Multimedia Đọc Báo in

Trí thức trẻ hôm nay

17:09, 01/09/2010

Là những người có sức trẻ, có kiến thức, họ - lực lượng trí thức trẻ hôm nay đang nỗ lực không ngừng để góp sức cho công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Dù ở vị trí nào, dù làm công việc gì, tất cả họ đều có một điểm chung, đó là mong muốn được cống hiến…     

Phải biết tận dụng sức trẻ để làm những việc có ích cho mọi người - Bác sĩ Mai Văn Hoàn, Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh

 

Mặc dù đã tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, nhưng khi về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tiếp xúc với nhiều người bệnh, nhiều loại bệnh, tôi mới thấy kiến thức của mình vẫn còn quá ít ỏi. Khác với những ngành nghề khác, ngành y là ngành có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, chỉ một sơ suất nhỏ của cán bộ y tế cũng có thể gây nên hậu quả khôn lường. Điều đó đã thôi thúc tôi phải tiếp tục học tập để có kiến thức chuyên sâu hơn nữa. Và việc dự thi bác sĩ chuyên khoa I mới đây chính là hành động để tôi “hiện thực hóa” những trăn trở của mình. Hiện tại, công việc và việc học tập đã chiếm hết quỹ thời gian của tôi, song dẫu vậy, tôi vẫn sắp xếp và dành thời gian cho hoạt động xã hội từ thiện. Tôi luôn nghĩ, mình còn trẻ thì phải biết tận dụng sức trẻ để làm những việc có ích cho mọi người. Suy nghĩ này chính là động cơ để tôi tham gia các chuyến khám chữa bệnh từ thiện cho đồng bào vùng sâu vùng xa, những người ít có điều kiện đến khám chữa bệnh tại cơ sở y tế. Gần 2 năm công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng là chừng đó thời gian tôi gắn bó với những chuyến đi khám chữa bệnh tại cộng đồng của Hội Thầy thuốc trẻ, Tỉnh Đoàn và các tổ chức từ thiện khác. Ở địa phương nào của tỉnh, tôi cũng đã có mặt ít nhất một lần để tham gia khám bệnh cho người dân. Mỗi chuyến đi tuy có mệt, song nó lại vô cùng ý nghĩa, bởi những bác sĩ trẻ chúng tôi không chỉ chia sẻ được phần nào khó khăn với đồng bào nghèo ở vùng sâu vùng xa mà qua đó còn rèn luyện “y đức” cho mình. Qua mỗi chuyến đi, chúng tôi thấy thấu hiểu hơn cuộc sống còn nhiều khó khăn của người dân, từ đó càng cố gắng đem hết tâm sức của mình để phục vụ người bệnh.

Mạnh dạn, sáng tạo là yếu tố cần thiết cho sự thành công - Anh Nguyễn Đức Hiếu, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Dịch vụ Nội dung, VNPT Dak Lak - Dak Nông

 
Tốt nghiệp Đại học Công nghệ  năm 1981, sau khi ra trường tôi làm việc tại VNPT Dak Lak - Dak Nông. Năm 2008, Trung tâm Công nghệ và Dịch vụ Nội dung thành lập, tôi giữ vai trò là Giám đốc điều hành. Trên cương vị cán bộ quản lý, tôi đã triển khai nhiều kế hoạch để cho ra đời nhiều sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) đạt yêu cầu cao về kỹ thuật, phù hợp xu thế xã hội hiện đại. Các sản phẩm gồm nhiều nội dung: điều hành trực tuyến VNPT- OMS, báo hỏng tự động 119, thiết kế website, thiết kế phần mềm, bảo trì bảo dưỡng, tên miền - domain, lưu trữ web hosting, gian hàng online… Thời gian đầu, Trung tâm gặp khó khăn về nguồn nhân lực, đội ngũ kỹ sư lành nghề CNTT quá ít. Trong bối cảnh đó, cơ hội đã đến với chúng tôi khi Chính phủ chủ trương đưa ứng dụng CNTT vào hệ thống quản lý của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; Trung tâm đã chủ động giới thiệu dịch vụ tại nhiều cơ quan trong tỉnh như Sở Ngoại vụ, Sở Nội vụ; Tỉnh Đoàn… Không chỉ dừng lại ở đó, chúng tôi đã mạnh dạn lập kế hoạch mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh... và cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Sản phẩm độc quyền tiêu biểu nhất là hệ điều hành trực tuyến OMS, phát huy được nhiều ưu điểm, có tác dụng giúp con người (làm công tác quản lý) không cần sử dụng đến các loại giấy tờ hay văn bản cứng, hoặc gặp trực tiếp nhân viên vẫn có thể quản lý chặt chẽ họ. Đối với công tác quản lý bán hàng, ứng dụng CNTT sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin về hàng hóa, vật tư, thông tin khách hàng và trạng thái các đơn đặt hàng... một cách chính xác và kịp thời. Tôi sẽ không ngừng học tập, sáng tạo, phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Với những bước chuyển mình vững chắc, tôi tin tưởng ngành CNTT Dak Lak sẽ tiến xa hơn trong tương lai.

