Multimedia Đọc Báo in

Chiến sự ở Syria: Nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ bị cô lập - IS bắt đầu "hồi sinh"

07:31, 18/10/2019

Khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria đang trở thành điểm nóng nhất ở khu vực Trung Đông trong những ngày qua. Chiến dịch quân sự “Mùa Xuân hòa bình” do Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương tiến hành ở phía Đông Bắc Syria nhằm vào lực lượng người Kurd ở đây đang gây ra những hệ lụy nguy hiểm.

Sau khi các lực lượng Mỹ rút khỏi một phần khu vực biên giới Syria ngày 7-10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã phát động chiến dịch tấn công các tay súng người Kurd ở Đông Bắc Syria, với lập luận rằng chiến dịch này nhằm “quét sạch khủng bố” và “đem lại hòa bình cho khu vực”.

Chiến dịch mang tên “Mùa Xuân hòa bình” bắt đầu từ ngày 8-10 với các cuộc không kích các mục tiêu người Kurd ở Đông Bắc Syria, còn các cuộc tấn công trên bộ thì bắt đầu từ ngày 9-10.

Trong ngày đầu tiên của chiến dịch trên bộ, các máy bay chiến đấu và pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ đã oanh tạc nhiều mục tiêu của lực lượng người Kurd tại khu vực Đông Bắc Syria, nhằm vào Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) và các lực lượng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị Ankara liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Tính đến ngày 11-10, theo thông tin của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), đã có ít nhất 29 tay súng và 10 dân thường bị thiệt mạng kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tấn công người Kurd tại Syria. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra con số 228 tay súng người Kurd thiệt mạng.

Khói bốc lên tại thành phố Ras al-Ain, miền Bắc Syria sau các cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd ngày 9-10-2019.  Ảnh: AFP/TTXVN
Khói bốc lên tại thành phố Ras al-Ain, miền Bắc Syria sau các cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd ngày 9-10-2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Gần 200 mục tiêu của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) bị tấn công, nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã ném bom 181 mục tiêu ở phía bắc Syria kể từ khi bắt đầu chiến dịch tới nay. Theo Ủy ban Cứu trợ quốc tế, 64.000 người Syria đã phải đi sơ tán.

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã quyết định triệu tập cuộc họp khẩn trong ngày 10-10 để thảo luận về cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria. Các nguồn tin cho biết, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đang xem xét một văn bản do Mỹ soạn thảo, trong đó kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ trở lại với giải pháp ngoại giao.

Hôm 14-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh áp đặt các biện pháp và cấm cấp thị thực đối với một số thành viên của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đáp lại chiến dịch quân sự của nước này tại miền Bắc Syria. Viết trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump nêu rõ: "Sắc lệnh này sẽ cho phép Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ bổ sung đối với những người có thể liên quan tới những vụ lạm dụng nhân quyền, cản trở một lệnh ngừng bắn, ngăn cản người phải rời bỏ nhà cửa trở về nhà, ép người tị nạn phải hồi hương, hay đe dọa tới an ninh, hòa bình và ổn định tại Syria". Theo ông chủ Nhà Trắng, Mỹ sẽ ngừng đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về thỏa thuận thương mại trị giá 100 tỷ USD và tăng thuế 50% lên thép của nước này. Còn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo, Mỹ sẽ trừng phạt 3 trong số các quan chức quyền lực nhất Thổ Nhĩ Kỳ gồm: Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Năng lượng và Bộ trưởng Nội vụ, cũng như hai bộ là Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiến dịch quân sự trên cho đến nay vẫn hứng chịu rất nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, cho rằng chiến dịch là hành động xâm lược, có nguy cơ dẫn đến một thảm họa nhân đạo lớn “chưa từng có” và sự hồi sinh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Ngoại trưởng các nước thành viên Liên đoàn Arab (AL) đã tổ chức họp khẩn ở thủ đô Cairo, Ai Cập. Cuộc họp kết thúc với việc đưa ra tuyên bố chung lên án mạnh mẽ hành động xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, dù bất kỳ lý do phát động chiến dịch của nước này là gì. Dự kiến các nước Arab sẽ xem xét khả năng đưa ra các biện pháp đối phó, đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm việc hạ mức quan hệ ngoại giao, chấm dứt hợp tác quân sự, kinh tế, văn hóa và du lịch với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, từ châu Âu, một làn sóng biểu tình phản đối chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria đang diễn ra với quy mô lớn. Hàng chục nghìn người dân ở Pháp, Đức, Áo, Hy Lạp, Hungary, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ba Lan, Hà Lan… đã xuống đường để thể hiện tình đoàn kết với cộng đồng người Kurd, Syria. Họ kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn trong vấn đề.

Đến nay, một loạt các nước châu Âu như Phần Lan, Na Uy đã quyết định ngừng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ như một hành động phản đối. Chính phủ các nước Pháp, Đức cũng đã dừng cấp phép và đình chỉ mọi kế hoạch xuất khẩu các khí tài quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ, với những lo ngại các trang thiết bị này có thể được sử dụng cho cuộc chiến.

Người dân sơ tán tránh chiến sự ở thị trấn Ras al-Ain, tỉnh Hasakeh (Đông Bắc Syria).
Người dân sơ tán tránh chiến sự ở thị trấn Ras al-Ain, tỉnh Hasakeh (Đông Bắc Syria).

Trước những chỉ trích gay gắt từ dư luận, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn quyết tâm bảo vệ quan điểm của mình, cho rằng chiến dịch tại Syria là hành động bảo vệ an ninh quốc gia, là cuộc chiến chống khủng bố.

Các nhà phân tích cho rằng, chiến dịch tấn công người Kurd ở Syria của Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến hình ảnh và uy tín của Ankara bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ đối mặt với làn sóng chỉ trích gay gắt của các nước trong khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ còn có thể bị cô lập về ngoại giao, đặc biệt là trong khối các nước Arab.

Chưa kể đến một khi lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria phải đơn độc đối phó với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thì chắc chắn sẽ không còn rảnh tay chiến đấu chống tàn quân IS và sẽ phải thả 11.000 chiến binh IS đang bị giam giữ ở các địa điểm do người Kurd kiểm soát.

Nếu điều này xảy ra thì đây đúng là “cơn ác mộng”, đặc biệt đối với các nước phương Tây bởi trong số hàng nghìn chiến binh IS bị người Kurd bắt giữ có rất nhiều người mang hộ chiếu châu Âu. Và khi đó thì Ankara còn có nguy cơ phải gánh chịu những đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ và châu Âu. Đây là cái giá rất đắt mà Thổ Nhĩ Kỳ không thể không tính tới.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc