Multimedia Đọc Báo in

Công bố giải Nobel Hóa học 2010

10:15, 07/10/2010
Ngày 6-10, nhà khoa học người Mỹ, Richard Heck cùng hai nhà khoa học người Nhật Bản, Eiichi Negishi và Akira Suzuki đã trở thành các đồng chủ nhân giải Nobel Hóa học 2010, vì có công tìm ra cách thức liên kết các phân tử cacbon.
Chân dung 3 nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học 2010. Ảnh: AP.
Chân dung 3 nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học 2010. (Ảnh: AP)
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết, bằng cách sử dụng chất xúc tác palladium, ba nhà khoa học trên đã liên kết chéo được các phân tử cacbon theo cặp (palladium-catalysed cross-coupling) trong tổng hợp hữu cơ, tạo ra các hợp chất ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.
 
Phản ứng tiếp hợp chéo dùng chất xúc tác palladi là một phương pháp hoá học đã cung cấp cho các nhà hoá học khả năng điều chế những hoá chất phức tạp, thí dụ những phân tử trên cơ sở cacbon phức tạp không kém những phân tử do thiên nhiên tạo ra. Hoá hữu cơ là cơ sở của sự sống,  chuyên nghiên cứu những hiện tượng tự nhiên kỳ thú: màu sắc của hoa cỏ, nọc độc của rắn, những hợp chất giết chết vi trùng vi khuẩn như penixilin. Nó cho phép xây dựng nên ngành Hoá học của tự nhiên, sử dụng khả năng của cacbon để tạo ra bộ khung bền vững của các phân tử chức năng. Nhờ đó, loài người có dược những dược phẩm mới và các loại vật liệu mang tích cách mạng như chất dẻo.
Quang cảnh buổi trao giải Nobel Hóa học 2010
Quang cảnh buổi trao giải Nobel Hóa học 2010. (Ảnh: AP)
Để tạo ra những hợp chất phức tạp này, các nhà hoá học cần phải kết hợp các nguyên tử cacbon lại. Tuy nhiên, cacbon có đặc tính trơ và các nguyên tử của nó không sẵn sàng phản ứng với nhau. Do vậy, phương pháp đầu tiên mà các nhà hoá học dùng để kết hợp các nguyên tử cacbon thành một phân tử phải dựa vào các cách làm cho chúng trở nên hoạt động hơn. Do các phương pháp ấy chỉ áp dụng được khi điều chế các phân tử đơn giản, còn khi tổng hợp những phân tử phức tạp, sẽ rơi vào tình trạng có quá nhiều sản phẩm phụ không mong muốn trong ống nghiệm. 
 
Phương pháp tiếp hợp chéo dùng palladi làm xúc tác đã giải quyết được khó khăn này và cung cấp cho các nhà hoá học một công cụ chính xác hơn và có hiệu quả hơn để thực hiện được những quá trình phức tạp đó. Trong những phản ứng mà các nhà hoá học Heck, Negishi và Suzuki đưa ra, những nguyên tử cacbon sẽ gặp một nguyên tử palladi, sự tiếp xúc giữa chúng sẽ khơi mào cho các phản ứng hoá học tiếp theo. Phản ứng tiếp hợp chéo xúc tác bằng palladi được toàn thế giới dùng trong nghiên cứu cũng như trong sản xuất công nghiệp tổng hợp các dược phẩm và những phân tử ứng dụng trong công nghiệp điện tử.
 
Đây là công trình quan trọng có thể tạo ra các hợp chất được ứng dụng trong nghiên cứu điều trị bệnh ung thư, bào chế dược phẩm, ngăn chặn sức tàn phá của virus ung thư đối với nội tạng, bảo vệ mùa màng, công nghiệp điện tử và nông nghiệp.
 
Trị giá giải Nobel là 10 triệu crown Thụy Điển (gần 1,5 triệu USD). Đây là giải Nobel thứ ba được công bố trong năm nay, sau các giải Y học và Vật lý.
G.T (tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc