Multimedia Đọc Báo in

Máy bay rơi tại Pháp, toàn bộ 150 người thiệt mạng

15:59, 25/03/2015
Bộ trưởng Giao thông Pháp Alain Vidalies ngày 24-3 xác nhận không còn ai sống sót trong vụ tai nạn máy bay Airbus 320 mang số hiệu 4U9525 của Hãng hàng không giá rẻ Germanwings bị rơi ở miền Nam nước Pháp.
 
Theo Bộ trưởng Vidalies, hệ thống liên lạc ghi nhận một tín hiệu báo nguy cấp từ máy bay lúc 10:47 phút sáng cùng ngày (tức 16:47 phút theo giờ Hà Nội). Tín hiệu cho thấy máy bay này đã ở độ cao 1.500 mét trong tình trạng bất thường. Ngay sau đó, máy bay rơi. Trước xác nhận trên, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng đã tuyên bố nhiều khả năng không còn ai sống sót trong vụ tai nạn. 
Một thân nhân hành khách chuyến bay 4U9525 đang chờ đợi thông tin ở sân bay Dusseldorf (Đức). (Ảnh: AFP)
Một thân nhân hành khách chuyến bay 4U9525 đang chờ đợi thông tin ở sân bay Dusseldorf (Đức). (Ảnh: AFP)

Về con số chính xác nạn nhân có mặt trong chuyến bay định mệnh này, Hãng hàng không Germanwings cho biết có 144 hành khách và phi hành đoàn 6 người. Trước đó, các quan chức hàng không Pháp nói rằng chuyến bay này có 148 người tính cả phi hành đoàn. 

Chiếc máy bay Airbus 320 gặp nạn khi đang trên hành trình từ thành phố Barcelona của Tây Ban Nha tới thành phố Dusseldorf của Đức. Hiện trường vụ tai nạn nằm ở dãy núi Alps, rất khó tiếp cận bằng đường bộ. Nguyên nhân vụ tai nạn vẫn chưa được làm rõ.
 
Ngày 24-3, Bộ Ngoại giao Đức cho biết nước này đã thành lập một đội để xử lý vụ máy bay Airbus A320 của Hãng hàng không giá rẻ Germanwings (Đức) rơi ở miền Nam nước Pháp. Trong một thông báo, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nói: "Chúng tôi đồng cảm với những người đang lo ngại rằng thân nhân yêu quý của họ nằm trong số các nạn nhân" và gọi đây là một "tin khủng khiếp". Bộ trên cho hay đã mở một đường dây nóng giải quyết khủng hoảng theo số 0049-30-50003000. Trong khi đó sân bay Duesselfdorf cũng đã mở đường dây nóng 0049-800-7766350 cho "những người liên quan".
 
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định rằng 150 người thiệt mạng trong vụ tai nạn trên tại vùng núi Alps gồm có cả các nạn nhân người Đức, Tây Ban Nha và "có khả năng" là người Thổ Nhĩ Kỳ. Còn người phát ngôn của Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria cho biết khoảng 45 hành khách mang họ Tây Ban Nha. Nhà vua Tây Ban Nha Felipe VI, người đang thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tại Pháp, cho rằng không có dấu hiệu về người sống sót trong vụ tai nạn trên. Nhà vua Tây Ban Nha đã tuyên bố hủy chuyến thăm và quay trở về Tây Ban Nha để điều hành công việc cứu hộ và điều tra.
 
Theo hãng phát thanh-truyền hình Làn sóng Đức (DW), Thủ tướng Angela Merkel đã trao đổi với cả Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Tây Ban Nha Rajoy. Các bên cùng nhất trí làm mọi thứ có thể để xác định nguyên nhân vụ rơi máy bay.
 
Thủ tướng Merkel cho biết vụ rơi máy bay mang số hiệu 4U9525 của Đức là một cú sốc lớn đẩy cả 3 nước Đức, Pháp và Tây Ban Nha rơi vào nỗi buồn đau sâu sắc. Bày tỏ sự thương tiếc đối với những người thiệt mạng, bà Merkel khẳng định sẽ làm hết mình để hỗ trợ giải quyết hậu quả tai nạn. Nữ Thủ tướng cho biết cả Bộ trưởng Giao thông Đức Alexander Dobrindt và Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã lên đường tới hiện trường ngay trong ngày hôm nay. Bà Merkel cho biết, vào ngày 25-3 sẽ tới thăm khu vực xảy ra tai nạn để đánh giá tình hình. Bà nói: “Tôi sẽ tới đó vào ngày mai để có cảm nhận của riêng mình và để nói chuyện với các quan chức địa phương”. Đi cùng với bà sẽ là Hannelore Kraft, Thủ hiến bang of North Rhine-Westphalia của Đức. Bà Merkel nói mình sẽ “theo sát diễn tiến của vụ việc trong các giờ sắp tới”. 
Vị trí cuối cùng của chiếc máy bay gặp nạn
Vị trí cuối cùng của chiếc máy bay gặp nạn

Sau khi vụ tai nạn diễn ra, Carsten Spohr, ông chủ của tập đoàn hàng không Lufthansa, công ty mẹ của Germanwings cho biết, hãng vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân gây ra thảm kịch. Trong khi đó, các quan chức Pháp cho biết, một vài mảnh vỡ của máy bay đã được tìm thấy trong các khu vực lân cận.

Vùng máy bay rơi được xác định là “vùng núi tuyết, không thể tiếp cận bằng đường bộ nhưng có thể đến được bằng máy bay trực thăng”, nằm ở độ cao 1.500m so với nước biển, trên dãy Alpes. Những thông báo đầu tiên cho thấy “điều kiện thời tiết không quá tệ hại”. Cho đến giờ phút này, việc tiếp cận cứu hộ rất khó khăn do khu vực núi non hiểm trở và Tổng thống Pháp cũng thừa nhận phải mất nhiều giờ để các đơn vị cứu hộ tiếp cận được khu vực này.
 
Với nước Pháp, vụ rơi máy bay này đã trở thành thảm kịch hàng không tồi tệ nhất diễn ra trên đất Pháp kể từ năm 1981 và là vụ tai nạn hàng không cướp đi nhiều sinh mạng thứ 3 trong lịch sử nước Pháp. Nhà chức trách Pháp đã lập tức cho thành lập một tổ cứu hộ đặc biệt nhằm điều tra vụ việc. Các điều tra viên của Văn phòng điều tra và phân tích (BEA) về an toàn hàng không dân sự đã có mặt tại Méolans-Revel, gần địa điểm xảy ra tai nạn để bắt tay ngay vào việc điều tra nguyên nhân.
 
Nguyên nhân gây ra tai nạn hiện đang nghiêng về giả thuyết có trục trặc về kỹ thuật trên máy bay Airbus A320 hơn là về điều kiện thời tiết. Bởi theo nhận định của cơ quan khí tượng Pháp, Meteo France, “điều kiện thời tiết đặc biệt yên tĩnh trong thời gian đó tại địa điểm máy bay rơi. Bầu trời khô ráo, thông thoáng và gió rất yếu. Các đám mây gây bất lợi cho tầm nhìn cũng gần như không có”.
 
Thảm kịch hàng không này diễn ra trên địa phận châu Âu, nơi có các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về kỹ thuật, làm dấy lên các câu hỏi về tính đáng tin cậy của các hãng hàng không giá rẻ. Germanwings là một chi nhánh giá rẻ của Lufthansa, hãng hàng không số 1 của Đức, và đang phát triển rất mạnh trong thời gian qua. Kể từ năm 2013, Lufhansa đã chuyển 115 đường bay của hãng sang Germanwings và theo kế hoạch của hãng, kể từ năm sau, tất cả các chuyến bay của hãng trong địa phận châu Âu, trừ các chuyến bay xuất phát từ Frankfurt và Munich, đều sẽ do Germanwings thực hiện. Tuy nhiên, thảm kịch này chắc chắn sẽ đặt ra nhiều câu hỏi về kỹ thuật và mức độ an toàn của các hãng hàng không giá rẻ châu Âu, không chỉ Germanwings mà còn nhiều hãng khác.
 
H.T (tổng hợp từ Vietnamplus, VOV)
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk - Từ hành trình 120 năm xây dựng, phát triển đến khát vọng vươn tầm và kiến tạo
Sáng 26/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đắk Lắk – 120 năm hình thành và phát triển”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung và GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.