Multimedia Đọc Báo in

Thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban: Mong manh và dễ vỡ

11:31, 06/03/2020

Ngày 29-2, tại Doha (Qatar), đặc phái viên Mỹ cùng đại diện Taliban chính thức ký “Thỏa thuận đem lại hòa bình cho Afghanistan” dưới sự chứng kiến của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Thỏa thuận này được kỳ vọng là khởi đầu cho việc chấm dứt chiến cuộc sa lầy của Mỹ kéo dài hơn 18 năm qua ở Afghanistan, làm chết hơn 2.400 binh lính Mỹ, hơn 3.500 người của liên quân quốc tế, tốn gần 1.000 tỷ USD. Cuộc chiến cũng làm hơn 40.000 dân thường Afghanistan thiệt mạng, 42.000 phần tử thuộc các lực lượng đối lập tử vong, tàn phá khủng khiếp đất nước Afghanistan.

Theo thỏa thuận này, Mỹ sẽ bước đầu giảm quy mô hiện diện quân sự tại Afghanistan xuống còn 8.600 binh sĩ trong vòng 135 ngày kể từ khi ký kết thỏa thuận, trong trường hợp các điều kiện được đáp ứng. Sau đợt rút quân đầu tiên này, Washington sẽ tiến tới rút toàn bộ binh sĩ và tiến trình này có thể kéo dài trong vòng 1 năm nếu mọi việc diễn ra thuận lợi.

Mỹ và Taliban cũng nhất trí thực hiện trao đổi tù nhân, theo đó khoảng 5.000 tù nhân Taliban và 1.000 tù nhân thuộc lực lượng an ninh Afghanistan sẽ được trao đổi trước ngày 10-3, trước khi diễn ra các cuộc đàm phán trong nội bộ quốc gia Tây Nam Á này.

Toàn cảnh vòng đàm phán giữa phái đoàn Mỹ và phái đoàn Taliban tại Doha, Qatar, ngày 26-2.   Ảnh: AFP/TTXVN
Toàn cảnh vòng đàm phán giữa phái đoàn Mỹ và phái đoàn Taliban tại Doha, Qatar, ngày 26-2. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ cũng cam kết dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Taliban và kêu gọi Liên hiệp quốc có hành động tương tự. Đổi lại, Taliban cam kết đảm bảo Afghanistan sẽ không trở thành một căn cứ cho các cuộc tấn công khủng bố chống lại các lợi ích của phương Tây.

Có thể nói, việc chọn thời điểm và nội dung ký kết thỏa thuận là suy tính rất kỹ của cả hai bên. Từ đây cơ hội hòa bình đã mở ra song thách thức về mặt chính trị, an ninh cho cả Mỹ, Taliban và Afghanistan cũng không hề nhỏ.

Thời hạn 14 tháng (đến tháng 5-2021) cho tất cả lực lượng của Mỹ và đồng minh rút khỏi Afghanistan cũng đặt ra nhiều vấn đề. Bởi năm nay là năm bầu cử Tổng thống Mỹ. Dễ dàng nhận thấy rằng, việc ký thỏa thuận này là một chiêu bài chính trị của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử sắp đến. Có thể từ nay đến hết nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump thì thỏa thuận được triển khai, nhưng nếu ông Trump không tái cử mà thay bằng một vị Tổng thống khác của đảng Dân chủ thì liệu thỏa thuận này có tiếp tục hay không? Hoặc nếu trong quá trình thực hiện xảy ra những bất ổn từ trong nội bộ Taliban hay giữa Taliban và Afghanistan thì ông Trump có thay đổi thỏa thuận hay không, bởi ông Trump là người nổi tiếng hay thay đổi. Thế nên, ranh giới giữa thành công và đổ vỡ trong việc thực hiện thỏa thuận này là rất mong manh.

Cũng cần lưu ý rằng, Taliban từ trước đến nay được xem là một phiến quân, là lực lượng khủng bố nên việc Mỹ ký thỏa thuận với Taliban mà không thông qua chính quyền Afghanistan có ngầm định việc thừa nhận lực lượng này không. Sắp đến trong quá trình thực hiện thỏa thuận này, nếu Taliban yêu cầu được tham gia với tư cách là một lực lượng chính trị ở Afghanistan thì chính quyền hiện tại ở Afghanistan và cả Mỹ sẽ rất khó xử. Bởi Taliban hiểu rằng, nếu không chính danh về mặt chính trị trong nước thì không có chỗ đứng khi thực hiện thỏa thuận này và cả khi thỏa thuận đã được thực thi, 14 tháng sau vị thế của Taliban sẽ như thế nào trong nền chính trị Afghanistan? Xét trong việc thực thi thỏa thuận với Mỹ thì đây là đòi hỏi chính đáng của Taliban, nhưng là một yêu cầu rất khó đối với chính quyền Afghanistan hiện tại. Thế nên, thế giằng co ba bên Mỹ - Taliban – Afghanistan còn phức tạp và đe dọa việc thực thi thỏa thuận và cả sau này.

Một điểm đáng lưu ý nữa là các lực lượng Taliban bao gồm nhiều phe phái, trong đó có những nhánh cực đoan. Việc ký thỏa thuận này bước đầu đã đạt được mục đích của các nhánh, nhưng quá trình thực hiện thỏa thuận này chưa chắc đã có được sự đồng thuận. Do đó, nếu một phe phái nào trong lực lượng Taliban có những hành động cực đoan hoặc đòi hỏi quá đáng, vượt khỏi thỏa thuận hoặc quá tầm kiểm soát của Mỹ và chính quyền Afghanistan thì sẽ là rủi ro rất lớn cho cả ba bên.

Ngoài ra, phản ứng của cộng đồng quốc tế và trong nội bộ nước Mỹ cũng như Afghanistan về thỏa thuận này không phải là cùng một chiều. Vẫn còn vô vàn câu hỏi đặt ra về tính chính danh của lực lượng Taliban và hệ lụy khi Mỹ gần như thừa nhận lực lượng này, về vai trò của Afghanistan khi bị cho “ra rìa” trong quá trình đàm phán và ký kết thỏa thuận này, về thiện chí, tính minh bạch và có thể kiểm chứng được của các bên trong thực thi thỏa thuận…

Qua 5 nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ và chặng đường trắc trở 18 năm xung đột ở Afghanistan thì việc đi đến ký kết thỏa thuận này là một bước ngoặt lịch sử. Chặng đường phía trước vẫn còn chông gai và mong manh, dễ vỡ, nhưng hy vọng hòa bình đã được lóe lên, hứa hẹn mang đến một tương lai sáng sủa hơn cho đất nước và người dân Afghanistan vốn đã chịu quá nhiều đau thương và mất mát từ cuộc chiến vô nghĩa này.

TS. Ngô Khắc Sơn

(Khoa Chính trị học và Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị khu vực III)


Ý kiến bạn đọc