Thiết bị mới bảo vệ con người trong dịch bệnh
Y tá robot lấy mẫu máu tự động
Các nhà khoa học của Đại học Rutgers (Mỹ) vừa nghiên cứu phát triển thành công một loại robot lấy mẫu máu tự động. Qua thử nghiệm lâm sàng trên người cho thấy, hiệu quả của robot vượt mong đợi vừa chính xác lại nhanh. Nó có thể tìm tĩnh mạch qua hình ảnh siêu âm, đưa kim vào tĩnh mạch rồi rút máu ra, sau đó đảm nhận luôn cả chức năng phân tích máu bằng ly tâm. Với 31 bệnh nhân tham gia thử nghiệm, tỷ lệ thành công chung là 87%. Riêng 25 người có mạch máu nổi dễ tiếp cận, tỷ lệ này là 97%.
Robot lấy máu tĩnh mạch và phân tích. |
Trang phục khử độc thần kinh trong vài phút
Phòng nghiên cứu thí nghiệm Omar Farha thuộc Đại học Northwestern (Mỹ) đang thực hiện dự án đặc biệt hỗ trợ quân đội: cho ra đời trang phục có thể khử chất độc thần kinh trong vài phút do phơi nhiễm vũ khí hóa học. Loại vải này được sản xuất bằng cách phủ một hỗn hợp lỏng dạng sơn rồi phơi khô. Khi khô, nó có thể vô hiệu hóa độc tố của nhiều hóa chất nguy hiểm ảnh hưởng đến thần kinh con người. Thực chất hỗn hợp này có chứa phân tử dạng tinh thể có tên MOF-808, làm nhiệm vụ gom nước từ không khí để tồn tại. Khi MOF-808 tiếp xúc với các hóa chất độc hại, nước sẽ gắn kết vào các phân tử của chất độc và phá vỡ cấu trúc của nó nhờ chất xúc tác, loại bỏ phá hủy tác động tới con người, đặc biệt là độc tố thần kinh như Tabun, Soman, Sarin và VX.
Áo khoác thay hình đổi dạng để phù hợp với nhiệt độ
Một doanh nghiệp khởi nghiệp của Mỹ là Skyscrape vừa giới thiệu sản phẩm áo khoác tự thay đổi hình dạng để phù hợp với nhiệt độ cơ thể, giúp con người mát khi trời nóng và ấm khi trời lạnh. “Chìa khóa” của chiếc áo này chính là loại sợi mới được kết hợp với sợi thông thường, khi sợi mới giãn nở, nó làm cho cấu trúc của sợi phản ứng với nhiệt độ, chuyển từ dạng phẳng sang hình dạng gợn sóng. Quá trình co giãn tạo ra các túi khí siêu nhỏ để cách nhiệt. Ở dạng lượn sóng nó sẽ cách nhiệt khi nhiệt độ giảm và phẳng trở lại khi nhiệt độ ấm lên để lúc nào cũng trong phạm vi từ 10 - 15 độ C. Vật liệu thay đổi hình dạng này có thể tăng nhiệt từ 20 - 30 độ C mà không phải sử dụng pin hay cảm biến.
Sắp có siêu kháng sinh thế hệ mới
Viện Công nghệ Massachussett (MIT), Mỹ sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) thiết kế thuốc kháng sinh mới là phân tử kỳ diệu được coi là tốt hơn mọi loại kháng sinh đã có. Phân tử này từng được thử nghiệm làm thuốc trị tiểu đường, nhưng nay lại rất hiệu quả đối với nhiều chủng khuẩn như Clostridium difficile (gây viêm đại tràng giả mạc), Acinetobacter baumannii (vi khuẩn đa kháng thuốc, gây nhiễm khuẩn bệnh viện) và Mycobacte-rium tuberculosis (khuẩn lao). Hợp chất này có tên Halicin được đưa ra thử nghiệm thực tế với các chủng vi khuẩn lấy từ các mẫu bệnh phẩm và cả những mẫu được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Qua điều trị thử nghiệm cho 2 con chuột nhiễm vi khuẩn Acinetobacter baumannii đều đã nhờn với tất những loại kháng sinh hiện có cho thấy khi dùng Halicin lại khỏi hoàn toàn trong vòng 24 giờ. Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện thấy Halicin cũng có hiệu quả trong điều trị khuẩn E.coli.
Duy Nguyễn
(Dịch từ CNET/WC/PC/ABC/FC/SIO/ADC-2/2020)
Ý kiến bạn đọc