Hơn một nửa ngôn ngữ của Ấn Độ có nguy cơ biến mất trong 50 năm tới
Theo các nhà nghiên cứu, có thể trong vòng 50 năm tới, hơn một nửa số ngôn ngữ của đất nước có 1,3 tỷ dân - Ấn Độ - có thể sẽ biến mất. Các nhà nghiên cứu cũng kêu gọi nỗ lực bảo tồn tiếng nói của cộng đồng các dân tộc đang có nguy cơ biến mất ở Ấn Độ.
Tổ chức điều tra ngôn ngữ học Ấn Độ (PSLI) mới tiến hành 11 trong số 50 cuộc điều tra về ngôn ngữ. Theo PSLI, người dân Ấn Độ nói khoảng 780 ngôn ngữ khác nhau và có ít nhất 400 ngôn ngữ đang được trước nguy cơ biến mất trong vòng 50 năm tới.
Theo Chủ tịch PSLI G.N. Devy, khi một ngôn ngữ biến mất đồng nghĩa với việc một nền văn hóa cũng mất theo. Trong 5 thập kỷ qua, Ấn Độ đã mất 250 ngôn ngữ.
Nhóm các học giả và giáo viên của PSLI đang nỗ lực văn bản hóa các ngôn ngữ địa phương của Ấn Độ để bảo tồn nét văn hóa đa dạng của quốc gia này.
Hầu hết nguy cơ diễn ra ở các cộng đồng thiểu số nơi mà trẻ em không được giáo dục, hoặc nếu chúng đi học thì cũng chỉ được dạy 1 trong số 22 ngôn ngữ chính thức của Ấn Độ.
Nhà tâm lý chính trị Ashis Nandy cho biết: “Maithili là ngôn ngữ được nói ở băng phía đông Bihar, có ít nhất 1.000 năm tuổi. Tương tự, có vài ngôn ngữ cổ vẫn còn tồn tại đâu đó ở Ấn Độ nhưng chúng tôi rất khó duy trì chúng”.
Ông Devy cho biết thêm PSLI sẽ triển khai dự án văn bản hóa khoảng 6.000 ngôn ngữ trên thế giới. Dự kiến, kết quả dự án sẽ được công bố khoảng năm 2025.
Hồng Hà (Theo Reuters)
Ý kiến bạn đọc