấu đáo sẽ khiến hàng trăm nghìn phụ huynh đang có con theo học bộ sách Công nghệ giáo dục này không tránh khỏi lo lắng, bất an và hoang mang!
Lại Thị Ngọc Hạnh
Ý kiến bạn đọc