Multimedia Đọc Báo in

Những phát minh khoa học mới

08:21, 04/08/2018

Rotor nhỏ nhất, quay nhanh nhất thế giới

Đại học Purdue, Mỹ (UoP) vừa phát triển thành công một roto bé tẹo được gọi là rotor vi mô có tốc độ quay không thể tưởng tượng, 60 tỷ vòng/phút. Đây là rotor nhân tạo có tốc độ quay nhanh nhất trong lịch sử nhân loại xưa và nay, nhanh hơn gấp 100 lần so với rotor đạt kỷ lục trước đó. Rotor này có thể được sử dụng cho công tác nghiên cứu cơ học lượng tử và cho các mục đích tương tự. Rotor nhỏ nhất này được tạo thành từ hai hạt nano silica gắn với nhau, tạo ra một "quả tạ" và bay lên trong chân không bằng laze. Laze có thể được phân cực theo đường thẳng hoặc hình tròn, chế độ vòng tròn của nó tạo ra phép quay siêu nhanh. Khi tia laze thẳng, quả tạ rung nhiều hơn quay, nghĩa là nó có thể được sử dụng để đo các lực rất yếu. Cả hai phương thức hoạt động sẽ hữu ích cho nghiên cứu trong tương lai, đặc biệt là nghiên cứu đo ma sát, trọng lực hoặc những gì xảy ra trong chân không.

Rotor nhỏ nhất, quay nhanh nhất thế giới rất hữu ích cho các nghiên cứu khoa học.
Rotor nhỏ nhất, quay nhanh nhất thế giới rất hữu ích cho các nghiên cứu khoa học.

Ra đời bộ kit thử nước tiểu tại nhà

Công ty Healthy.io ở Tel Aviv (Israel) vừa cho ra đời bộ kit thử nước tiểu tại gia, sản phẩm đã được Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt đưa vào sử dụng. Thực chất đây là một hệ thống lọc nước tiểu tại nhà, cho kết quả tương đương với thử nghiệm tại phòng thí nghiệm của bệnh viện. Bộ kit đi kèm với ứng dụng trên điện thoại cho phép phân tích thành phần nước tiểu, có nguyên lý hoạt động dựa trên dãy màu thay đổi khi tiếp xúc với các chỉ dấu sinh học, một tấm vật liệu xác định màu, cùng với một ứng dụng phân tích trên điện thoại. Cơ chế làm việc của bộ kit này có thể tóm tắt như sau:  camera của điện thoại sẽ chụp lại hình ảnh que thử để phân tích. Tấm vật liệu nhựa cho phép điện thoại xác định mức độ thay đổi màu, ứng dụng đảm nhận phân tích màu nước tiểu và gửi thông số tới cho một ứng dụng trên smartphone.

Đèn chữa bệnh u xơ mãn tính

Đèn chữa bệnh u xơ mãn tính được phát triển bởi một nhóm chuyên gia ở Đại học Manchester và Quỹ Salford Royal NHS Trust (Anh). Thực chất đây là một cụm thiết bị gồm 32 bóng đèn kết hợp tạo ra ba dạng ánh sáng là hồng ngoại, đỏ và cực tím. Trong các thử nghiệm về tính hiệu quả của thiết bị, nhóm nghiên cứu đã điều trị cho các tình nguyện viên bị xơ cứng toàn thân, làm cho hệ miễn dịch tấn công các ngón tay và ngón chân. Kết quả rất khả thi, chỉ 15 phút trị liệu ánh sáng, tần suất 2 lần/tuần trong 3 tuần liên tục cho thấy hiện tượng u xơ (lở loét) giảm trung bình khoảng 83%. Theo Dr. Michael Hughes, trưởng nhóm nghiên cứu thì tác dụng chính của hệ thống thiết bị này chính là ánh sáng cực tím có thể giết chết vi khuẩn và giảm viêm, còn ánh sáng đỏ có tác dụng giúp máu lưu thông tốt hơn, đồng thời kích thích sản xuất collagen; ánh sáng hồng ngoại làm tăng lưu lượng máu và oxy nên giúp cho các vết thương lở loét nhanh chóng bình phục. Loại đèn này cũng có tác dụng chữa trị chứng lở loét chân ở người bị tiểu đường hoặc cho nhiều ứng dụng tương tự khác.

Màn hình OLED dẻo uốn cong không gãy

Theo trang tin Theverge, công ty Samsung của Hàn Quốc vừa cho ra đời một sản phẩm mới độc đáo, màn hình OLED mềm dẻo uốn cong không gãy và chịu lực tốt. Công nghệ đã qua thử nghiệm và thành công ngoài mong đợi của con người. Theo Samsung, vật liệu dùng để chế tạo màn hình này được tổng hợp từ các loại chất nền và lớp phủ đặc biệt, cho phép toàn bộ màn hình trở nên linh hoạt, dẻo và chịu được cường độ cao nên nó còn được gọi là màn hình dẻo cường lực, rất phù hợp dùng cho việc sản xuất màn hình thiết bị di động, trong suốt, nhẹ và chịu lực tốt hơn so với thủy tinh. Qua thử nghiệm 26 lần rơi liên tục ở độ cao 1,2 m và để trong môi trường nhiệt độ 71 độ C cho thấy màn hình vẫn đảm bảo chất lượng. Công nghệ màn hình Flexible OLED siêu chịu lực của Samsung chính thức được cấp giấy chứng nhận và sẽ có mặt trên thị trường trong tương lai không xa.

 Khắc Nguyễn

(Dịch từ NC/MGC/NAC/TC -7/2018)

 


Ý kiến bạn đọc