Multimedia Đọc Báo in

"Hội chứng gật gù": Căn bệnh truyền nhiễm đầy bí ẩn

14:36, 26/07/2017
Nodding Syndrome hay Nodding disease là thuật ngữ nói về Hội chứng gật gù (NS), bệnh truyền nhiễm lạ và nguy hiểm xuất hiện lần đầu vào những năm 1960 và gần đây tái xuất hiện tại Đông Phi, cướp đi hàng nghìn sinh mạng trẻ em tuổi từ 5-15.

NS còn được gọi là Hội chứng thây ma sống tác động đến hệ thần kinh con người và gây tàn tật toàn thân. Những đứa trẻ mắc bệnh trông giống như những thây ma sống vô tri vô giác, lang thang bất định không hề sợ nguy hiểm như lửa, nước, thú dữ hay tai nạn giao thông.

Theo Trung tâm Phòng ngừa & Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC), NS có triệu chứng rất đặc biệt như làm cho trẻ còi cọc không phát triển được về cả thể chất lẫn trí tuệ. Sở dĩ căn bệnh mang tên lạ này là do trẻ mắc bệnh có đặc trưng ngồi gục đầu, thân hình co quắp, mắt nhắm nghiền như đang hôn mê, bỏ đi thang lang bất chấp nguy hiểm. Qua thủ thuật quét lớp vi tính (MRI) cho thấy não của những đứa trẻ mắc bệnh bị teo, vùng hải mã (hippocampus) và các tế bào thần kinh đệm bị tổn thương nghiêm trọng.

Một đứa trẻ mắc bệnh NS ở Uganda.
Một đứa trẻ mắc bệnh NS ở Uganda.

Đầu năm 2012, căn bệnh bắt đầu tái phát trở lại ở miền Nam Sudan và vùng Kampala, Uganda. Những bệnh nhân nhỏ tuổi trông như người vô hồn, không nói một lời, sức khỏe suy sụp. Trước đó, năm 2009, chính quyền Uganda đã yêu cầu Mỹ giúp đỡ và các chuyên gia CDC vào cuộc lấy mẫu bệnh và nghiên cứu nhưng đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân cụ thể. Người ta mới chỉ tình nghi đến những bất thường trong chức năng não bộ và cả những lý do ăn uống cực khổ, vệ sinh thiếu thốn làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Theo ông Scott Powell, chuyên gia bệnh viêm nhiễm của CDC, bệnh NS có triệu chứng giống như bệnh động kinh, có thể là do thiếu hụt các mô não, sóng não bất thường và cũng không loại trừ các yếu tố gây bệnh khác bởi qua xét nghiệm máu, nước tiểu phát hiện thấy hàng trăm môi chất gây bệnh khác nhau như vi rút, viêm gan E, sởi, nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu hụt vitamin B12.

Tháng 8-2012, Tổ chức Y tế thế giới (WTO) và CDC đã phối hợp nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Các chuyên gia tìm thấy một loại ký sinh trùng có tên là Onchocerca volvulus (O.volvulus) gây bệnh mù sông. Đây là loại ký sinh trùng lây lan từ loài ruồi đen chuyên hút máu sống ở sông ngòi vùng cận Sahara, ấu trùng của loài ruồi này có thể gây tổn thương máu và nếu không được điều trị kịp thời có thể gây bệnh mù vĩnh viễn.

Qua các cuộc khám nghiệm tử thi cho thấy ấu trùng O.volvulus còn gây tình trạng tổn thương não nghiêm trọng ở những người mắc hội chứng NS. Những đứa trẻ bị nhiễm ký sinh trùng nói trên còn có hệ miễn dịch phản ứng thái quá nên tác động mạnh đến não và hệ thần kinh, tạo ra những hành vi vượt qua sự kiểm soát. Ở những vùng vệ sinh kém, nơi có nhiều loại ký sinh trùng nói trên thì tỷ lệ mắc bệnh rất cao, chẳng hạn như vùng Đông Phi.

Phát hiện trên cho thấy, điều quan trọng là phải điều trị cho trẻ càng sớm càng tốt ngay sau khi chúng bị nhiễm ký sinh trùng nhằm ngăn cản phản ứng miễn dịch tấn công não, hạn chế ký sinh trùng lây lan từ người sang người qua vật trung gian là ruồi đen. Do hội chứng NS là do phản ứng miễn dịch tạo ra nên có thể hạn chế tổn thương não bằng cách sử dụng thuốc giống như các bệnh nhiễm trùng khác gây ra chứng động kinh thường gặp.

Duy Hùng

(Dịch từ DC/NO/CDC- 5/2017)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.