Những hệ lụy từ thói quen dùng đồ uống có gas
Nước ngọt có gas hay nước giải khát có gas là đồ uống chứa carbon dioxide bão hòa, chất làm ngọt và hương liệu bổ sung. Tuy ngon miệng, dễ uống nhưng loại thức uống này gây nhiều bất lợi cho sức khỏe…
Tăng bệnh gan nhiễm mỡ
Đường sucrose và xi-rô ngô, high-fructose có chứa hai phân tử tương đương về số lượng là glucose và fructose. Glucose có thể được mọi tế bào trong cơ thể chuyển hóa, còn fructose chỉ có thể được chuyển hóa bởi gan. Đồ uống đường là thứ giúp người ta tiêu thụ quá nhiều fructose và hậu quả là gan sẽ bị quá tải và biến fructose thành chất béo. Một số chất béo được đưa ra ngoài bằng tryceride máu, nhưng phần chất béo còn lại sẽ đọng lại trong gan. Theo thời gian sẽ làm tăng bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Trung bình mỗi ngày uống hai lon soda có thể dẫn đến tổn thương gan.
Tăng nguy cơ ung thư
Ung thư có xu hướng song hành với các bệnh mãn tính khác như béo phì, tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim. Vì lý do này, không có gì ngạc nhiên khi thấy đồ uống có gas, nhiều đường cũng là thủ phạm làm tăng ung thư. Qua nghiên cứu ở 60.000 người trưởng thành, các nhà khoa học phát hiện thấy những người uống từ hai lon soda mỗi tuần thì nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy cao hơn 87% so với những người không uống soda. Riêng phụ nữ, nhất là nhóm mãn kinh uống nhiều soda còn làm tăng nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung và ung thư đại trực tràng.
Thừa cân, béo phì
Như trên đã đề cập, tiêu thụ nhiều đường gây hại cho sức khỏe như tăng cân, béo phì. Đặc biệt, fructose làm tăng đáng kể chất béo nguy hiểm xung quanh bụng và quanh các bộ phận nội tạng (được gọi là mỡ nội tạng hoặc mỡ bụng). Mỡ bụng quá mức phát sinh bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh tim. Theo một nghiên cứu dài 10 tuần, với 32 người khỏe mạnh dùng đồ uống có gas giàu fructose hoặc glucose. Kết quả, nhóm tiêu thụ glucose gia tăng mỡ dưới da không liên quan đến bệnh chuyển hóa, trong khi đó, những người tiêu thụ fructose lại tăng mỡ bụng và nội tạng. Đây là một dạng béo nguy hiểm liên quan đến chuyển hóa, điển hình là bệnh tiểu đường tuýp 2.
Uống nhiều nước ngọt có gas gây hại cho cơ thể. |
Dậy thì sớm và nguy cơ tử vong sớm ở phụ nữ
Theo nghiên cứu của Trường Y Harvard (HMS) ở 5.583 các bé gái từ 9 - 14 tuổi cho thấy những người chỉ uống 1,5 lon rưỡi nước giải khát có gas mỗi ngày thì thời gian có kinh lần đầu sớm hơn những người không uống. Việc có kinh nguyệt sớm ở phụ nữ liên quan đến việc gia tăng nhiều loại ung thư khác nhau. Ngoài phát hiện trên, HMS vừa công bố nghiên cứu mới trên tạp chí Circulation của Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho thấy, lạm dụng nước giải khát có gas còn làm cho phụ nữ chết sớm do mắc bệnh tim mạch cao hơn 31% so với những người ít khi hoặc không bao giờ dùng đồ uống này. Kết luận trên được dựa trên phân tích dữ liệu ở 80.647 phụ nữ và 37.716 nam giới từ năm 1980 - 2014. Trong số này có đồ uống Coke được lạm dụng nhiều nhất, có người uống tới bốn lon mỗi ngày. Tuy tỷ lệ tử vong ở phụ nữ cao hơn nam giới khi dùng đồ uống có gas nhưng HMS vẫn chưa tìm ra nguyên nhân của sự khác biệt này. Rất có thể là sự khác biệt sinh lý hoặc trao đổi chất giữa cơ thể nam và nữ khác nhau.
Kháng leptin
Leptin là một loại hormone được sản xuất bởi các tế bào mỡ cơ thể, nó có nhiệm vụ kiểm soát lượng calo và đốt cháy calo. Hàm lượng leptin thay đổi để đáp ứng với cả tình trạng đói lẫn béo phì, do đó nó thường được gọi là hormone giúp người ta cảm thấy đói và khi đã no. Kháng lại tác dụng của hormone này được chuyên môn gọi là kháng leptin, hiện được cho là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tích mỡ cơ thể. Qua nghiên cứu các nhà khoa học đã phát hiện thấy mối liên quan giữa đường fructose với tình trạng kháng leptin.
Bệnh tim mạch
Từ lâu, khoa học đã khám phá thấy đường có liên quan đến các yếu tố gia tăng bệnh tim, như tăng lượng đường huyết, mỡ máu như triglycerides và cholessterols... Nghiên cứu gần đây cũng cho thấy lạm dụng đường làm tăng bệnh tim ở tất cả các quần thể. Theo nghiên cứu dài 20 năm ở 40.000 nam giới, những người uống 1 ly nước ngọt mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tim, hoặc tử vong do đau tim cao hơn 20% so với những người hiếm khi dùng đồ uống này.
Bệnh gút
Gút là một tình trạng y tế đặc trưng bởi viêm và đau ở khớp, đặc biệt là các khuỷu khớp ở chân tay. Đường fructose là carbohydrate được biết là nguyên nhân làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể, phát sinh bệnh gút. Các nghiên cứu dài kỳ còn phát hiện thấy soda làm tăng 75% nguy cơ mắc bệnh gút ở phụ nữ và gần 50% ở nam giới.
Bệnh mất trí nhớ
Sa sút trí tuệ (Dementia) là một thuật ngữ chung nói về sự suy giảm chức năng não ở người lớn tuổi, phổ biến nhất là bệnh Alzheimer. Nghiên cứu cho thấy, bất kỳ sự gia tăng lượng đường trong máu đều có liên quan tới lão hóa sớm và chứng mất trí nhớ. Nói cách khác, đường huyết càng cao thì nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ càng lớn. Bởi vì đồ uống có đường dẫn đến tăng đột biến lượng đường huyết đồng nghĩa với việc trí nhớ liên tục bị suy giảm. Các nhà khoa học Mỹ đã cho những con chuột ăn một lượng đường tương đương 5 lon soda mỗi ngày thì trí nhớ của chúng suy sụp mạnh, mảng lắng đọng trong não tăng gấp đôi, khiến chúng dễ mắc chứng Alzheimer so với nhóm chuột đối chứng không ăn đường.
Khắc Duy
(Dịch từ Healthline/Fortune- 4/2014)
Ý kiến bạn đọc