Multimedia Đọc Báo in

Những lưu ý khi có trẻ trong xe ô tô

08:02, 18/08/2019
Không chỉ ở Việt Nam, thế giới cũng có nhiều trường hợp người lớn bỏ quên trẻ em trong xe ô tô gây nên hậu quả đau lòng. Mới đây, vào ngày 27-7, cặp sinh đôi gồm một bé trai và một bé gái 10 tháng tuổi tên là Phoenix và Mariza Rodriguez được phát hiện tử vong trong xe hơi tại New York (Mỹ).
 
Người cha tên là Juan Rodriguez sau khi làm việc cả ngày tại một bệnh viện cách nơi đỗ xe không xa mới nhớ đã bỏ quên con trên xe từ 8 giờ sáng đến tận 4 giờ chiều. Trước đó, một bé gái 10 tháng tuổi ở Virginia đã trở thành nạn nhân thứ 21 chết trong xe hơi ở Mỹ trong năm 2019.

Hiệp hội Đường bộ và Lái xe Quốc gia Australia (NRMA) cảnh báo, sốc nhiệt là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các trường hợp trẻ tử vong trên ô tô. Do không gian kín, lượng ôxy bên trong xe giảm dần, trong khi nhiệt độ lại tăng lên nên người ngủ trên xe dễ bị ngạt khí, thân nhiệt tăng cao, lịm dần rồi tử vong.

Với người lớn, nếu bị bỏ quên có thể tự giải thoát được còn trẻ em thì không thể vì thiếu các kỹ năng cần thiết. Các chuyên gia y tế đã khuyến cáo các bậc cha mẹ cần thận trọng khi cho trẻ nhỏ đi cùng, không nên để trẻ trong xe khi không có người lớn trong xe.

Theo các chuyên gia, nếu nhiệt độ ngoài trời là 20 độ thì nhiệt độ bên trong xe có thể tăng lên tới 60 độ, 75% sự gia tăng nhiệt độ xảy ra trong 5 phút đầu tiên. Vào những ngày nắng nóng, nếu ngoài trời là 30 độ C thì khi đóng kín cửa một lúc, nhiệt độ trong xe sẽ tăng lên 70 độ C, vô cùng nguy hiểm cho tính mạng trẻ, chưa kể khí độc tích tụ bên trong.

Mặt khác, do ở trong xe một mình nên trẻ dễ bị hoảng loạn về mặt tâm lý, khi đó việc tiêu thụ năng lượng sẽ tăng lên. Nhiệt độ tăng cao và ảnh hưởng tới chuyển hóa của cơ thể, nếu thân nhiệt vượt trên ngưỡng 41,5 độ C, nguy cơ tử vong có thể xảy ra dựa trên cơ chế toát mồ hồi, sau đó đến cạn nước, hạ huyết áp, tim ngừng đập nếu không được cấp cứu kịp thời.

Khi cho trẻ đi trên xe, các bậc cha mẹ, người lớn cần kiểm tra toàn bộ xe trước khi khóa cửa. (Ảnh minh họa)
Khi cho trẻ đi trên xe, các bậc cha mẹ, người lớn cần kiểm tra toàn bộ xe trước khi khóa cửa. (Ảnh minh họa)

Để phòng tránh sốc nhiệt, NRMA nhấn mạnh dù làm gì, bận tới đâu thì các bậc phụ huynh, người lớn cần nhớ rằng tính mạng con người vẫn là trên hết. Cần chú trọng các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ khi ngồi trên ô tô. Trước tiên phải có ghế ngồi trên xe và móc chốt an toàn, không để trẻ ngồi trên ghế ô tô quá lâu. Đặc biệt, cố gắng đưa trẻ ra khỏi ghế ô tô sau mỗi giờ chạy xe. Viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo, nếu trên xe chở trẻ em, cứ sau 2 giờ chạy xe nên ngừng nghỉ một lần, đưa trẻ ra ngoài để hóng khí bởi thân nhiệt của trẻ em có thể tăng gấp 3 - 5 lần so với người lớn. Sốc nhiệt xảy ra khi thân nhiệt vượt quá 40 độ C và càng cao càng nguy hiểm.

Khi cho trẻ đi trên xe các bậc cha mẹ cần kiểm tra toàn bộ xe trước khi khoá cửa. Nên để đồ chơi lên ghế trước, trong tầm mắt nhìn để nhắc nhở đang có trẻ nhỏ trong xe. Sau khi xuống xe, việc cần làm đầu tiên là kiểm tra xe. Nên sử dụng xe có tính năng cảnh báo nguy hiểm để xe phát tín hiệu nguy hiểm, như xe GM có tính năng “nhắc nhở ghế sau” bằng âm thanh và đèn hiệu, nhắc tài xế kiểm tra trước khi rời xe.

Khi xe chở trẻ nhỏ, nên để cửa kính mở hờ, giúp lưu thông không khí. Nên đỗ xe dưới bóng râm, không nên để trẻ trong ô tô một mình dù trời mát bởi oxy trong xe sẽ giảm dần, gây bất lợi cho sức khỏe trẻ. Tuyệt đối không ngủ trên xe đỗ trong không gian chật hẹp và dưới trời nắng nóng, vì trong trường hợp này ngay cả khi mở hết cửa xe, người ngồi trong xe vẫn có thể bị thiếu oxy, sốc nhiệt, hoặc ngộ độc khí thải động cơ. Nếu vì lý do nào đó phải ngủ trong xe cần để mở kính để thông khí và đặt báo thức để tránh nguy cơ người ngủ lịm, mất kiểm soát.

Nên trang bị cho trẻ những kiến thức sơ đẳng, như giữ bình tĩnh, chỉ cho trẻ biết vị trí còi xe và cách bấm còi bởi một số loại xe đời mới khi tắt máy thì còi vẫn hoạt động. Dạy trẻ cách bấm nút hạ cửa sổ, đứng gần kính ra hiệu để tìm sự giúp đỡ, cách bật đèn khẩn cấp có hình tam giác, dùng búa thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp. Giống như trường hợp trẻ bị động kinh, các bậc phụ huynh cần chủ động giải cứu trẻ, không phải chờ lái xe, hãy gọi cấp cứu hoặc cứu hoả. Nếu trẻ bất tỉnh, hãy tìm cách nhanh chóng giúp trẻ ra khỏi xe và đưa vào chỗ râm mát, thoáng đãng. Cởi bỏ hay nới lỏng quần áo trẻ để giảm thân nhiệt, dùng khăn mát lau người trẻ.

Nếu trẻ là học sinh do các trường đang quản lý cần thì nhà trường và gia đình thường xuyên kiểm tra môi trường học tập, vui chơi trong và ngoài trường để đảm bảo an toàn cho trẻ, đặc biệt là đối với nhóm trẻ tuổi mầm non, tiểu học, học sinh mới chuyển cấp, chuyển trường. Ngành giáo dục cần triển khai nội dung giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích ở trẻ em và kỹ năng sống cho cán bộ quản lý giáo dục các cấp, giáo viên nhân viên làm nhiệm vụ trực tiếp trông nom, giảng dạy học sinh.

Nguyễn Khắc

(Dịch từ USAtoday/CCA- 8/2019)

 


Ý kiến bạn đọc