Multimedia Đọc Báo in

Mỹ đảo ngược chính sách đối với các khu định cư của Israel: Nguy cơ phá vỡ triển vọng hòa bình ở Trung Đông

09:14, 22/11/2019
Ngày 18-11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ ủng hộ quyền của Israel trong việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng.
 
Tuyên bố này đánh dấu sự đảo ngược chính sách của Mỹ trong vòng 40 năm qua đối với các khu định cư của Israel khi bác bỏ quan điểm pháp lý của Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 1978 cho rằng các khu định cư "không phù hợp với luật pháp quốc tế".

 Đối với ông Benjamin Netanyahu - nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất của Israel, thông báo của nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ chính là lý do để ăn mừng. “Chính sách này phản ánh một sự thật lịch sử - rằng người Do Thái không phải là kẻ thực dân chiếm đóng Judea và Samaria (tên gọi trong Kinh Thánh cho Bờ Tây). Chúng tôi được gọi là người Do Thái bởi vì chúng tôi là người dân của vùng đất Judea”, ông Netanyahu khẳng định. Ông đã kết thúc bài phát biểu bằng việc bày tỏ “sự cảm ơn sâu sắc” đối với Tổng thống Trump và toàn bộ chính quyền Mỹ. Các đồng minh của Thủ tướng Netanyahu cũng vui mừng không kém. Chủ tịch Quốc hội Israel, thuộc đảng Likud của ông Netanyahu cho biết, bước tiếp theo sẽ là sáp nhập Bờ Tây.

Được người Israel ca ngợi là một chiến thắng, song lại bị người Palestine chỉ trích là phá vỡ luật pháp quốc tế, sự thay đổi chính sách của Mỹ liên quan tới quy chế các khu định cư ở Bờ Tây chiếm đóng đã một lần nữa làm sâu sắc hơn cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ qua tại Trung Đông, làm gia tăng căng thẳng giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump và người Palestine, cũng như khoét sâu sự chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống ở châu Âu.

Khu định cư Givat Zeev của Israel ở gần thành phố Ramallah, Bờ Tây ngày 25-9-2019.    Ảnh: AFP/TTXVN
Khu định cư Givat Zeev của Israel ở gần thành phố Ramallah, Bờ Tây ngày 25-9-2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Lâu nay, các quan chức Palestine đã bác bỏ vai trò trung gian hòa bình trung lập của Mỹ trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào do các động thái chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Chính quyền Tổng thống Trump đã công nhận Jerusalem - thánh địa gây tranh cãi giữa Israel và Palestine - là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem - một thành phố tranh chấp mà người Palestine gọi phần phía Đông là thủ đô của nước Palestine tương lai. Ngoài ra, ông Trump cũng đưa ra một loạt các quyết định chưa từng có, như: đóng cửa văn phòng Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ở Washington, chấm dứt hỗ trợ tài chính cho người Palestine và Cơ quan làm việc và cứu trợ Liên hiệp quốc cho người tị nạn Palestine (UNRWA).

Với việc coi các khu định cư trái phép của Israel ở Bờ Tây chiếm đóng là không đi ngược lại với luật pháp quốc tế, Mỹ không chỉ thay đổi chính sách của chính mình, mà thậm chí còn đi ngược lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (LHQ). Một trong số đó là nghị quyết 2334 coi các khu định cư là một sự vi phạm luật nhân đạo quốc tế, phá vỡ triển vọng về giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine.

Dư luận quốc tế đã lên tiếng chỉ trích quyết định này của Mỹ

Người phát ngôn Cơ quan nhân quyền LHQ Rupert Colville nhấn mạnh: "Về tình hình liên quan đến Israel và các khu định cư tại những vùng lãnh thổ mà nước này chiếm đóng, chúng tôi tiếp tục tuân theo lập trường lâu dài của LHQ rằng các khu định cư của Israel vi phạm luật pháp quốc tế. Quan điểm của một nước không thể làm thay đổi được luật pháp quốc tế hiện hành”.

Trong nhiều thập kỷ qua, Israel đã xây dựng hơn 120 khu định cư tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Cộng đồng quốc tế đã coi hành động này là bất hợp pháp cũng như tạo ra một trở ngại lớn trên con đường hướng tới hòa bình lâu dài tại khu vực này.

Còn tại Palestine, nhà đàm phán hàng đầu nước này Sael Erekat tuyên bố, nước này đã bắt đầu một chiến dịch tại LHQ nhằm thúc đẩy một dự thảo nghị quyết lên án Israel tại Hội đồng Bảo an. Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit đã chỉ trích quyết định của Mỹ là gây nguy hại cho mọi nỗ lực thúc đẩy hòa bình Israel và Palestine dựa trên việc chấm dứt các hành vi chiếm đóng.

Liên minh châu Âu (EU) khẳng định lập trường của khối này đối với hoạt động định cư của Israel tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, cho rằng hoạt động này là bất hợp pháp chiếu theo luật quốc tế. Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini nhấn mạnh chính sách định cư của Israel "làm xói mòn triển vọng giải pháp hai nhà nước cũng như triển vọng cho một nền hòa bình lâu dài".

Ngoại trưởng Jordan Ayman cảnh báo sự thay đổi lập trường của Mỹ về các khu định cư của Israel ở Bờ Tây sẽ gây ra “những hậu quả nghiêm trọng” đối với triển vọng hòa bình Trung Đông. Bộ Ngoại giao Đức cho biết Berlin cùng các nước đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ một giải pháp đàm phán cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, đồng thời coi các khu định cư của người Do Thái ở khu Bờ Tây là vi phạm luật pháp quốc tế.

Các ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Mỹ cũng đã chỉ trích mạnh mẽ tuyên bố của chính quyền Tổng thống Donald Trump, cho rằng hành động này sẽ gây tổn hại cho sự nghiệp ngoại giao của Mỹ, khiến hy vọng về một giải pháp "hai nhà nước" ngày càng trở nên xa vời và sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Chính sách định cư của Israel tại khu Bờ Tây trên thực tế được tất cả các chính phủ tại nước này tiến hành từ năm 1967, nhưng lại được phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây dưới sự thúc đẩy của Thủ tướng Benjamin Netanyahu và sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ước tính, hiện nay có khoảng 400.000 người Israel sống tại khu Bờ Tây, vùng lãnh thổ mà nước này chiếm đóng trái phép của Palestine và cũng là nơi sinh sống của 2,7 triệu người Palestine.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 

 

 


Ý kiến bạn đọc