Thực hiện công tác xã hội phải gắn với những việc làm ý nghĩa, thiết thực - Anh Hoàng Viết Việt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 

Năm 2004 tốt nghiệp Khoa Kinh tế, Trường Đại học Tây Nguyên, tôi nhận công tác tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vận dụng những kiến thức được học, kết hợp với quá trình thực tế ở cơ sở giúp tôi luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, tôi còn nhiệt tình tham gia công tác đoàn, là ủy viên Ban chấp hành đoàn cơ sở, năm 2008 được vinh dự chính thức đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời gian qua, tôi đã tổ chức nhiều hoạt động phát huy sức mạnh tập thể. Cụ thể, tổ chức cho các chi đoàn thăm và tặng quà các buôn kết nghĩa: buôn M'oa (huyện Ea Kar), buôn Jai (huyện Lak), buôn Ea Chố (huyện Krông Bông)…; tổ chức thường niên hoạt động “Uống nước nhớ nguồn”; tặng quà và học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt; tổ chức cho ĐVTN các chi đoàn trực thuộc tham gia trồng 2.000 cây ca cao tại Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh; trồng rừng sản xuất trên 13 ha (500 USD/ha) tại buôn Cham B (xã Cư Drăm, huyện Krông Bông). Bên cạnh đó, tôi còn tham gia chương trình cấp nước sinh hoạt cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện Krông Bông, Lak và xã Ea Rông (thị xã Buôn Hồ). Để ĐVTN giữa các chi đoàn đoàn kết, giao lưu học hỏi lẫn nhau, tôi đã tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao… Nhờ đó, các chi đoàn trực thuộc lớn mạnh không ngừng, đoàn cơ sở được Đoàn khối các cơ quan tỉnh tặng giấy khen “5 năm vững mạnh xuất sắc”. Riêng tôi được bình bầu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (năm 2010), được Đoàn khối tặng Giấy khen và Tỉnh Đoàn tặng Bằng khen. Tôi nghĩ, thực hiện công tác xã hội phải gắn với những việc làm ý nghĩa, thiết thực.

Kịp thời nắm bắt thông tin và thường xuyên bám sát cơ sở - Anh Ngô Đức Lợi, cán bộ Trạm Thú y huyện Cư Kuin

 
Năm 2007, tôi về nhận công tác tại Trạm thú y đúng vào thời điểm huyện Cư Kuin đang đối mặt với dịch cúm gia cầm. So với những huyện khác trên địa bàn tỉnh, Cư Kuin là huyện nằm sát cửa ngõ vào thành phố nên thường phải đối mặt với những đợt dịch bệnh lớn trên đàn gia súc, gia cầm. Chính vì thế, đòi hỏi người cán bộ thú y khi đối mặt với những đợt dịch bệnh này ngoài vững về chuyên môn, cần kịp thời nắm bắt thông tin, từ đó tham mưu cho các cấp lãnh đạo để khoanh vùng ổ dịch, hướng dẫn cho người dân cách phòng, chống dịch và tiêu hủy đúng quy cách đàn gia súc mắc bệnh. Hằng tuần, tôi đều dành phần lớn thời gian xuống cơ sở thôn, buôn để kiểm tra, nắm bắt tình hình chăn nuôi, kịp thời phát hiện những dấu hiệu lạ trên đàn gia súc, gia cầm và đưa ra những hướng dẫn thiết thực nhằm tránh gây hoang mang trong dân. Trong quá trình công tác, nhận thấy người dân còn nhiều hạn chế trong việc chăn nuôi gia súc, gia cầm nên công việc dù bận rộn tôi vẫn dành thời gian tham gia công tác giảng dạy 4 lớp kỹ thuật chăn nuôi cho hơn 200 học viên dân tộc thiểu số. Đối với việc phát triển chăn nuôi trong xu thế hội nhập, theo tôi ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi thú y nói riêng phải phát triển theo hướng chăn nuôi tập trung công nghiệp để tiết kiệm được thức ăn, vật tư chăn nuôi và hạn chế những rủi ro do dịch bệnh và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Để hoàn thành nhiệm vụ, người giáo viên cần có bản lĩnh chính trị vững vàng - Anh Nguyễn Văn Bông, giáo viên Trường PTDTNT Nơ Trang Lơng (TP. Buôn Ma Thuột)

