Multimedia Đọc Báo in

Khủng hoảng trứng bẩn lan rộng từ châu Âu sang châu Á

20:22, 12/08/2017

Vụ bê bối liên quan đến trứng nhiễm thuốc trừ sâu đã lan rộng ra 15 nước Liên minh Châu Âu (EU), Thụy Sĩ và cả Hồng Kông khiến Ủy ban Châu Âu phải triệu tập một cuộc họp đặc biệt về vấn đề này vào ngày 26-9 tới.

Hàng triệu quả trứng đã được thu hồi từ các kệ siêu thị trên toàn châu Âu và hàng chục các trang trại chăn nuôi đã bị đóng cửa kể từ khi vụ việc trứng nhiễm fipronil – loại thuốc diệt côn trùng có thể gây hại đến sức khỏe con người – được công bố hôm 1-8.

Đã xảy ra cuộc tranh cãi giữa Bỉ, Hà Lan và Đức, 3 nước trung tâm của vụ bê bối này, về việc họ đã phát hiện ra vụ việc trong bao lâu.

“Đổ lỗi và làm xấu hổ lẫn nhau chẳng dẫn đến đâu. Thay vào đó, chúng tôi cần phải cùng giải quyết, rút ra những bài học cần thiết”, ông Vytenis Andriukaitis, quan chức phụ trách vấn đề sức khỏe và an toàn thực phẩm của Ủy ban Châu Âu nói với AFP.

Fipronil là một chất diệt bọ chét, rận và ve được sử dụng rộng rãi nhưng bị EU cấm sử dụng trong công nghiệp thực phẩm. EU nhấn mạnh rằng chất này không đe dọa sức khỏe con người, tuy nhiên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng nếu ăn fipronil với số lượng lớn có thể gây hại cho thận, gan và tuyến giáp.

Brussels cho biết 15 nước châu Âu bị ảnh hưởng bao gồm Bỉ, Hà Lan, Đức, Pháp, Thụy Điển, Anh, Áo, Ailen,  Ý, Luxembourg, Ba Lan, Rumani, Slovakia, Slovenia and Đan Mạch, và Thụy Sỹ không thuộc EU. Tuy nhiên, vụ việc có vẻ đang lan ra toàn cầu, Brussels thông báo rằng Hồng Kông đã nhập trứng nhiễm bẩn từ Hà Lan, cùng với một thành phố ở phía Nam Trung Quốc đang trở thành nơi đầu tiên ở châu Á bị ảnh hưởng bởi vụ việc này.

Quan chức ngành Y tế Hồng Kông Sophia Chan cho biết các nhà chức trách đang thắt chặt kiểm soát đối với trứng nhập từ châu Âu.

503b9067e0db24b0f95707ba5f6c71646967d4cf.jpg
Trứng nhiễm fipronil được tìm thấy ở các nước châu Âu và lan sang cả châu Á. (ẢnhAFP)

Để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm, EU đang tìm giải pháp kiềm giữ thái độ bình tĩnh của các nước thành viên trước các cuộc tranh cãi về trứng bẩn sau một loạt các vấn đề gây chia rẽ lâm vào bế tắc những năm gần đây, từ Brexit tới vấn đề người di cư.

Hồi đầu tuần này, Bỉ đã cáo buộc Hà Lan phát hiện trứng nhiễm fipronil từ tháng 11-2016 song không thông báo cho các nước khác. Hôm 10-8, Bộ trưởng Y tế Hà Lan Edith Schippers thừa nhận rằng chính phủ nước này đã phạm sai lầm song không cho rằng đó là sự che giấu, lấp liếm vụ việc. Ông Schippers cho biết: “Hồi tháng 11-2016, chúng tôi nhận được báo cáo về sự hiện diện của fipronil trong các khu vực nuôi gà đẻ nhưng lúc đó không có dấu hiệu nào cho thấy fipronil có trong trứng gà”.

Tuy nhiên, chính nước Bỉ cũng thừa nhận rằng họ đã biết về fipronil trong trứng gà từ hồi tháng 6 năm nay nhưng đã giữ bí mật vụ việc trong gần 2 tháng vì có liên quan đến một cuộc điều tra tội phạm.

Trong khi đó, các trường hợp trứng nhiễm thuốc trừ sâu mới vẫn được phát hiện hằng ngày.

Hôm 11-8, Đan Mạch cho biết đã phát hiện 2 tấn trứng nhiễm bẩn, nâng tổng số trứng nhiễm bẩn ở nước này lên tới 22 tấn, chủ yếu nhập từ Bỉ. Ba Lan phát hiện khoảng 40.000 quả trứng nhiễm fipronil nhập khẩu từ Đức. Còn Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stephane Travert thống kê từ tháng 4 đến nay nước này đã bán ra thị trường gần 250.000 quả trứng bẩn nhập khẩu từ Bỉ và Hà Lan.

Đây là một trong những vụ bê bối thực phẩm lớn nhất ở châu Âu kể từ vụ xì-căng-đan thịt ngựa năm 2013. Những rắc rối liên quan đến thực phẩm từng xảy ra ở châu Âu trước đây bao gồm vụ gà và trứng nhiễm độc chất điôxin năm 1999 (bắt đầu từ Bỉ) và dịch bệnh bò điên xảy ra trong những năm 1986-1998 (bắt đầu từ Anh).

Hồng Thủy (Theo AFP)


Ý kiến bạn đọc