Người Kurd đòi ly khai – "nỗi lo" của 4 nước Trung Đông
Vào thời khắc cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria đang dần tới hồi kết thì giấc mơ “lập quốc” một lần nữa của người Kurd lại trỗi dậy mạnh mẽ. Cộng đồng người Kurd tại Iraq đã ấn định được ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân về việc ly khai khỏi chính quyền Trung ương; còn người Kurd tại Syria cũng đang ráo riết xây dựng cho mình một cơ chế tự trị.
Một quan chức chính quyền khu tự trị của người Kurd ở miền Bắc Syria cho biết họ sẽ tổ chức các cuộc bầu cử tại các hội đồng bầu cử ở địa phương và khu vực vào tháng 9, 11-2017 và tháng 1-2018.
Các nhóm người Kurd và đồng minh của họ kiểm soát những vùng đất lớn bao trùm miền Bắc Syria thuộc các khu vực do Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn. Đây là một liên minh do nhóm dân quân Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) đứng đầu và là một đồng minh quan trọng trong liên quân quốc tế chống IS.
Các thành viên SDF, lực lượng do Mỹ hậu thuẫn, tuần tra tại Hazima, ngoại ô phía bắc Raqqa (Syria). (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết SDF đã giành quyền kiểm soát hơn 42.000 km2 tại Syria. SDF đã mở rộng phạm vi kiểm soát tại một số khu vực phía Bắc Syria sau các cuộc giao tranh với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Thắng lợi đáng kể của SDF là ở thành phố Raqqa miền Bắc Syria, thành trì chính của IS tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, SOHR nhấn mạnh rằng bất chấp bước tiến của SDF, chiến sự vẫn chưa diễn ra tại khu vực trung tâm của Raqqa.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, cộng đồng người Kurd với khoảng 30 triệu người dân sinh sống tại vùng đất Kurdistan, đã bị phân chia ra 4 quốc gia là Iraq, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng thập kỷ qua, người Kurd tại các quốc gia này đã phát động nhiều chiến dịch đòi quyền độc lập hoặc tự trị cho cộng đồng của mình.
Tuy nhiên, họ đã không nhận được sự ủng hộ của chính quyền trung ương cũng như các nước trong khu vực. Cho đến những năm 90 của thế kỷ trước, cộng đồng người Kurd tại Iraq với khoảng 5 triệu dân mới được hưởng quy chế tự trị riêng trong một thỏa thuận với chính phủ nước này.
Giấc mơ “lập quốc” tạm dịu lắng từ năm 2014 khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng được hình thành và chiếm giữ nhiều khu vực lãnh thổ tại Iraq và Syria. Lực lượng vũ trang người Kurd tại 2 quốc gia này đã nỗ lực chiến đấu chống lại khủng bố như một lời khẳng định bản thân trước cộng đồng quốc tế, với sự hỗ trợ từ Mỹ và các nước phương Tây.
Hiện cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria đang đạt được nhiều tiến bộ với hầu hết diện tích IS chiếm đóng đã được giải phóng. Ngay lập tức, người đứng đầu chính quyền tự trị người Kurd tại Iraq Massoud Barzani đã ấn định ngày tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân đòi quyền độc lập vào ngày 25-9 tới.
Theo trợ lý của ông Barzani, cuộc trưng cầu này sẽ diễn ra tại khu vực tranh chấp Kirkuk và 3 khu vực khác, gồm Makhmour ở miền Bắc, Sinjar ở Tây Bắc và Khanaqin ở miền Đông.
Tuy nhiên, chính quyền trung ương Iraq đã lập tức lên tiếng phản đối cuộc trưng cầu ý dân này bởi nó đã vi phạm hiến pháp quốc gia; đồng thời đưa ra cảnh báo người Kurd về bất kỳ động thái nào nhằm sáp nhập Kirkuk, khu vực có nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào. Giới chức trách Iraq khẳng định, cuộc chiến chống khủng bố vẫn đang là ưu tiên hàng đầu tại quốc gia Trung Đông này. Đây cũng được xem là lập trường quan điểm của Mỹ, một đồng minh của chính phủ Iraq cũng như cộng đồng người Kurd tại đây, rằng vẫn chưa phải là thời điểm phù hợp.
Hai quốc gia láng giềng của Iraq có đông người Kurd sinh sống là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng phản đối cuộc trưng cầu ý dân này. Với Thổ Nhĩ Kỳ, đây là “một sai lầm nghiêm trọng”, gây bất lợi cho Iraq, nguy cơ kéo theo các bất ổn khác tại khu vực. Còn với Iran, nước này khẳng định luôn ủng hộ “sự toàn vẹn lãnh thổ” của Iraq.
Dẫu vậy, thủ lĩnh người Kurd tại Iraq Massoud Barzani vẫn cho rằng thời điểm cho việc ly khai khỏi Iraq đã “chín muồi”: “Người dân Kirkuk sẽ đưa ra quyết định của mình trong cuộc trưng cầu ý dân và quyết định của chúng tôi phải được tôn trọng. Nhiều năm qua, chúng tôi đã chờ đợi và thảo luận với các đối tác của mình, tuy nhiên câu trả lời mà chúng tôi nhận được vẫn là không bởi đây không phải là thời điểm phù hợp. Vậy thời điểm phù hợp đó là bao giờ?”.
Người Kurd ở Iraq. (Ảnh: AFP) |
Phát biểu tại thủ đô Washington, Mỹ hôm 28-7 vừa qua, con trai thủ lĩnh Massoud Barzani, đồng thời là Thủ tướng chính quyền tự trị người Kurd tại Iraq, Masrour Barzani cũng cho rằng thành phố Mosul, nơi từng được xem là thành trì của IS, đã được giải phóng, do đó đây là thời điểm phù hợp nhất. Theo Massoud Barzani, chính phủ người Kurd sẽ vẫn tiếp tục chống lại “chủ nghĩa khủng bố” bất kể họ có mối quan hệ chính trị như thế nào với chính quyền Baghdad.
Trong khi người Kurd tại Iraq đang chuẩn bị cho nền độc lập thì người anh em của họ tại Syria lại ráo riết xây dựng cho mình một cơ chế tự trị. Mục tiêu thiết lập một cơ chế tự trị tại khu vực phía bắc Syria đã được cộng đồng người Kurd tại nước này theo đuổi từ lâu, nhất là khi xảy ra cuộc nội chiến tại Syria vào năm 2011.
Việc chính quyền tự trị người Kurd tại Iraq quyết định trưng cầu ý dân về một nền độc lập cùng với một nền tự trị mà người Kurd tại Syria đang theo đuổi sẽ khiến tình hình khu vực vốn đã bất ổn lại càng thêm bất ổn một khi các mục tiêu này thành hiện thực.
Đây không chỉ là nỗi lo của riêng chính phủ Iraq và Syria, mà nó còn là nỗi lo của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran – nơi có những cộng đồng người Kurd sinh sống. Giới phân tích nhận định, bên cạnh việc chống khủng bố, chính quyền 4 quốc gia Trung Đông này thời gian tới sẽ còn rất nhiều việc để làm nhằm giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Như Hồng (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc