Multimedia Đọc Báo in

Thông tin khoa học - công nghệ

09:02, 13/07/2019

Trang phục trợ giúp cho người mù và điếc

Dự án mang tên SUITCEYES của Đại học Boras (Thụy Điển) vừa sáng tạo bộ trang phục đặc biệt trợ giúp cho người điếc và mù, giúp họ có thể “nghe - nhìn” khi giao tiếp,  đi lại, hạn chế lệ thuộc vào những người xung quanh. Công nghệ tạo nên trang phục SUITCEYES kết hợp với một máy ảnh đeo trên người làm nhiệm vụ xác định khuôn mặt, chướng ngại vật cản đường hay những vật thể tương tự và các thông tin có liên quan khác giúp người điếc và khiếm thị thu nhận thông tin qua các tín hiệu xúc giác (chạm và chuyển động) do các bộ truyền động nhúng trong quần áo tạo ra, sau đó được giải mã để giúp họ nghe nhìn và vận động độc lập.

Robot vịt diệt cỏ thay hóa chất ở Nhật

Để hỗ trợ nông dân diệt cỏ dại và hạn chế dùng hóa chất độc hại, các chuyên gia ở công ty Nissan (Nhật) vừa phát minh robot diệt cỏ mới, có tên “vịt Aigamo” vì mô phỏng hoạt động tự nhiên của loài vịt. Aigamo có diện tích bề mặt 60 cm2, nặng 1,5 kg, tự di chuyển trên mặt nước, bên dưới có bộ phận khuấy bùn nhằm cản trở quá trình quang hợp của cỏ dại, quá trình bơi của vịt Aigamo dựa vào hệ thống định vị toàn cầu (GPS). Kỹ sư Tetsuma Nakamura cho biết robot này dùng tấm panel năng lượng mặt trời kết nối Wi-Fi, hiện đang được thử nghiệm tại tỉnh Yamagata, vùng đông bắc Nhật Bản,  bước đầu đạt các thông số thiết kế, giúp khắc phục tình trạng thiếu lao động và giảm thiểu dùng hóa chất trong nông nghiệp. Robot sẽ được cải tiến tiếp để giảm kích thước vì vẫn còn cồng kềnh, dễ gây tổn thương cho lúa non.

Áo khoác túi khí bảo vệ người đi xe máy

Để giúp người tham gia giao thông hạn chế tai nạn, hãng Dainese (Italia) vừa cho ra đời  một loại áo khoác túi khí thông minh, có thể mặc bên trong bất kỳ loại áo hay trang phục nào, có khả năng hấp thụ sốc khi va đập tương đương với 7 người đỡ phía sau. Khả năng bảo vệ của áo Dainese là nhờ công nghệ túi khí Dainese D-air tiên tiến từng được sử dụng trong MotoGP, loại áo vest đa năng dùng cho các tay đua. Áo này còn có thiết kế thông gió tốt, dễ gập lại, kết hợp tổng hòa khả năng của công nghệ Dainese D-air với thiết kế tinh tế và sự tiện lợi của quần áo thời trang. Đây là loại áo phù hợp cho những người tham gia giao thông và cho các mục đích tương tự, có thể chịu được mọi điều kiện thời tiết.

Máy tính lưu ảnh bằng phân tử

Máy tính hay ổ cứng phân tử vốn chỉ xuất hiện trong các tiểu thuyết viễn tưởng sắp tới sẽ trở thành hiện thực. Nhóm chuyên gia thuộc Đại học Brown (Mỹ) vừa tìm ra phương án sản xuất một loại máy tính lưu giữ ảnh bằng phân tử thay cho việc mã hóa và giải mã bằng vi mạch như hiện nay. Đó là các chất chuyển hóa cấp phân tử, đa dạng, có tiềm năng lưu thông tin ở mức độ lớn hơn. Phương pháp lưu trữ này có thể mã hóa và giải mã thông tin của ảnh với độ chính xác tới 99,5%, thỏa  mãn  nhu cầu ngày càng tăng về khả năng lưu trữ dữ liệu. Dự kiến đến năm 2040, thế giới sẽ sản xuất ra khoảng 3 septil-lion (tức là 3 và theo sau là 24 số 0) dữ liệu nên các loại chip silicon sẽ không còn khả năng nữa. Máy tính phân tử có thể mã hóa thành công hơn 100.000 bit ảnh kỹ thuật số thành những chất chuyển hóa tổng hợp.

Đảo ngược chứng liệt, phương pháp trị bệnh mới mang lại niềm vui cho bệnh nhân liệt.
Đảo ngược chứng liệt, phương pháp trị bệnh mới mang lại niềm vui cho bệnh nhân liệt.

Gel chống HIV đầu tiên sắp ra lò

Loại gel có tên UniPron do Viện nghiên cứu linh trưởng (IPR) Kenya phát triển hiện đang chuẩn bị đưa vào thử nghiệm lâm sàng ở người. Nếu thành công, Kenya có thể là quốc gia đầu tiên trên thế giới ứng dụng chất diệt HIV cho con người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chất diệt vi khuẩn là một chất được bôi bên trong âm đạo hoặc trực tràng để giảm lây truyền các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kể cả virus HIV. Riêng gel UniPron không chỉ có tác dụng diệt khuẩn, mà còn có tác dụng tránh thai hữu ích.

Máy chụp cộng hưởng từ MRI mini dùng chẩn đoán đầu gối

Nhóm nghiên cứu ở Cao đẳng Hoàng gia London (Anh) hiện đang phát triển máy quét MRI mini cho phép chẩn đoán chấn thương đầu gối nhanh và chính xác. Máy chụp mini này đã tận dụng hiện tượng có tên “góc ma thuật” (magic angle) khiến độ sáng của các mô như gân trong hình ảnh MRI biến thiên dựa trên góc giữa các sợi collagen và từ trường của máy. Vì kích thước mini nên rất phù hợp với chân của con người, dễ thay đổi hướng của từ trường nên cho ra đời những bức ảnh cực kỳ rõ nét về cấu trúc đầu gối. Ngoài hình ảnh chất lượng cao, nguyên mẫu máy mini-MRI cũng rẻ hơn nhiều so với các thiết bị hiện tại nên rất phù hợp chi phí đầu tư của các bệnh viện nhỏ và phòng khám địa phương.

Đảo ngược chứng liệt

Nhà thần kinh học người Pháp, Grégoire Courtine vừa phát minh ra một phương pháp điều trị bệnh liệt do chấn thương tủy sống. Đây là một công nghệ mang tính điểm nhấn, kích hoạt cơ bắp cụ thể bằng một lượng điện chừng vài vôn. Chìa khóa của nghiên cứu là con chip giải thích và giải mã tín hiệu từ vỏ mô tơ não và gửi thông tin đến các điện cực nằm trên bề mặt của tủy sống thắt lưng. Cách mô phỏng điện này sẽ điều chỉnh các mạng nơ-ron khác nhau để kích hoạt các cơ bắp cụ thể của cơ thể. Trong một nghiên cứu được thực hiện trên khỉ bị tê liệt cho thấy kết quả rất khả quan. Nó có thể đảo ngược tình trạng tê liệt, hy vọng sẽ tạo ra một liệu pháp mới để điều trị bệnh liệt của con người trong tương lai.

Khắc Duy (Dịch từ HBS/TC/GGC/SC/NC/MNC- 6&7/2019)

 


Ý kiến bạn đọc