Những thách thức của Tổng thống Venezuela trong nhiệm kỳ mới
Sóng gió mới
Phát biểu trong lễ tuyên bố chính thức tái đắc cử, Tổng thống Maduro nói: “Đại biện lâm thời Mỹ Todd Robinson là người không được thừa nhận và ông này phải rời khỏi Venezuela trong 48 giờ tới. Ngoài ra ông Brian Naranjom người phụ trách bộ phận chính trị cũng phải rời khỏi Venezuela trong vòng 48 giờ”. Bên cạnh đó, Tổng thống Maduro cũng khẳng định các lệnh trừng phạt của Mỹ đã xúc phạm "thể diện quốc gia" của Venezuela, khiến người dân nước này phải chịu nhiều tổn thất.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Venezuela đã chỉ trích lệnh trừng phạt mới của Mỹ, được đưa ra sau khi Tổng thống Maduro vừa tái đắc cử vào cuối tuần qua. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Venezuela nhấn mạnh: “Venezuela một lần nữa lên án chiến dịch gây hấn có hệ thống của Mỹ nhằm trừng phạt người dân Venezuela vì đã thực hiện quyền đi bỏ phiếu. Những hành động độc đoán và đơn phương này tương đương với tội ác chống lại loài người”.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro sau khi Ủy ban bầu cử quốc gia công bố kết quả bầu cử Tổng thống tại Caracas ngày 20-5. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Mối quan hệ giữa Mỹ và các nước Nam Mỹ, đặc biệt là với Venezuela, không được tốt đẹp trong thời gian gần đây. Khi ông Maduro tái đắc cử Tổng thống sau cuộc bầu cử ngày 20-5, Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) và một số nước tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử. Mỹ sau đó quyết định trừng phạt bằng cách giới hạn việc bán tài sản công của Venezuela.
Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ cũng thông báo trừng phạt ông Diosdado Cabello, Phó Chủ tịch Đảng cầm quyền Xã hội chủ nghĩa thống nhất (PSUV) Venezuela với cáo buộc liên quan đến buôn lậu ma túy. Hồi đầu tháng này, Mỹ trừng phạt 20 công ty Venezuela được cho là có liên hệ đến ông Maduro. Bản thân ông Maduro cũng bị Mỹ trừng phạt.
Theo ông Maduro, các lệnh trừng phạt của Mỹ không liên quan gì đến dân chủ hay buôn lậu ma túy, mà Mỹ chỉ muốn lật đổ chính phủ của ông.
Với mâu thuẫn mới nảy sinh, giới quan sát lo ngại Chính phủ của Tổng thống Venezuela Maduro sẽ thêm khó khăn trong việc khôi phục lại vị thế là một trong những quốc gia có ảnh hưởng kinh tế và chính trị lớn nhất tại Nam Mỹ. Venezuela đã chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế do dầu thô mất giá những năm gần đây. Số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, GDP của Venezuela đã giảm 45% trong vòng 5 năm trở lại đây và dự báo giảm tiếp 15% trong năm nay, trong khi lạm phát lên tới 13.800% dẫn đến tình trạng tiền mất giá.
Tổng thống Maduro trước thách thức của nhiệm kỳ mới
Trong cuộc bầu cử lịch sử được đánh giá là có tính quyết định tương lai của đất nước vừa qua, nhân dân Venezuela một lần nữa lại đặt niềm tin vào tiến trình cách mạng mà cả dân tộc đã theo đuổi trong 19 năm qua thông qua việc bầu cho ứng cử viên của liên minh cánh tả Mặt trận Tổ quốc mở rộng, đương kim Tổng thống Nicolas Maduro tiếp tục làm người lãnh đạo cao nhất đất nước trong 6 năm tới.
Chiến thắng của Tổng thống Maduro sẽ tạo điều kiện để ông và Đảng PSUV cầm quyền tiếp nối tiến trình cách mạng Bolivar mà nhiệm vụ quan trọng trước mắt là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị trầm trọng hiện nay. Thách thức lớn nhất đối với Tổng thống đắc cử Maduro và Chính phủ trong thời gian tới chính là vấn đề kinh tế, bị suy thoái nặng nề trong những năm qua do ảnh hưởng của cuộc bao vây cấm vận từ bên ngoài và hoạt động chống phá từ bên trong, bất chấp việc Venezuela là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ hàng đầu thế giới.
Thắng lợi trong cuộc bầu cử vừa qua thể hiện sự tin tưởng mà nhân dân Venezuela đã gửi tới Tổng thống Maduro nói riêng, cũng như tiến trình cách mạng Bolivar nói chung, song cũng đặt lên vai chính phủ của nhà lãnh đạo cánh tả này những nhiệm vụ và trách nhiệm nặng nề để chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những thách thức của thời cuộc vì một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước. |
Tình trạng lạm phát phi mã, lương thực và thuốc men khan hiếm vẫn là những vấn đề khiến Chính phủ Venezuela “đau đầu” trong những năm gần đây. Từng cam kết đa dạng hóa nền kinh tế để tránh tình trạng bị phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ, song đến nay, Chính phủ Venezuela vẫn chưa thể thực hiện được một cách đầy đủ. Cùng với đó, ông Maduro cũng phải giải quyết những “vướng mắc” trong quan hệ với các nước láng giềng, tạo sự ổn định vì sự hợp tác và liên kết trong khu vực, qua đó giúp cho công cuộc khôi phục và ổn định nền kinh tế có được nhiều thuận lợi hơn. Chắc chắn, Venezuela sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong mối liên kết với phong trào tiến bộ ở khu vực để vực dậy sức mạnh như những năm trước đây, cũng như bảo vệ chủ quyền và quyền tự quyết định vận mệnh trước sự áp đặt của các nước lớn.
Phát biểu trước những người ủng hộ ngay sau cuộc bầu cử, Tổng thống đắc cử Maduro khẳng định sẽ ngay lập tức bắt tay vào thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm khôi phục kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và bảo vệ nền kinh tế quốc gia. Nhà lãnh đạo Venezuela cũng đã cam kết sẽ thúc đẩy hơn nữa những cải cách về chính trị và kinh tế, thực hiện một cách hiệu quả hơn các mục tiêu của “Kế hoạch Tổ quốc” - chương trình hành động của Chính phủ, để đáp ứng một cách tốt nhất mọi nhu cầu của người dân, đồng thời tiếp tục thúc đẩy các chương trình xã hội vì người nghèo mà Chính phủ đã triển khai trong nhiều năm qua, đặc biệt là các chương trình giáo dục và y tế miễn phí và chất lượng, cũng như chương trình xây dựng nhà cho người nghèo.
Mặt khác, Tổng thống đắc cử Maduro tuyên bố sẽ mạnh tay hơn nữa trong cuộc đấu tranh với cuộc chiến kinh tế mà các thế lực thù địch phát động, gây thiệt hại lớn cho đất nước, nhằm giải quyết dứt điểm những bất ổn về kinh tế - xã hội mà đất nước đang phải hứng chịu để tập trung cho giai đoạn phát triển mới. Ông Maduro cũng kêu gọi các bên tham gia vào một cuộc đối thoại chính trị toàn quốc nhằm tìm kiếm hòa hợp dân tộc mà ưu tiên là phục vụ lợi ích của nhân dân.
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc