Covid-19 "lũng đoạn" thế giới
Tác động kinh tế rõ ràng nhất phải kể đến tâm dịch Trung Quốc - nơi đã áp dụng một chế độ kiểm dịch nghiêm ngặt chưa từng được thực hiện trong nhiều thập kỷ qua. Không chỉ Vũ Hán - một thành phố với hơn 10 triệu dân, mà phần lớn đất nước đã phải thực hiện chế độ kiểm dịch với mức độ nghiêm khắc khác nhau, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, dịch vụ và du lịch.
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một cuộc khủng hoảng tại Trung Quốc cũng gây hiệu ứng toàn cầu, khi khách du lịch Trung Quốc bị hạn chế, người tiêu dùng Trung Quốc hạn chế sức mua và các nhà máy Trung Quốc không cung cấp hàng cho thị trường toàn cầu.
Cảnh vắng vẻ tại Rome (Italy) ngày 10-3 trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế không dừng lại ở Trung Quốc. Có thể đánh giá về tác động toàn cầu từ những quốc gia mà vi rút lây lan đầu tiên sau khi vượt biên giới đó là Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông Joo Won, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hyundai tại Hàn Quốc nhận định: “Hàn Quốc phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu. Nếu tiếp tục xu hướng này tiến đến Mỹ, nền kinh tế Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng mạnh”.
Viện Nghiên cứu phát triển Hàn Quốc KDI mới đây nhận định, nền kinh tế Hàn Quốc đang xuống dốc không phanh vì Covid-19. Tỷ lệ xuất khẩu sang Trung Quốc giảm, nhu cầu tiêu dùng trong nước ít khiến nền kinh tế nước này đang chậm dần lại. Một số tổ chức nước ngoài thậm chí cảnh báo Hàn Quốc tăng trưởng âm trong quý I.
Khi vi rút lây lan sang châu Âu, tác động cũng tương tự. Italy đang trở thành ổ dịch lớn thứ hai sau Trung Quốc với quyết định phong tỏa toàn bộ 60 triệu dân. Italy là một trong những quốc gia châu Âu có ít khả năng đối phó với sự sụp đổ kinh tế nhất do gánh nặng nợ công. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đã cắt giảm lãi suất chính xuống mức âm, do đó khó có thể theo chân Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong việc giảm lãi suất để đối phó với khủng hoảng.
Theo một viễn cảnh tồi tệ nhất của Tạp chí kinh tế hàng đầu Bloomberg Economics, dịch bệnh có thể khiến nền kinh tế toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng, với suy thoái ở Mỹ, khu vực đồng Euro và Nhật Bản, GDP Trung Quốc thấp kỷ lục và tổn thất lên đến 2.700 tỷ USD. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) mới đây cũng cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu từ 2,9% xuống còn 2,4% và cảnh báo có thể giảm xuống 1,5% do dịch Covid-19.
Nhiều biện pháp quyết liệt phòng chống dịch bệnh
Hàng loạt các biện pháp mạnh tay đang được chính phủ các nước đưa ra với hy vọng có thể tận dụng “thời gian vàng” trước khi dịch vượt ngoài tầm kiểm soát trên mọi lĩnh vực.
Đêm 11-3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thông báo ngừng tất cả các hoạt động thương mại, trừ các hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm, nhằm ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2 lây lan. Thủ tướng Conte khẳng định để các biện pháp này có hiệu quả sẽ phải tiến hành trong nhiều tuần. Các biện pháp mới quy định bao gồm đóng cửa các cửa hàng, quán bar, nhà hàng; đóng cửa các hiệu cắt tóc và trung tâm làm đẹp, các dịch vụ căng tin không bảo đảm khoảng cách an toàn ít nhất 1 mét. Các dịch vụ công cộng thiết yếu vẫn được đảm bảo, bao gồm vận tải, ngân hàng, bưu điện, tài chính, bảo hiểm... Các hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến nông sản và các chuỗi cung ứng được đảm bảo. Lĩnh vực công nghiệp có thể tiếp tục hoạt động sản xuất với điều kiện áp dụng các giao thức đảm bảo an toàn tránh lây nhiễm, triển khai làm việc theo ca, nghỉ trước giờ, và đóng cửa các bộ phận không thiết yếu; thợ nước, thợ cơ khí, thợ thủ công, trạm xăng vẫn tiếp tục hoạt động và đây được coi là những dịch vụ thiết yếu.
Phụ nữ Iran đeo khẩu trang chống Covid-19. (Nguồn: Reuters) |
Cùng ngày, Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary Gergely Gulyas thông báo Chính phủ nước này đã ban hành sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp, trong đó áp dụng các biện pháp khẩn gồm cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đến từ 4 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 gồm Italy, Hàn Quốc, Iran và Trung Quốc; cấm tổ chức các sự kiện trong nhà có trên 100 người tham gia và các sự kiện ngoài trời có từ 500 người tham gia; đóng cửa các trường đại học. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng tuyên bố Chính phủ nước này đã quyết định đóng cửa tất cả các cơ sở giáo dục và văn hóa trong hai tuần. Theo đó, từ ngày 12 đến 25-3, tất cả các trường học, nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng tại nước này sẽ đóng cửa.
Trong khi đó, Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini tuyên bố Chính phủ nước này quyết định công bố tình trạng khẩn cấp có hiệu lực từ ngày 12-3. Thủ tướng Pellegrini nhấn mạnh nhà nước có thể thực hiện việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ trên toàn quốc. Theo đó, Chính phủ nước này có quyền yêu cầu các công ty bán lại các trang thiết bị y tế cho nhà nước và cấm xuất khẩu ra nước ngoài. Tương tự, Chính phủ Đan Mạch thông báo sẽ đóng cửa tất cả các trường học và nhiều cơ sở công nhằm hạn chế dịch Covid-19 lây lan. Ngoài ra, tất cả nhân viên làm việc tại các cơ quan công quyền, trừ những người nắm những vị trí quan trọng, cũng sẽ ở nhà 14 ngày. Quy định này không áp dụng với các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, bộ phận y tế, cảnh sát, cứu hộ và cứu thương. Các thư viện và cơ sở văn hóa và vui chơi cũng sẽ đóng cửa hai tuần. Thủ tướng Đan Mạch Frederiksen cũng kêu gọi mọi người dân hạn chế tiếp xúc, các thành viên chính phủ cũng sẽ hủy các cuộc hẹn làm việc không cấp thiết để tránh nguy cơ lây nhiễm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã thông báo vào tối 11-3 rằng tất cả việc đi lại từ châu Âu tới Mỹ sẽ tạm dừng trong 30 ngày tới, ngoại trừ Vương quốc Anh. Nhiều thành phố lớn của Mỹ cấm tổ chức cũng như hủy bỏ các sự kiện hay các cuộc họp đông người. Các doanh nghiệp lớn cho phép nhân viên được làm việc tại nhà và một số trường học đã đóng cửa hoặc ngừng các lớp học trực tiếp, thay vào đó là các lớp học trực tuyến.
Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)
Ngày 11-3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quyết định công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Động thái được đưa ra sau khi đã có 4.200 người trên toàn cầu thiệt mạng vì căn bệnh này.
Ý kiến bạn đọc