Nguy cơ mới đối với an ninh dầu mỏ
Nhóm vũ trang Houthi ở Yemen đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công khi tuyên bố rằng 10 máy bay không người lái của lực lượng này đã tấn công Abqaiq và mỏ dầu Khurais. Tuy nhiên, các cuộc tấn công với quy mô và độ chính xác như vậy dường như vượt quá khả năng của nhóm Houthi, do đó cả Mỹ và Saudi Arabia đều không thừa nhận tuyên bố của lực lượng này.
Vụ việc sử dụng thiết bị không người lái tấn công các tài sản mang tính chiến lược quốc gia như ở Saudi Arabia đang đặt ra nhiều thách thức đối với an ninh, trước hết trong lĩnh vực dầu mỏ. Các vụ tấn công này càng khẳng định thêm những lo ngại của các chuyên gia an ninh về một hình thức khủng bố mới trong bối cảnh sự phát triển như vũ bão của công nghệ cho phép các thiết bị bay không người lái hoạt động trên diện rộng hơn.
Khói bốc lên từ nhà máy lọc dầu của Aramco ở Abqaiq, Saudi Arabia, sau vụ tấn công ngày 14-9-2019. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng qua, sau khi sản lượng khai thác của Tập đoàn dầu khí nhà nước Aramco Saudi Arabia giảm khoảng một nửa. Nếu các cơ sở lọc dầu nói trên không được sửa chữa nhanh chóng, sự gián đoạn nguồn cung có thể làm giảm 7,4 triệu thùng dầu thô xuất khẩu mỗi ngày của nước này trong 3 quý tới, tương đương 5% nguồn cung dầu trên thị trường quốc tế. Vụ việc cũng làm dấy lên lo ngại nguy cơ gián đoạn nguồn cung sẽ lớn hơn nếu tiếp tục xảy ra các vụ tấn công khác vào các mỏ dầu và đường ống dẫn dầu của quốc gia xuất khẩu lớn nhất trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cung cấp 10% sản lượng dầu thô thế giới này.
Nhận định về sự việc trên, Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường RS En-ergy Group, ông Bill Farren-Price, bày tỏ lo ngại về “một mối đe dọa mới”. Ông nói: “Vụ tấn công cho thấy một trong những công ty dầu lửa tốt nhất khu vực gặp khó khăn trong việc bảo vệ chính mình khỏi một kiểu đe dọa mới”.
Nếu vụ tấn công này xảy ra vào thời điểm cách đây một thập niên, sự việc có thể sẽ đẩy giá dầu tăng vọt, tuy nhiên, hiện kho dự trữ dầu toàn cầu đang nhiều hơn bình thường, trong khi nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại nên nhu cầu năng lượng cũng giảm bớt. Mỹ - nước sản xuất dầu lớn vừa “soán ngôi” Saudi Arabia trở thành quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, hiện đang tạo ra khoảng 12,2 triệu thùng dầu/ngày, tăng gấp đôi sản lượng so với năm 2012 và tăng 1,4 triệu thùng/ngày so với cách đây chỉ hơn một năm. Trong khi đó, một số nước sản xuất dầu mỏ khác cũng đang tăng sản lượng, trong đó Na Uy và Brazil hay Iraq...
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Mỹ và các nước phát triển đang có gần 3 tỷ thùng dầu dự trữ, đủ để đáp ứng nhu cầu trong hai tháng. Lượng dầu dự trữ này nhiều hơn 50 triệu thùng so với cách đây một năm, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu của Iran và Venezuela. Lượng dầu dự trữ tại các nước công nghiệp hóa đều ở mức cao nhất kể từ tháng 9-2017 và cao hơn mức trung bình trong 5 năm qua gần 20 triệu thùng.
Dù cuộc tấn công xuất phát từ bất cứ đâu và ai là người chủ mưu đằng sau thì những cuộc tấn công này vẫn là một bước thay đổi trong bối cảnh vùng Vịnh đang giống như một "thùng thuốc súng" có thể phát nổ bất cứ lúc nào sau một loạt những diễn biến, từ các vụ phá hoại tàu chở dầu cho tới tình hình bất ổn tại Yemen và một loạt những cuộc không kích vào các trại dân quân của những người Hồi giáo dòng Shia ở Iraq những tháng gần đây. |
Như một biện pháp khẩn cấp nhằm bình ổn các thị trường dầu mỏ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho phép mở kho dự trữ dầu chiến lược hiện đang có 713 triệu thùng của Mỹ. Quyết định của ông Trump có một tác động tâm lý đáng kể. Giới chuyên gia dự báo các nước bị tác động của nguồn cung từ Saudi Arabia có thể sẽ tìm cách mua dầu của Mỹ nếu các cơ sở của Saudi Arabia bị đình trệ trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, giá dầu tăng cũng sẽ là yếu tố kích thích các công ty Mỹ tăng sản lượng dầu.
Tuy nhiên, chuyên gia năng lượng Trung Đông tại Viện nghiên cứu Baker, ông James Krane, chia sẻ quan điểm rằng nguồn cung dầu thô từ Iran sẽ là lựa chọn khả dĩ nhất để thay thế cho sự sụt giảm sản lượng của Saudi Ara-bia, trong bối cảnh xuất khẩu dầu mỏ của Riyadh chủ yếu tới các khách hàng ở châu Á, và Iran có lợi thế gần gũi về mặt địa lý hơn bất kỳ nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt nào khác.
Khói bốc lên từ nhà máy lọc dầu của Aramco ở Abqaiq, Saudi Arabia, sau vụ tấn công ngày 14-9-2019. |
Vấn đề đáng lưu ý là ngay sau các cuộc tấn công, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố rằng “chính Iran đã gây ra vụ việc này”. Đây không phải lần đầu tiên Iran bị đổ lỗi trong các vụ tấn công tại vùng Vịnh, kể cả các vụ tấn công tàu chở dầu thời gian qua, dù Tehran luôn bác bỏ.
Phía Mỹ nhận định, vụ tấn công các cơ sở dầu của Saudi Arabia hôm 14-9 vừa qua xuất phát từ khu vực tây nam Iran. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18-9 thông báo trên Twitter rằng ông đã ra lệnh cho Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin "tăng mạnh các trừng phạt" Iran.
Trước đó, trong công hàm chính thức gửi tới Mỹ thông qua Đại sứ quán Thụy Sĩ, phái bộ đại diện cho lợi ích của Mỹ tại Tehran, Iran đã tái khẳng định không đứng sau các vụ tấn công trên, đồng thời cảnh báo sẽ lập tức đáp trả mọi động thái của Mỹ chống lại Iran. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng tuyên bố những cáo buộc của Washington là nhằm tăng cường gây sức ép đối với Tehran.
Diễn biến mới này có nguy cơ hủy hoại những tín hiệu tích cực đang khiến dư luận hy vọng sẽ giúp “phá băng” trong quan hệ Iran - Mỹ. Mấu chốt hiện giờ là liệu vụ tấn công nhằm vào các cơ sở dầu của Saudi Arabia có thể trở thành cái cớ khiến vòng xoáy căng thẳng giữa các bên tại vùng Vịnh bùng phát trở lại hay không. Điều này mới là yếu tố chủ chốt tác động tới giá dầu và là mối đe dọa thực sự đối với an ninh năng lượng toàn cầu.
Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)
Ý kiến bạn đọc