Multimedia Đọc Báo in

Thể thao phong trào với việc phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

16:16, 09/01/2011

Trong xu thế hội nhập, môi trường tồn tại của văn hóa ngày càng có nhiều thay đổi, hệ thống tín ngưỡng, tâm linh và các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc đang có những biến động, thậm chí đứng trước nguy cơ biến dạng, mai một. Đã có nhiều biện pháp được đưa ra để bảo tồn những bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó việc đẩy mạnh các hoạt động thể thao quần chúng đã làm nên một hướng đi hiệu quả. Thể thao phong trào có sức hấp dẫn, đã lôi cuốn các tầng lớp nhân dân và dần trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hoá của đồng bào các dân tộc.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống đã làm cho đời sống văn hóa cộng đồng trên địa bàn càng thêm đa dạng, phong phú. Theo ông Ngô Xuân Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển thể thao Quần chúng tỉnh, việc nâng cấp các trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc thành những giải đấu nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của ngành TDTT đã có tác động tích cực đến việc duy trì và phát triển bản sắc vốn có của nó. Các trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc luôn mang đậm tinh thần thượng võ, thể hiện sự cố gắng tối đa và ganh đua quyết liệt của mỗi người, theo những quy định chặt chẽ của luật lệ. Qua mỗi hoạt động ấy, có thể hiểu thêm về nét văn hóa đặc trưng của mỗi vùng - miền, dân tộc. Khi được nâng cấp và đưa vào hệ thống thi đấu, những nét đặc trưng ấy luôn là một trong những tiêu chí cần giữ lại. Chẳng hạn giải vật Vụ Bổn (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pak, diễn ra vào ngày 15-1 âm lịch) bắt nguồn từ những người dân trên quê hương quan họ Bắc Ninh vào đây lập nghiệp. Mặc dù đã trở thành giải đấu thường niên của ngành TDTT nhưng hội vật Vụ Bổn vẫn giữ nguyên hình thức vật dân gian. Theo truyền thống, các đô vật trước khi vào đấu giải chính phải vượt qua một đô vật khác để trở thành lèo thường. Các lèo thường này nếu cảm thấy đủ sức mạnh thì được đăng ký giữ lần lượt các “giải chính”, “giải 2” và “giải 3”. Các lèo thường còn lại sẽ đăng ký phá giải này bằng cách đấu với những đô vật đã nhận giữ giải. Thể thức thi đấu như vậy khác hoàn toàn với các kiểu đấu vật khác. Hơn thế, khi đã nằm trong hệ thống thi đấu chính thức, thông thường phải thi đấu các nội dung cụ thể theo từng hạng cân. Tuy nhiên, để đảm bảo tính truyền thống của một loại hình đấu vật lâu đời, thể thức thi đấu theo “lèo” vẫn được giữ nguyên khi ngành TDTT đưa hội vật này vào hệ thống thi đấu cấp tỉnh. Ngoài ra, trước mỗi trận đấu, nghi thức “xe đài” của môn vật truyển thống vẫn được thực hiện đầy đủ, ban tổ chức giải cùng hội đồng trọng tài còn bình chọn và trao giải cho đô vật xe đài đẹp nhất. Khác hơn chỉ là việc tổ chức thêm giải trẻ để đảm bảo tính kế thừa bền vững của những nét đặc sắc của hội vật này. Do giữ được đầy đủ những đặc điểm đặc trưng của hội vật, lại được tổ chức thành hệ thống thi đấu hằng năm nên phong trào tập luyện không chỉ gói gọn trong xã mà còn thu hút được các đô vật từ nơi khác đến tham gia mỗi khi mở hội.

Hội vật Vụ Bổn năm 2009. (Ảnh: Đăng Triều)
Hội vật Vụ Bổn năm 2009. (Ảnh: Đăng Triều)

Giải đua thuyền truyền thống được tổ chức tại huyện Krông Ana vào mùng 4 tết hằng năm cũng khởi nguồn từ một làng chài của những ngư dân quê gốc Quảng Nam vào đây làm ăn. Từ chỗ chỉ là những cuộc đua được tổ chức nội bộ trong làng, xã bằng những chiếc thuyền câu để vui xuân và có lúc tưởng như không còn tồn tại do hoàn cảnh kinh tế, xã hội tác động, đến nay đã trở thành giải đấu thường niên. Đến giải đua thuyền truyền thống toàn tỉnh lần thứ 3 (năm 2010) đã có 11 thuyền đua tham gia và thu hút hàng ngàn người từ khắp nơi đến xem và cổ vũ… Ngoài ra, còn có hội thi thể thao các dân tộc thiểu số được tổ chức hằng năm cũng là một trong những hoạt động chủ đạo để đưa đồng bào trở về với nếp sống, sinh hoạt truyền thống của dân tộc mình, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Tại đây, các trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc như kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo, bắn nỏ,…gần đây có thêm môn bắn ná đã thu hút hàng ngàn người tham gia tranh tài sôi nổi. Đồng thời đây cũng là dịp để các dân tộc anh em trên địa bàn giới thiệu, tôn vinh vốn văn hóa đặc sắc và thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc. Điều đó cho thấy các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống của người dân. Anh Nguyễn Ngọc Hiếu, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Krông Bông cho rằng, chính nhờ những giải đấu như vậy mới dấy lên phong trào tập luyện các môn thể thao dân tộc trong cộng đồng. Hơn thế, nhiều tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan đã dần được loại bỏ, hình thành nên nếp sống mới văn minh, khoa học trong cộng đồng. Tất cả những hoạt động này chính là tiền đề tạo nên những chuyển biến vượt bậc trong việc duy trì, phát triển và giữ gìn bản sắc văn hóa dân gian truyền thống trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Để khơi nguồn sức mạnh từ phong trào đến thành tích đỉnh cao, trong những nội dung đào tạo của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh hiện có nhiều nội dung thể thao dân tộc, được ưu tiên đầu tư cao là: võ cổ truyền, kéo co, đẩy gậy... Thực tế các môn thể thao dân tộc đã phát huy thế mạnh, qua đó giúp thể thao Dak Lak gặt hái được nhiều huy chương trên đấu trường quốc gia, quốc tế. Ở sân chơi quốc gia, môn đẩy gậy và võ cổ truyền thường xuyên nằm trong tốp đầu giải vô địch. Còn môn kéo co liên tục xếp vị trí số một toàn đoàn hằng năm. Đội tuyển kéo co nữ của tỉnh đã đại diện Việt Nam thi đấu và đoạt 2 Huy chương Đồng châu Á.

Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc