Multimedia Đọc Báo in

Nhân Ngày người khuyết tật Việt Nam (18-4)

Tiếp sức để người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng

10:24, 18/04/2011

Toàn tỉnh đã có hơn 9.000 người khuyết tật được thụ hưởng các chính sách ưu đãi, các chương trình an sinh xã hội trong quá trình thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2006-2010. Với kết quả đó, Dak Lak trở thành một trong những tỉnh thực hiện tốt công tác chăm sóc người khuyết tật và được Bộ LĐ-TB&XH chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị tổng kết Quyết định 239 ở khu vực phía Nam vào cuối tháng 3 vừa qua. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4), phóng viên báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với bà H’Ny M’lô, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH về một số kinh nghiệm trong công tác này, cũng như phương hướng thực hiện Quyết định 239 trong giai đoạn tiếp theo.

* Xin bà cho biết một số điểm cơ bản trong Quyết định 239?

 
Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2006-2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 239 ngày 24/10/2006 với mục tiêu: cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật; từng bước tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động; xây dựng môi trường xã hội ngày càng tốt hơn bảo đảm quyền lợi của người khuyết tật. Đề án đã đưa ra những chỉ tiêu cần đạt được vào cuối năm 2010 như: 80% số tỉnh, thành phố có tổ chức "tự lực" của người tàn tật, Khoảng 70% phụ nữ tàn tật được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau, Khoảng 70% số người tàn tật được tiếp cận các dịch vụ y tế, khoảng 3.000 người được chỉnh hình và phục hồi chức năng, 70% số trẻ em tàn tật được tham gia học tập dưới mọi hình thức, 100% trẻ em tàn tật đi học được miễn, giảm học phí theo quy định của Nhà nước, Khoảng 80.000 người tàn tật được học nghề và tạo việc làm phù hợp tại các cơ sở dạy nghề, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn cả nước, 100% các công trình xây dựng và giao thông công cộng thiết kế và xây dựng mới phải theo quy định hiện hành, 20% - 30% công trình cũ được cải tạo phù hợp với việc tiếp cận của người tàn tật...

*Công tác chăm sóc người khuyết tật trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt được những kết quả như thế nào?

Theo số liệu điều tra dân số tại thời điểm 1-4-2009, toàn tỉnh có 73.000 người khuyết tật (chiếm 4,2% dân số), trong đó có 25.645 người khuyết tật nặng. Trình độ học vấn của người khuyết tật nhìn chung còn rất thấp, 41,01% số người khuyết tật từ 6 tuổi trở lên không biết chữ, số có trình độ từ tốt nghiệp phổ thông cơ sở trở lên chỉ chiếm 19,5%. Ở thành thị có tới 70-80% và ở nông thôn có từ 65-70% số người khuyết tật dựa vào gia đình người thân và trợ cấp xã hội. Có trên 50% số người khuyết tật tham gia làm việc, nhưng chỉ có 20-25% số này đủ việc làm, 30% số người khuyết tật chưa có việc làm mong muốn có việc làm ổn định. Phần lớn các hộ có người khuyết tật đều có mức sống thấp, có khoảng 35% số hộ thuộc loại nghèo.

Đến hết năm 2010 toàn tỉnh đã có hơn 5.000 người khuyết tật nặng đang được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, gần 1.300 người hưởng chế độ chất độc hóa học; có 8 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập đang chăm sóc, nuôi dưỡng trên 1.100 người, trong đó trên 400 người tàn tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Toàn tỉnh đã thành lập được gần 20 tổ chức “tự lực” của người khuyết tật, với gần 500 người tham gia. Ngoài ra, hàng năm có hơn 1.200 người tàn tật được chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng; hơn 500 người tàn tật được làm dụng cụ chỉnh hình, hỗ trợ xe lăn, xe lắc miễn phí. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 trường chuyên biệt cho học sinh khuyết tật, thường xuyên có trên 200 cháu tham gia để được giáo dục hòa nhập. Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người mù, Hội Chữ thập đỏ,  các cá nhân từ thiện... trong và ngoài tỉnh cũng tham gia tích cực vào các hoạt động trợ giúp người khuyết tật, như làm nhà ở, hỗ trợ máy vi tính, hỗ trợ sách, vở, xe lăn, xe lắc, dụng cụ chỉnh hình... hàng năm hỗ trợ cho trên 2.000 người, với kinh phí hàng tỷ đồng. Những sự giúp đỡ hết sức quý báu và đầy ý nghĩa nêu trên đã tạo điều kiện cho nhiều người khuyết tật trên địa bàn tỉnh có điều kiện cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, vươn lên trong cuộc sống, thúc đẩy sự tham gia của người khuyết tật vào vấn đề của xã hội, hòa nhập cộng đồng.

Tặng xe lăn cho người khuyết tật.
Tặng xe lăn cho người khuyết tật.

*Vậy đâu là những yếu tố quyết định để có được kết quả trên thưa bà?

Yếu tố thứ nhất có thể nói là do trong quá trình thực hiện, Ban chỉ đạo Tỉnh có sự phân công rõ ràng trách nhiệm và phối hợp nhịp nhàng của các sở, ngành, đơn vị liên quan, bởi vì việc triển khai thực hiện công tác trợ giúp người khuyết tật đòi hỏi sự vào cuộc của rất nhiều ngành và toàn xã hội trong việc hỗ trợ người khuyết tật trên nhiều khía cạnh khác nhau như: giáo dục, dạy nghề, việc làm, y tế, tiếp cận giao thông, văn hóa, thể thao...

Yếu tố thứ hai là: tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân có điều kiện tiếp cận với những nhận thức mới về vấn đề khuyết tật và người khuyết tật; tuyên truyền phổ biến các biện pháp phòng ngừa khuyết tật, giảm thiểu khuyết tật, các nội dung chính sách của Nhà nước, các loại hình và các cơ sở dịch vụ đối với người khuyết tật; tuyên truyền, giáo dục chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật đặc biệt là đối với phụ nữ khuyết tật, thay đổi thái độ và hành vi về vấn đề khuyết tật; nêu gương người tốt việc tốt về công tác bảo trợ người khuyết tật và bản thân người khuyết tật tự phấn đấu vươn lên trong cuộc sống; những hoạt động có hiệu quả trong việc trợ giúp người khuyết tật...

Thứ ba là, các hoạt động trợ giúp cần phải được xuất phát từ những tiếng nói của chính người khuyết tật, thông qua các tổ chức “tự lực” của người tàn tật được điều hành bởi những người tàn tật, các thành viên tham gia sinh hoạt trên tinh thần tự nguyện, đoàn kết giúp nhau bằng ý chí tự lực. Đặc trưng của tổ chức là tính tự quyết, tự quản, tự vận động của người tàn tật nhằm tăng cường sự tham gia của thành viên vào cộng đồng.

Thứ tư, xã hội hóa công tác trợ giúp người khuyết tật nhằm huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp tiếp nhận lao động người khuyết tật, xây dựng các cơ sở chăm sóc, phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề cho người khuyết tật...

*Vậy trong thời gian tới, tỉnh ta sẽ tiếp tục thực hiện Quyết định 239 với những mục tiêu nào thưa bà?

Tỉnh ta, do trước đây đã xây dựng “Đề án Trợ giúp người tàn tật tỉnh giai đoạn 2009-2012” và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Chính vì vậy tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện theo Đề án này, có thay đổi một số điểm cho phù hợp với tình hình mới nhưng cơ bản vẫn hướng tới đạt được những mục tiêu đến hết năm 2012 như: Ít nhất 80% huyện, thành phố có tổ chức “Tự lực” của người khuyết tật; Trên 70% phụ nữ khuyết tật được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau; Trên 70% số người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ y tế và trên 20% số người được chỉnh hình và phục hồi chức năng hệ vận động; Khoảng 500 người khuyết tật được đào tạo nghề; 100% trẻ em khuyết tật đi học được miễn, giảm học phí; 100% công trình công cộng thiết kế và xây dựng mới và trên 20% công trình cũ phải được cải tạo lại cho phù hợp với việc tiếp cận của người tàn tật…

Hiện nay, Luật Người khuyết tật đã có hiệu lực, các bộ, ngành Trung ương sẽ ban hành các văn bản liên quan để triển khai thực hiện. Đây là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng cho các địa phương triển khai thực hiện trong giai đoạn tới. Ở tỉnh ta, với những nỗ lực của mình và sự quan tâm, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, hy vọng công tác trợ giúp người khuyết tật của tỉnh sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người khuyết tật, là nguồn cổ vũ, động viên người khuyết tật vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, mang lại niềm tin, hạnh phúc cho người khuyết tật.

*Cảm ơn bà!

Minh Quân (Thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.