Những phát minh khoa học mới hữu ích cho đời sống
1. Máy bán thuốc tự động cho người bệnh
Kỹ sư điện người Nam Phi, Neo Hutiri vừa trình làng chiếc máy bán thuốc tự động mang tên Pelebox, được Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Anh (RAF) trao thưởng 25.000 USD trong khuôn khổ Giải thưởng Sáng tạo Kỹ thuật 2019. Hutiri tiết lộ sở dĩ anh phát minh ra Pelebox là do mỗi lần chờ mua thuốc điều trị lao, bản thân đã phải chờ ít nhất 2 giờ. Chiếc máy này giúp tiết kiệm thời gian chờ cho bệnh nhân.
Cấu trúc Pelebox bao gồm những hộp đựng thuốc bán theo đơn do các nhân viên y tế quản lý. Khi cần mua, bệnh nhân phải cung cấp mã đơn thuốc được cấp qua điện thoại, sau đó sử dụng Pelebox như khi dùng ATM. Cũng theo Hutiri, ngoài tiết kiệm thời gian, mua thuốc qua Pelebox người dùng được lợi nhiều thứ khác như giảm căng thẳng khi tới phòng khám, xếp hàng chờ mua và giảm mệt mỏi vì phải đứng quá lâu. Hiện đã có 6 máy Pelebox đang hoạt động, 8 chiếc khác đang giai đoạn chế tạo.
Máy bán thuốc tự động cho người bệnh. |
2. Seakeeper- công cụ chống say sóng mới
Các chuyên gia Dự án công nghệ cao của hãng Seakeeper Inc, Mỹ vừa cho ra đời công cụ Seakeeper chống say sóng cho những người phải đi biển hay sử dụng các phương tiện đường thủy. Seakeeper thực chất là một quả cầu kim loại cỡ lớn, đây là một con quay hồi chuyển nặng trên 180kg, có thể lắp trên các loại thuyền cỡ trung bình, có nhiệm vụ ngăn cản sự chòng chành do sóng tạo ra. Từ đó, hạn chế tối đa cảm giác nôn nao do não nhận được những dữ kiện sai lệch do môi trường đưa đến.
Chìa khóa công nghệ của Seakeeper chính là một bánh đà bên trong, khi được khởi động, bánh đà này sẽ quay với tốc độ gần 900km/h, triệt tiêu hầu như toàn bộ chuyển động lắc lư và tạo nên sự ổn định cho con thuyền. Nhờ Seakeeper, các thiết bị đi biển như tàu thuyền, kể cả tàu đánh cá của ngư dân sẽ hoạt động ổn định hơn, giảm say sóng và chống rủi ro lật tàu khi sóng to gió lớn.
3. Phao cứu sinh tự tìm đến với người bị nạn
Chiếc phao cứu sinh có tên U-safe được điều khiển từ xa, tốc độ 27 km/giờ có thể tự tìm đến vị trí nạn nhân và nhanh chóng đưa người gặp nạn lên bờ. Đây là sản phẩm của một startup Bồ Đào Nha vừa được đưa ra giới thiệu. U-Safe có thiết kế đơn giản nhưng hữu dụng, được trang bị hai động cơ mạnh gắn ở hai đầu chữ U, người bị đuối nước có thể bám vào hai thành của phao, sau đó nó sẽ lướt nhanh trên mặt nước hoặc kéo người bị nạn đến vị trí an toàn như tàu thủy hay lên bờ.
Phạm vi hoạt động của U-Saf trong bán kính 5km, tức trong vùng phủ sóng của điều khiển từ xa, đặc biệt hơn là dùng năng lượng mặt trời nên mang tính môi trường thân thiện. Nhóm đề tài đang tiến hành cải tiến, bổ sung thêm nhiều tính năng khác, như bổ sung hệ thống thiết bị định vị toàn cầu (GPS) hoặc phiên bản lớn hơn, cứu được nhiều người hơn trong cùng một lúc.
