Những giải pháp công nghệ hứa hẹn cho tương lai
Triển vọng vắc xin chống sốt rét hiệu quả cao
Theo trang tin công nghệ Mỹ Futurism số cuối tháng 4-2021, Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), Đại học Oxford và Novavax Inc hiện đang hợp tác nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 cho loại vắc xin chống sốt rét mới. Vắc xin nói trên được thử nghiệm ở nhóm trẻ nhỏ từ 5 - 17 tháng tuổi, thời gian dài 12 tháng. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên vượt qua tiêu chuẩn 75% theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cụ thể, sau 12 tháng, hiệu quả của vắc xin đạt 77% ở những người tham gia trong nhóm tá dược liều cao, và 71% ở nhóm tá dược liều thấp. Tới đây SII và Công ty dược phẩm Novavax của Mỹ sẽ tiến hành thử nghiệm quy mô lớn giai đoạn 3.
Sơn siêu trắng làm mát tốt hơn cả điều hòa
Các nhà khoa học ở Đại học Purdue (PU) Mỹ vừa nghiên cứu ra một loại sơn cực trắng giúp chống lại sự nóng lên của trái đất hay còn gọi là sơn “chống biến đổi khí hậu”. Sản phẩm có thể làm mát các tòa nhà giống như một máy điều hòa không khí. Theo nhóm nghiên cứu, đây là loại sơn trắng nhất từ trước tới nay được con người tạo ra nên có thể làm nguội các bề mặt.
Sơn siêu trắng làm mát tốt hơn cả điều hòa. |
Theo giáo sư Xiulin Ruan, tác giả nghiên cứu chính, nếu phủ sơn này lên một mái nhà có diện tích 93 m2 thì nó sẽ làm mát khoảng 10 kilowatt, tức mạnh hơn cả điều hòa trung tâm. Tính năng làm mát của sơn nhờ vào khả năng phản xạ ánh sáng mặt trời, chuyên môn gọi là nhiệt hồng ngoại.
Sơn siêu trắng của PU được tạo ra bằng cách sử dụng nồng độ cao của bari sulfat, một hợp chất không hòa tan màu trắng, không mùi từng được dùng trong kỹ thuật chụp X-quang hoặc chụp CT, nay được tăng cường, thay đổi kích thước hạt bari sulfat cho phép sơn phân tán nhiều bước sóng khác nhau. Qua thử nghiệm, sơn mới này có thể giữ nhiệt bề mặt mát hơn khoảng 10,6 độ C so với môi trường xung quanh vào ban đêm và 4,4 độ C vào lúc nắng giữa trưa.
Máy đo địa chấn siêu rẻ và chính xác
Vivien He, một nữ sinh 17 tuổi ở Trường Trung học Palos Verdes Peninsula ở South California (Mỹ) đã chế tạo thành công một thiết bị đo địa chấn có chi phí thấp, cảnh báo sớm động đất với giá bán chưa đến 100 USD. Thiết bị có kích thước như một khối rubik, được bọc trong lớp acrylic trong suốt, kiểu dáng đẹp. Geophone (đầu thu địa chấn) của thiết bị phát hiện chuyển động trên mặt đất, trong khi phần cứng và phần mềm trên bo mạch chuyển tín hiệu điện của geophone thành dạng sóng kỹ thuật số. Qua thử nghiệm cho thấy, thiết bị đã phát hiện tất cả các trận động đất trên 3,0 độ richter xung quanh Los Angeles kể từ tháng 9-2020. Khi động đất mạnh hơn ngưỡng cảnh báo do người dùng đặt, thiết bị có thể phát âm thanh báo động trên bo mạch để cảnh báo tại chỗ, gửi tin nhắn văn bản đến các thuê bao địa phương của dịch vụ cảnh báo khu vực, được điều khiển từ điện thoại thông minh. Phát minh của Vivien He đã được trình bày tại Hội nghị thường niên năm 2021 của Hiệp hội Địa chấn Hoa Kỳ (SSA) và nhờ nó, nữ sinh này đã giành được suất du lịch Sinh viên SSA.
Vivien He, nữ sinh 17 tuổi ở Mỹ đã chế tạo thành công một thiết bị đo địa chấn có chi phí thấp. |
Sân bay kiêm trang trại sản xuất điện mặt trời
Đại học RMIT, Australia (RU) hiện đang thực hiện nghiên cứu tận dụng các sân bay làm hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà quy mô lớn. Nếu thành công thì 21 sân bay nhà nước quản lý của Australia có thể sản xuất nguồn năng lượng khổng lồ đủ cung cấp cho 136.000 ngôi nhà. Theo nghiên cứu của RU, các tấm quang điện quy mô lớn lắp đặt tại các sân bay sẽ tạo ra lượng điện gấp 10 lần so với 17.000 tấm quang điện dân dụng đang được dùng tại các gia đình hiện nay.
Nữ tiến sĩ Chayn Sun, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, sân bay là nơi có nắng tốt nhất vì chúng không bị che khuất bởi các tòa nhà cao tầng hoặc cây cối, do vậy đây là nơi hoàn hảo để khai thác năng lượng của mặt trời.
Chip nano siêu nhỏ
IBM vừa thông báo công ty này đã tạo ra con chip siêu nhỏ, kích thước 2 nanomet, đạt kỷ lục chip nhỏ và mạnh nhất thế giới xưa và nay. Hiện phần lớn chip máy tính dùng trong các thiết bị điện tử ngày nay có kích thước 7 hoặc 10 nanomet, nhỏ nhất cũng là 5 nanomet.
Theo Dario Gil, Giám đốc nghiên cứu của IBM, chip 2 nanomet của IBM dày cỡ móng tay, chứa 50 tỷ transistor, hiệu suất cao hơn 45% và tiết kiệm điện hơn 75% so với phần lớn chip 7 nanomet hiện nay. Với chip 2 nanomet, pin điện thoại di động có thời lượng lâu hơn 4 lần, laptop có thể hoạt động nhanh hơn và lượng khí thải của những trung tâm dữ liệu sẽ giảm mạnh do dựa vào con chip hiệu quả hơn. Dự kiến, chip 2 nanomet sẽ được sản xuất vào cuối năm 2024 hoặc 2025.
Triển vọng loại thuốc chống COVID-19 mới
Các chuyên gia phòng thí nghiệm của hãng Merck của Đức hiện đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 một loại thuốc tiềm năng để trị Covid-19. Thuốc có tên Molnupiravir được xem là thuốc kháng vi rút tiên tiến nhất hiện nay.
Kết quả thử nghiệm loại thuốc này đã được trình bày tại Hội nghị quốc tế về retrovirus và nhiễm trùng cơ hội (CROI). Cụ thể, SARS-CoV-2 đã được loại bỏ trong 5 ngày ở 47 bệnh nhân dùng Molnupiravir (tên mã EIDD-2801). Trong khi đó, ở nhóm đối chứng dùng giả dược, 1/4 vẫn còn mang vi rút truyền nhiễm. Các chuyên gia của Merck cho biết tới đây họ sẽ tiến hành thử nghiệm Molnupiravir giai đoạn 3 ở các bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị ngoại trú, những người có ít nhất một yếu tố nguy cơ bệnh diễn biến nặng như tuổi cao, béo phì hoặc mắc bệnh mạn tính.
Khắc Duy
(Dịch từ FC/ABC/SDC/WCU/CNN/THD – 4 và 5/2021)
Ý kiến bạn đọc