Multimedia Đọc Báo in

Truyền "lửa" cho học sinh giỏi quốc gia

16:08, 18/09/2020

15 năm gắn bó với nghề giáo, thầy Lê Quang Nhân (giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Du) đã đào tạo, bồi dưỡng 29 em học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia môn Tin học. Trong đó có một em là thủ khoa toàn quốc và lọt vào đội tuyển Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Tin học châu Á – Thái Bình Dương năm 2019.

Yêu nghề giáo, thầy Lê Quang Nhân lựa chọn ngành Sư phạm Toán Tin (Trường Đại học Tây Nguyên) để theo đuổi ước mơ. Năm 2005, tốt nghiệp ra trường, dù nhận được nhiều lời đề nghị về làm việc, nhưng thầy quyết định gắn bó với Trường THPT Chuyên Nguyễn Du. Với thầy, được công tác tại ngôi trường có bề dày thành tích trong bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh là niềm tự hào, nhưng cũng là trách nhiệm, thách thức rất lớn đối với một giáo viên trẻ tuổi mới bước vào nghề. Những ngày đầu về trường, thầy Nhân được giao nhiệm vụ chính là bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Tin học – bộ môn nhiều năm liền “trắng” giải học sinh giỏi quốc gia. Không chỉ vậy, môn Tin học thường bị phụ huynh, học sinh xem nhẹ, bởi không nằm trong các môn thi tốt nghiệp và đại học; học sinh lớp chuyên Tin chủ yếu là do rớt chuyên Toán chuyển sang. Vì vậy để động viên các em quyết tâm học chuyên sâu bộ môn này, người dạy phải từng bước tháo gỡ vướng mắc và thực sự trở thành người truyền “lửa”.

 Thầy Lê Quang Nhân (bìa phải) được tặng  Huân chương Lao động  hạng Ba vì có thành tích  xuất sắc trong công tác  giáo dục và đào tạo  từ năm học 2014 - 2015  đến năm học  2018 - 2019.
Thầy Lê Quang Nhân (bìa phải) được tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2014 - 2015 đến năm học 2018 - 2019.

Để làm được điều đó, trong quá trình giảng dạy, thầy Nhân luôn chú trọng cố gắng truyền "lửa" đam mê cho học sinh. Trong các câu chuyện giữa giờ, thầy trò có thể bàn về những người giàu nhất thế giới, trong đó có hơn 50% là người đam mê hoạt động lĩnh vực công nghệ thông tin – viễn thông. Định hướng cho học sinh, từ khi bước vào lớp 10, thầy đã cho các em vào Google tìm hiểu về ngành nghề thiếu nhân lực, xin việc dễ, có thu nhập cao…, và bảng xếp hạng ấy luôn có ngành các em đang theo học. Với mỗi thuật toán mới, thầy đều trao đổi với học trò về những ứng dụng giúp giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tế như thế nào… Đây là những minh chứng sống động, cụ thể giúp học sinh thêm yêu thích, say mê môn Tin học.

Bên cạnh đó, thầy thường xuyên rèn cho học sinh phương pháp tự học, tự đọc sách, rồi thuyết trình, thảo luận trước lớp; tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ thông tin trong dạy học, như việc chấm, đánh giá bài làm của các em được thực hiện nhanh chóng bằng các phần mềm chấm bài tự động. Thầy xây dựng trang web giúp học sinh có thể nộp bài trực tuyến, biết điểm ngay sau khi nộp bài, bảng xếp hạng được đưa lên và thay đổi liên tục trong lúc thi giúp các em thêm hứng thú như đang được tham gia trò chơi trên mạng. Kết thúc mỗi bài thi, các em có thành tích cao đều được biểu dương, khen thưởng…

Thầy Nhân tâm sự: “Đi cùng thành quả có được, ngoài sự nỗ lực của thầy và trò là sự quan tâm, động viên khích lệ kịp thời của Ban Giám hiệu nhà trường, tập thể giáo viên, học sinh. Chúng tôi thực sự biết ơn và trân trọng điều đó!”.

Được bồi đắp niềm say mê, học sinh ngày càng hứng thú và yêu thích môn học. Gắn bó, sâu sát với học sinh, thầy Nhân đã phát hiện và bồi dưỡng được nhiều nhân tài Tin học, trong đó có rất nhiều em đạt giải học sinh giỏi quốc gia. Mở màn là năm 2008 – sau 6 năm liên tục trắng giải, đội tuyển học sinh giỏi Tin học của tỉnh mới đạt giải cấp quốc gia, gồm 2 giải Ba và 1 giải Khuyến khích. Chuỗi thành tích cao tiếp tục được nhân lên theo thời gian và cho đến nay, thầy Nhân đã bồi dưỡng được 29 học sinh đạt giải quốc gia. Đặc biệt, kỳ thi năm 2019 có tới 5/6 em đạt giải, trong đó một em là thủ khoa toàn quốc, sau này lọt vào đội tuyển Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Tin học châu Á – Thái Bình Dương.

Thầy Lê Quang Nhân cùng các học trò tại lễ khai giảng năm học mới. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Thầy Lê Quang Nhân cùng các học trò tại lễ khai giảng năm học mới. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Gắn bó với nghề giáo suốt 15 năm qua, thầy Nhân đã có chuỗi thành tích đáng tự hào cùng những học trò thân yêu của mình. Chở bao chuyến đò qua sông, thầy vẫn luôn dõi theo các em học sinh và rưng rưng xúc động, tự hào khi biết trò cũ thành công trong sự nghiệp. Trong số đó có những em đang công tác tại các doanh nghiệp lớn như FPT, Amazon, một số em chọn theo đuổi niềm đam mê công nghệ và làm việc, sinh sống ở nước ngoài.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.