4. Máy bay không người lái siêu nhỏ phát hiện khí độc trong nhà
Có tên SNAV (Smelling Nano Aerial Vehicle) hay phương tiện bay nano thính mùi, thuộc dòng máy bay Crazyflie 2.0 mini, nặng 35 gram do Đại học Barcelona, Tây Ban Nha phát minh. Nó có khả năng phát hiện khí độc trong môi trường không gian kín mà con người không tiếp cận được hay nguy hiểm như hầm mỏ, các ngôi nhà hay trong các khoang tàu, nhà máy hóa chất... SNAV được trang bị cảm biến khí MOX (oxit kim loại) cực thính, có thể phát hiện hàm lượng, vết tích cực nhỏ của các loại khí nguy độc khi chúng bay qua, nhất là khu vực chật hẹp mà con người không thể vào được. Việc điều hướng máy bay được thực hiện qua bộ máy phát vô tuyến được cài đặt sẵn, giúp khắc phục khó khăn khi sử dụng GPS trong nhà.
5. Áo khử mùi cơ thể bằng vi khuẩn
Đó là bộ đồ lót thông minh có tên Skin II của chuyên gia thời trang vật liệu sinh học Rosie Broadhead ở Đại học Ghent University (GU) Bỉ, tận dụng sự tương tác giữa da với quần áo. Skin II được “nhúng” vi khuẩn sống, có thể khử mùi cơ thể và tăng cường sức khỏe cho hệ thống miễn dịch. Cụ thể hơn, vi khuẩn sống được tích hợp vào sợi của vật liệu tại các vị trí, nơi cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi nhất và được kích hoạt bởi độ ẩm của da người.
Sau khi hoạt động, vi khuẩn sẽ hỗ trợ, kích thích vi khuẩn hoạt hóa, “ăn” mùi đồng thời cải thiện quá trình tái tạo tế bào và hệ thống miễn dịch cho da. Chìa khóa vật liệu của áo Skin II là chất keo xương hoặc da động vật chứa sợi col-lagen, được nấu kỹ, sau đó bổ sung thêm bột máu hoặc than xương. Than xương được tạo ra bằng cách đốt trong bình kín, nhiệt độ 700 độ C, hỗn hợp bột được cho vào keo dưới dạng sắc tố, có khả năng phân hủy sinh học và tái chế dễ dàng.
6. Bẫy diệt muỗi LeO-Trap
Bẫy diệt muỗi LeO-Trap. |
Phân ban Khoa học y tế (DHS) thuộc Bộ Y tế Thái Lan vừa nghiên cứu thành công thiết bị bắt muỗi có tên LeO-Trap, có thể bắt và tiêu diệt cả ấu trùng muỗi. LeO-Trap sử dụng dung dịch được chiết xuất từ vỏ của con trai có khả năng thu hút muỗi và bổ sung thêm ấu trùng muỗi, khoáng chất zeolite. Đây là một thiết bị sáng tạo, không dùng hóa chất nên muỗi không sợ, vô tư đẻ trứng và nở thành ấu trùng trong vòng 1-2 ngày.
Khi ấu trùng nở nó được loại bỏ bằng chính khoáng chất zeolitevà phù hợp với mục tiêu sử dụng để kiểm soát muỗi sốt xuất huyết. Ưu điểm của LeO-Trap là giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu, có thể đặt nó trong ngôi nhà, phòng khách hoặc cầu thang. Một LeO-Trap có thể dùng cho 2 đến 4 ngôi nhà, 3 tháng, hoặc bổ sung zeo-lite trực tiếp vào chậu cây cảnh hay nơi nước tù đọng để diệt ấu trùng, lăng quăng. LeO-Trap bẫy được chừng 400.000 con muỗi/km2 trong 4 ngày, tương đương khoảng 1 triệu con muỗi bị diệt nếu tính cả ấu trùng do muỗi cái đẻ ra, hiệu quả hơn 2,5 lần so với dùng hóa chất diệt muỗi.
Nguyễn Duy (Theo BCZ/KC/SC/AC/FC/IC)
Ý kiến bạn đọc