Multimedia Đọc Báo in

Những phát minh thân thiện với môi trường

08:00, 20/06/2020

Máy gặt đập thông minh

Máy gặt đập thông minh là loại máy đa năng được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) do hãng AI Cognitive Technologies (ACT) hợp tác với hai công ty Sherbank và Rusagro của Nga phát triển. Máy có tốc độ di chuyển 15 km/h, được trang bị hệ lái tự động cấp 3 sử dụng nguồn dữ liệu trực tiếp từ một máy quay video duy nhất, sau đó được phân tích nhờ mạng thần kinh tích hợp giúp nó vận hành thông qua phần mềm Cognitive Agro Pilot do ATC phát minh. Nhờ cơ chế này, máy có thể vận hành trong mọi điều kiện thời tiết, ánh sáng mà không cần GPS. Khi gặp sự cố nó sẽ cảnh báo người điều khiển trong cabin để có thể thực hiện chỉnh sửa kịp thời. Chưa hết, hệ thống còn được cài đặt “bộ óc thông minh” để liên thông với các máy móc nông nghiệp khác, như máy kéo và máy phun… nhằm nâng cao hiệu quả hệ thống, giảm chi phí vận hành và thất thoát trong thu hoạch.

Máy lọc khí di động cho người đi xe đạp

Hãng Iwind của Mỹ vừa đưa ra giới thiệu một hệ thống lọc khí di động dùng cho người đi xe đạp hoặc tham gia giao thông. Thiết bị có cùng tên gọi Iwind rất phù hợp cho cư dân phải sống trong môi trường đô thị ô nhiễm. Iwind thực chất là thiết bị lọc không khí cá nhân dạng mặt nạ với một máy nén di động công suất lớn lọc các chất ô nhiễm, đưa không khí trong lành lên mặt và mũi người dùng. Iwind có hình dạng giống như một quả trứng, thân được chế từ ​​nhựa tái sinh chống sốc, ống dẫn khí được làm từ silicon, bên trong được trang bị máy làm mát, có thể bơm hơn 45 lít mỗi phút, đủ cho người dùng hô hấp. Ngoài ra, nó còn có các bộ phận khác như pin, bộ lọc, nút điều khiển, ống dẫn khí linh hoạt và hình nón… Bộ lọc được phủ lớp kháng khuẩn, có thể bắt các hạt cứng có kích thước lên tới 0,4 micron, chiếm tới 99% tổng lượng ô nhiễm không khí. Bên cạnh chức năng lọc, Iwind còn có chức năng làm ấm không khí khi trời lạnh qua vòi đưa đến trước mũi và miệng của người dùng.

Nhà máy sản xuất hydro siêu rẻ từ rác thải

Nhà máy SGH2 Lancaster, California (Mỹ) là nhà máy xử lý rác thải "xanh, sạch hơn mọi thứ" vừa giải quyết được bài toán rác thải vừa sản xuất hydro (H2) siêu rẻ. Nhà máy này có công suất gấp 3 lần cơ sở sản xuất hydro xanh lớn nhất hiện nay. Theo giám đốc dự án SGH2, nhà máy có thể cho ra đời 11.000 kg hydro mỗi ngày, tương đương 3,8 triệu kg mỗi năm, xử lý tới 42.000 tấn chất thải tái chế/năm, tiết kiệm từ 2,1 - 3,2 triệu USD tiền đưa rác thải xử lý chôn lấp hằng năm.

