Dư luận quốc tế về tình hình căng thẳng ở Bolivia
Bolivia đang lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị sau khi Tổng thống Evo Morales ngày 10-11 tuyên bố từ chức tổng thống sau 14 năm cầm quyền. Nhà lãnh đạo Bolivia tố cáo ông là nạn nhân của một cuộc đảo chính và ông buộc phải từ chức để tránh một cuộc đổ máu không cần thiết và vì sự bình yên của đất nước.
Ông Morales tuyên bố chính phủ của mình đã để lại một đất nước với nhiều tiến bộ xã hội, tăng trưởng kinh tế ổn định, một đất nước Bolivia tự do và có tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định không chạy trốn, mà sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh cùng với nhân dân Bolivia để giữ lại những thành quả mà chính phủ của ông đã tạo dựng được trong hơn 1 thập niên qua.
Sáng 12-11 (giờ Việt Nam), ông Morales đã lên máy bay tới Mexico, nơi ông được cấp quy chế tị nạn chính trị.
Bất chấp việc thiếu số đại biểu cần thiết để bổ nhiệm Tổng thống lâm thời trong phiên họp Quốc hội hôm 12-11 do các nghị sĩ từ đảng cánh tả của cựu Tổng thống Morales tẩy chay, Thượng nghị sĩ Jeanine Anez đã tuyên bố trở thành Tổng thống lâm thời của Bolivia. Phát biểu với truyền thông, bà Anez cho biết sẽ chỉ đảm nhiệm vai trò Tổng thống trong thời gian chuyển tiếp cho đến khi một cuộc bầu cử mới được tiến hành.
Lực lượng cảnh sát Bolivia tham gia cuộc biểu tình phản đối Chính phủ của phái chính trị đối lập tại thủ đô La Paz ngày 9-11-2019. |
“Theo Hiến pháp Bolivia, với tình hình hiện nay, tôi sẽ ngay lập tức tiếp nhận vị trí Tổng thống lâm thời của đất nước. Tôi cam kết nhận trách nhiệm thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để ổn định đất nước”, bà Anez nói. Bà Anez trước đó cũng cam kết sẽ kêu gọi bầu cử sớm, với một tiến trình bầu cử phản ánh nguyện vọng của toàn thể người dân Bolivia. Chỉ vài phút sau tuyên bố của bà Anez, Tòa án tối cao Bolivia đã ra phán quyết ủng hộ quyết định của Tổng thống lâm thời.
Việc bà Anez tuyên bố trở thành Tổng thống tạm quyền lấp đầy khoảng trống chính trị sau quyết định từ chức của ông Morales nhưng giới quan sát nhận định bà Anez sẽ đối mặt với thách thức lớn trong việc ổn định tình hình tại một quốc gia đang bị phân cực sâu sắc hiện nay. Nhiều thành viên Đảng cánh tả của cựu Tổng thống Morales cho biết sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác để hủy quyết định của bà Anez. Ông Morales cũng gọi đây là một hành động bất hợp pháp, khi Thượng nghị sĩ thuộc phe đối lập đã tự tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời mà không có mặt đầy đủ của các thành viên Quốc hội.
Nhiều người dân ủng hộ cựu Tổng thống Morales hôm 12-11 cũng tiếp tục kéo ra đường biểu tình. Các hình ảnh cho thấy cảnh sát đã phải vất vả đối phó với người ủng hộ ông Morales ở thành phố Cochabamba và một số khu vực khác. Liên đoàn Lao động lớn nhất của Bolivia cũng cảnh báo đình công vô thời hạn, nếu các chính trị gia và các nhà lãnh đạo dân sự không thành công trong việc khôi phục trật tự. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đề nghị các thành viên trong gia đình của các nhân viên làm việc cho chính phủ rời Bolivia, đồng thời đưa ra cảnh báo đi lại tới quốc gia này.
Những diễn biến tại Bolivia cũng đang khiến các nước trong khu vực không thể thống nhất một cách tiếp cận chung đối với cuộc khủng hoảng tại quốc gia này. Mỹ, Canada nằm trong số các nước ủng hộ việc từ chức của ông Morales, trong khi Mexico, Uruguay và Nicaragua thuộc phía các nước cho rằng những diễn biến vừa qua tại Bolivia là một cuộc đảo chính. |
Dư luận quốc tế tiếp tục chỉ trích các thế lực bên ngoài can dự tình hình Bolivia sau khi Tổng thống Evo Morales tuyên bố từ chức.
Bộ Ngoại giao Cuba đã chỉ trích mạnh mẽ hành vi ép buộc Tổng thống Bolivia từ chức, cho rằng đây là một cuộc đảo chính. Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez khẳng định, ông Morales là một nhân vật có tính biểu tượng cho quyền của người dân bản địa châu Mỹ. Đây cũng là nhận định của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega. Hai nhà lãnh đạo này cho rằng, việc ép buộc Tổng thống Bolivia từ chức, là hành động "phát xít" phớt lờ hiến pháp, luật pháp và các cơ quan đang điều hành quốc gia này.
Từ Pháp, lãnh đạo và các tổ chức cánh tả ở nước này đã lên án sự dính líu của các thế lực bên ngoài (ám chỉ Mỹ) trong cuộc đảo chính ở Bolivia. Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel cho rằng phe cánh hữu ở Bolivia đã "thêu dệt" về sai sót trong cuộc bầu cử tổng thống như một cái cớ để kích động bạo lực. Ông nhấn mạnh đây là một kịch bản được dựng lên với "sự hỗ trợ hậu cần của các cơ quan (tình báo) Mỹ".
Ông Evo Morales (áo xanh) tới Mexico tị nạn chính trị. Ảnh: Getty Images |
Trong khi đó, nhóm Francia-América Latina Insumisas tuyên bố cuộc đảo chính ở Bolivia là một phần trong phản ứng của Washington và Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) - tổ chức bị coi là "sân sau" của Mỹ tại Mỹ Latinh, chống lại tiến trình dân chủ và xã hội đang lan rộng tại khu vực này. Chung quan điểm trên, tổ chức ALBA-TCP France cũng lên án "sự can thiệp của nước ngoài và đế quốc vào Bolivia" và yêu cầu chấm dứt hành động này.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã hối thúc bắt đầu một tiến trình chuyển tiếp dân sự để lấp khoảng trống chính trị tại Bolivia. Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục kêu gọi các bên ở Bolivia kiềm chế, đồng thời khẳng định khối này sẵn sàng cử các quan sát viên đến theo dõi bất kỳ cuộc bầu cử mới nào nếu được yêu cầu.
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini cho biết các ngoại trưởng EU đã quyết định cử một nhóm giám sát và nhất trí rằng nếu điều kiện phù hợp sẽ sẵn sàng làm việc về vấn đề này. EU hy vọng các cuộc bầu cử đáng tin cậy có thể sớm được tổ chức và điều quan trọng nhất là cần tránh mọi hình thức bạo lực.
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc