Multimedia Đọc Báo in

Những giáo viên trẻ nhiệt huyết với nghề

08:45, 11/01/2021

Nhiều thầy cô giáo trẻ đã không ngại khó, ngại khổ, luôn mang hết nhiệt huyết để cống hiến cho công việc “trồng người”.

Thầy Tổng phụ trách Đội năng nổ, nhiệt tình

Năm 2014, sau khi tốt nghiệp loại giỏi Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng, thầy Hà Huy Thế về giảng dạy tại Trường Tiểu học Y Nuê (phường Thống Nhất, TX. Buôn Hồ). Ngoài công tác chuyên môn giảng dạy môn Thể dục, thầy Thế còn được Ban Giám hiệu nhà trường giao nhiệm vụ làm Tổng phụ trách Đội.

Gần 6 năm gắn bó với công tác Đội, thầy Thế luôn trăn trở suy nghĩ tổ chức hoạt động bổ ích thu hút học sinh tham gia. Trường Tiểu học Y Nuê có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, đa số các em rụt rè, nhút nhát, vì vậy thầy luôn quan tâm tìm hiểu tâm lý học sinh, thường xuyên đổi mới, đa dạng các hình thức hoạt động phù hợp với sở thích và lứa tuổi của các em như: tổ chức các trò chơi, sinh hoạt văn nghệ, thể dục thể thao, giúp học sinh hoàn thành tốt chương trình rèn luyện mà không bị áp lực. Đồng thời, thầy chú trọng những hoạt động hướng các em vào sinh hoạt tập thể, rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, múa, hát, đọc, viết, giúp các em mạnh dạn, yêu thích phong trào Đội. Các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể giúp các em tự tin, mạnh dạn, hứng thú hơn với học tập.

Thầy Hà Huy Thế được tuyên dương Nhà giáo trẻ  tiêu biểu.  Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thầy Hà Huy Thế được tuyên dương Nhà giáo trẻ tiêu biểu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Do trường còn nhiều khó khăn về nhiều mặt, cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động Đội còn thiếu thốn, khó tổ chức các hoạt động lớn cho học sinh, thầy Thế đã chủ động tham mưu cho Ban Giám hiệu nhà trường vận động sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện, các mạnh thường quân để tổ chức các hoạt động ý nghĩa như: tặng quà, tổ chức cắt tóc, khám chữa bệnh miễn phí… cho học sinh. Nhờ đó, nhiều học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp sức đến trường, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm hẳn qua từng năm. Đồng thời, căn cứ vào nhiệm vụ của từng năm học, thầy Thế cũng xây dựng kế hoạch hoạt động cùng với hệ thống chỉ tiêu cho Liên đội ngay từ đầu năm sát với tình hình nhiệm vụ và điều kiện của Liên đội; thường xuyên đôn đốc và nhắc nhở phụ trách các chi đội, liên đội trưởng và học sinh nắm bắt công việc thực hiện để hoàn thành tốt mọi kế hoạch đề ra.

Nhiều năm qua Liên đội Trường Tiểu học Y Nuê đã thực hiện có hiệu quả các phong trào “Đôi bạn cùng tiến”, “Bạn giúp bạn”, “Giúp bạn tới trường”, “Ngày hội vui khỏe”, “Đội em kể chuyện Bác Hồ”… Hằng năm, Liên đội còn duy trì và nhân rộng các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Văn nghệ thắp sáng ước mơ”… Năm học 2019 - 2020, Liên đội nhà trường đã trao tặng một phần quà cho thân nhân gia đình liệt sĩ; thông qua chương trình thắp sáng ước mơ đã gây quỹ hỗ trợ học bổng, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo; phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tặng hàng trăm suất quà cho học sinh nghèo, học sinh có thành tích cao.

Với những đóng góp tích cực cho phong trào Đội, thầy Hà Huy Thế đã được Sở GD-ĐT tuyên dương là Nhà giáo trẻ tiêu biểu; Tỉnh Đoàn tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Liên đội Trường Tiểu học Y Nuê nhiều năm liền đạt danh hiệu vững mạnh và được Hội đồng Đội tỉnh, UBND TX. Buôn Hồ tuyên dương.

Cô giáo trẻ hết lòng với học sinh vùng sâu

Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Đà Nẵng, năm 2014 cô Trần Thu Hồng Nhung nộp đơn xin về công tác tại vùng sâu Cư Pui của huyện Krông Bông. Với tâm niệm rằng giáo viên không chỉ có kiến thức mà còn cần tình yêu thương học sinh như chính con em của mình, gần 6 năm giảng dạy tại Trường THCS Cư Pui, cô Nhung luôn mang hết tâm sức "gieo" chữ cho học sinh nơi vùng sâu này.

Không chỉ cô Nhung mà các thầy cô giáo khác cũng gặp không ít khó khăn, vất vả bởi trên 90% học sinh của trường là người dân tộc thiểu số, tiếng Việt còn hạn chế nên khả năng tiếp nhận kiến thức chậm, thêm vào đó nhiều phụ huynh chưa quan tâm với việc học của con em mình. Để khắc phục khó khăn, cô Nhung đã không quản nhọc nhằn, đường sá xa xôi đến tận nhà thuyết phục phụ huynh có học sinh bỏ học giữa chừng tiếp tục cho các em đi học. Không những thế, cô còn vận động các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm hỗ trợ kịp thời cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ vậy, số lượng học sinh mà cô Nhung vận động quay lại trường học mỗi năm một nhiều hơn; lớp do cô chủ nhiệm luôn duy trì sĩ số ổn định từ đầu năm đến cuối năm, đặc biệt các em đều rất thích thú với những giờ học môn Ngữ văn do cô giảng dạy.

Cô Trần Thu Hồng Nhung cùng các cháu thiếu nhi trong một chuyến đi  về các  thôn, buôn.   Ảnh: H.Hiệp
Cô Trần Thu Hồng Nhung cùng các cháu thiếu nhi trong một chuyến đi về các thôn, buôn. Ảnh: H.Hiệp

Cô Nhung còn luôn nỗ lực học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để làm tốt hơn nhiệm vụ giảng dạy. Cô dành nhiều thời gian để nghiên cứu các đề tài sáng kiến nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, tăng khả năng tiếp thu kiến thức cho học sinh với 4 đề tài được công nhận giải B cấp huyện; vận dụng kiến thức liên môn tích hợp để giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn giúp học sinh liên hệ với thực tế một cách sâu rộng. Cô còn giành giải cao trong các cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên dạy giỏi cấp huyện và nhiều lần được các cấp khen thưởng về thành tích trong công tác giảng dạy.

Ninh Trang – Hữu Hiệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.