UAE và Bahrain ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel
Tổng thống Trump ca ngợi đây là bước tiến lớn hướng tới một tương lai mà ở đó mọi người dân thuộc mọi tín ngưỡng và nguồn gốc sẽ cùng chung sống hòa bình và thịnh vượng khi khẳng định: “Chúng ta ở đây để thay đổi tiến trình lịch sử. Sau nhiều thập kỷ chia rẽ và xung đột, chúng ta đánh dấu một bình minh của một Trung Đông mới”.
Các thỏa thuận mang tên Hiệp định Abraham là thỏa thuận đầu tiên kể từ khi Israel và Jordan ký hiệp ước hòa bình vào năm 1994. Theo đó, Israel đã nhất trí đình chỉ áp đặt chủ quyền đối với các khu vực thuộc Bờ Tây mà nước này đang thảo luận về việc sáp nhập.
Trước đó, vào ngày 13-8, Tổng thống Trump thông báo UAE và Israel đã nhất trí hướng tới bình thường hóa quan hệ trong một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian. Thỏa thuận hòa bình là kết quả của các cuộc thảo luận kéo dài, mới được đẩy nhanh tiến độ giữa Israel, UAE và Mỹ. Theo thỏa thuận, Israel sẽ đình chỉ kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ thuộc Bờ Tây.
Sau UAE, Bahrain đã trở thành quốc gia Arab thứ hai trong vòng một tháng qua thực hiện bình thường hóa quan hệ với Israel. Giống như thỏa thuận với UAE, cam kết Bahrain - Israel sẽ bình thường hóa các mối quan hệ ngoại giao, thương mại, an ninh và các mối quan hệ khác giữa hai nước.
Quang cảnh lễ ký kết các thỏa thuận. Ảnh: Reuters |
Với những thỏa thuận trên, UAE và Bahrain là các nước Arab tiếp theo thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, sau Ai Cập ký thỏa thuận năm 1979 và Jordan ký năm 1994. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết với trung gian hòa giải của Washington, Israel đang tiến gần hơn tới các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ tương tự với một số quốc gia Arab khác nữa.
Sau lễ ký kết thỏa thuận, Quốc vương Bahrain Hamad bin Isa Al Khalifa khẳng định hòa bình là lựa chọn chiến lược đối với quốc gia này và tầm nhìn cũng như cách tiếp cận của Bahrain dựa trên sự hiểu biết, đối thoại, hợp tác, thúc đẩy cùng chung sống hòa bình giữa các dân tộc, các nền văn hóa khác nhau tránh căng thẳng. Quốc vương Hamad tin rằng các thỏa thuận sẽ mang lại hòa bình cho khu vực Trung Đông vì một tương lai thịnh vượng và ổn định hơn.
UAE nhận thấy rằng thỏa thuận với Israel là cơ hội để giải quyết các vấn đề cấp bách trong khu vực và cần đối thoại để giảm căng thẳng, thúc đẩy sự khoan dung tôn giáo, tạo ra hợp tác kinh tế từ vùng Vịnh đến Biển Đỏ. UAE cho biết 5 năm tới sẽ chứng kiến giữa UAE và Israel thực hiện các sứ mệnh nghiên cứu và các dự án nhỏ khác mang thông điệp hòa bình cho thế giới.
Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman tiết lộ rằng một số quốc gia Arab khác cũng sẽ tham gia các hiệp định hòa bình tương tự như UAE và dự định đạt được điều này trong vòng 1-2 tháng hoặc 6 tháng tới. Ông Friedman cho rằng các thỏa thuận đạt được đã thay đổi hướng đi của Trung Đông và khu vực, đồng thời tin rằng người dân Palestine sẽ thấy rằng đây là hướng đi thích hợp khi mà Israel đã sẵn sàng thực hiện hòa bình.
Thỏa thuận nhận được sự ủng hộ của một số nước như Pháp, Đức, Oman, nhưng vấp phải sự phản đối mạnh của Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Người phát ngôn của Tổng thống Palestine, ông Nabil Abu Rudeineh, ngày 15-9 cho biết Palestine phủ nhận tính hợp pháp đối với bất kỳ thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Arab. Ông Abu Rudeineh nói: "Bất kỳ thỏa thuận bình thường hóa quan hệ nào (với Israel) mà không góp phần giải quyết sự nghiệp của nhân dân Palestine và chấm dứt sự chiếm đóng đều bị bác bỏ và sẽ thất bại". Tổng thống Palestine cũng khẳng định chỉ khi Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng thì mới có hòa bình tại Trung Đông. Thư ký Ủy ban điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine Saeb Erekat cho rằng, Mỹ đang hướng tới việc tạo ra một "NATO Arab-Israel" thông qua các thỏa thuận bình thường hóa giữa các nước Arab và Israel. Ông Erekat lưu ý rằng điều này là rất nguy hiểm bởi vì hệ thống an ninh Arab sẽ dựa vào Israel.
(Từ trái sang): Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif al-Zayani, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al-Nahyan tại lễ ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ở Nhà Trắng, Washington DC., Mỹ. Ảnh: TTXVN |
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 16-9 cảnh báo UAE và Bahrain sẽ phải gánh chịu "hậu quả" có thể xảy đến, sau khi hai nước này ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel - quốc gia đối địch với thế giới Arab. Phát biểu trong cuộc họp nội các được truyền trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh: "Tại một số quốc gia trong khu vực, người dân là những người Hồi giáo ngoan đạo, nhưng các lãnh đạo của họ lại không hiểu hết về tôn giáo cũng như mối nợ đối với Nhà nước Palestine, với những người anh em nói ngôn ngữ của họ. Làm thế nào bạn có thể đưa tay ra với Israel? Và sau đó bạn cung cấp cho họ cơ sở để tạo lập căn cứ trong khu vực? Điều này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng". Iran trước đó cũng đã cáo buộc UAE phản bội thế giới Hồi giáo khi đạt thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel.
Trong phản ứng ương tự, Saudi Arabia tuyên bố đứng về phía người dân Palestine và ủng hộ mọi nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp công bằng và toàn diện cho vấn đề Palestine. Saudi Arabia rất quan tâm và lo lắng đối với sự thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn của các vùng đất Arab, không chấp nhận bất kỳ định kiến nào đe dọa sự ổn định của khu vực.
Theo nhận định của giới chuyên gia, sự kiện này báo trước một sự thay đổi mạnh mẽ trong động lực quyền lực ở Trung Đông và là bước tạo đà cũng như là cơ hội để làm nổi bật uy tín của Tổng thống Trump với tư cách là người kiến tạo hòa bình trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 50 ngày nữa là diễn ra cuộc bầu cử tại Mỹ.
Dù còn nhiều ý kiến trái chiều, song việc xây dựng mối quan hệ bang giao là bước đi quan trọng của Israel, UAE và Bahrain. Hành động trên cũng cho thấy sự dịch chuyển trong quan hệ địa chính trị ở Trung Đông. Bên cạnh đó, việc đưa các nước Arab xích lại gần với đồng minh Israel cũng chứng minh Mỹ đang nỗ lực lấy lại vai trò tại khu vực quan trọng này sau một thời gian xoay trục sang châu Á. |
Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV, HNM)
Ý kiến bạn đọc