Công nghệ nhà máy do Solena (công ty chủ quản của SGH2 Lancaster phát triển) sử dụng lò đốt plasma nhiệt độ cao từ 3.500 - 4.000°C. Nhiệt ion cùng với khí giàu oxy được nạp cùng xúc tác tạo ra quá trình phân ly triệt để cấp phân tử của tất cả các hydrocacbon đầu vào, nhiệt độ tăng rồi giảm đột ngột tạo ra thành phẩm là khí sinh học giàu hydro không chứa hắc ín, muội và kim loại. Khí sản phẩm đưa ra buồng trên đỉnh tháp sau đó đi tiếp qua hai buồng rửa khí acid để khử tạp chất dạng hạt. Khí sản phẩm sau đó đi tiếp qua một máy nén ly tâm làm sạch chỉ để lại hỗn hợp khí có chứa hydro, carbon monoxide và carbon dioxide nhờ lò phản ứng chuyển đổi nước - khí có bổ sung hơi nước để chuyển hóa carbon monoxide thành carbon dioxide và nhiều khí hydro hơn. Cuối cùng, hai khí này được phân ly, tách hết CO2 còn lại duy nhất hydro được xem là sản phẩm cuối với độ thuần cao.

Lốp xe chế tạo từ cao su tự liền

on người sẽ không lo  về vấn đề  thủng lốp xe  khi lốp xe  được chế tạo  từ loại cao su  tự liền.
Con người sẽ không lo về vấn đề thủng lốp xe khi lốp xe được chế tạo từ loại cao su tự liền.

Trong tương lai, con người sẽ được dùng loại lốp xe được chế từ loại cao su đặc biệt siêu dính và khi kết hợp với chất xúc tác đặc biệt nó sẽ tự liền. Đây là sản phẩm của Đại học Flinders (Úc) và ĐH Liverpool (Anh), được ra đời từ vật liệu thải như lưu huỳnh, dầu hạt cải và dicyclopentadiene của các cơ sở lọc dầu. Khi bị rách hay thủng, nó tự liền trong điều kiện nhiệt độ phòng nhờ một loại chất xúc tác có tên amin trong vòng vài phút. Chưa hết, cao su này có khả năng tái chế tối đa nhiều lần nên có thể giải quyết được bài toán môi trường, không lãng phí như các loại lốp xe truyền thống. Trưởng nhóm nghiên cứu, Phó Giáo sư Justin Chalker ở Đại học Flinders cho biết, lốp xe được làm từ 50% lưu huỳnh trộn với dầu ăn canola và một hóa chất gọi là dicyclopentadiene (DCPD). Ba thành phần này đều là sản phẩm phụ công nghiệp, thường bị thải bỏ nên mang tính kinh tế môi trường, giảm lượng khí thải cacbon của ngành công nghiệp sản xuất lốp xe. Cao su mới này không chỉ để sản xuất lốp xe mà còn nhiều ứng dụng khác vì nó có khả năng chống nước và ăn mòn cao nhờ vào xúc tác amin.

Giấy mỏng nhất thế giới

Hãng Hidaka Washi (HW) ở Kochi, Nhật Bản là nơi nổi tiếng với loại giấy “gia truyền” có tên tengujo cực mỏng dùng làm màn, giấy lụa, trang trí kimono. Hiện hãng HW đang cải tiến cho ra đời thế hệ giấy mới “không thể mỏng hơn” với bề mặt gồm các sợi đan xen chằng chịt và gần như trong suốt. Theo ông Hiroyoshi Chinzei, giám đốc HW, loại giấy này được làm từ thân cây dâu tằm (kozo) qua nhiều công đoạn thủ công như rửa, loại bỏ bột bụi, trước khi tước thành sợi xơ nhỏ như tơ nhện. Sau đó sợi được ngâm trong bồn nước pha neri, dung dịch chiết từ một loại hoa đặc biệt để tạo ra sợi kozo dẻo, dính, dễ kéo thành những sợi mỏng hơn. Công đoạn tiếp theo là sắp xếp thủ công các sợi này như mạng nhện, làm thành một mặt phẳng và phơi khô, các sợi bám vào nhau, tạo thành mảnh giấy mỏng trong suốt.

Nguyễn Khắc

(Dịch từ FC/FFT/KC/NAC/ZC/IC-5/2020)

 


Ý kiến bạn đọc