 

Sinh ra trên quê hương “đất võ” Bình Định nhưng sau khi tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên tôi đã chọn và gắn bó với mảnh đất Dak Lak. Là giáo viên dạy Chính trị, một môn học xã hội, kiến thức rất đa dạng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều khái niệm mới lạ, khó nhớ lại khô khan nên thường gây nên sự chán nản cho học sinh nếu giáo viên không am hiểu sâu rộng các lĩnh vực xã hội và có phương pháp dạy phù hợp. Để giảng tốt môn này, tôi luôn phải nắm bắt kịp thời những biến đổi về tình hình chính trị - kinh tế - xã hội của địa phương, đổi mới và áp dụng nhiều phương pháp (đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin) vào giảng dạy; dự giờ các môn học khác nhằm học hỏi thêm phương pháp, kinh nghiệm của các đồng nghiệp. Đồng thời, để làm phong phú kiến thức văn hóa địa phương, tôi thường xuyên tìm hiểu phong tục tập quán dân tộc bản địa, học thêm tiếng nói, chữ viết của dân tộc Êđê; tham gia các hoạt động vì cộng đồng như chiến dịch “Mùa hè xanh”. Trong xu thế hiện nay, giáo viên muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, trên hết cần không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và phải có bản lĩnh chính trị vững vàng để biết cách chọn lọc những thông tin chuẩn xác và phù hợp, nếu không sẽ làm “loãng” nội dung cần truyền đạt.

Phải nắm rõ các đặc điểm, giai đoạn sinh trưởng và phát triển của sâu bệnh để tìm ra biện pháp phòng trừ - Kỹ sư Lê Thị Trúc Hạnh, Trạm BVTV  huyện Krông Bông

 
Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, năng suất và sản lượng cây trồng ngoài sự lệ thuộc vào sự bất thuận của thời tiết, bên cạnh đó mối lo ngại nhất của người dân là vấn đề dịch hại. Năm 2004, vừa tốt nghiệp kỹ sư BVTV (Đại học Tây Nguyên), với sức trẻ, lòng nhiệt huyết cộng với kiến thức được học và những kinh nghiệm từ thực tế đã thôi thúc tôi xuống đồng ruộng đồng hành với bà con tìm hiểu tình hình phát triển sâu bệnh trên các loại cây và tìm ra phương pháp diệt trừ để mang lại năng suất cao nhất. Trong quá trình đồng hành với người dân, nhận thấy việc phòng trừ sâu dịch của bà con còn lệ thuộc quá nhiều vào thuốc trừ sâu hóa học không những làm ô nhiễm môi trường xung quanh mà còn còn ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Từ đó, tôi đã tìm ra một số giải pháp nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học thay vào đó là sử dụng phương pháp sinh học trong việc diệt trừ sâu dịch. Nếu muốn làm được điều đó, trước hết phải nắm rõ các đặc điểm, giai đoạn sinh trưởng, phát triển và phải có phương pháp phòng trừ riêng trên từng loại cây trồng; biện pháp tối ưu nhất là thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, vườn cây để sớm phát hiện và xử lý sâu bệnh kịp thời, bảo đảm năng suất cây trồng.
Niềm vui lớn nhất của tôi chính là được nhìn thấy những gương mặt tươi vui, phấn khởi khi mùa màng bội thu, mang đến cuộc sống ấm no, sung túc cho người dân.

Nhóm phóng viên CT - VX (Thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc