Multimedia Đọc Báo in

Ông Trần Văn Thiện - Giám đốc Công ty TNHH Cấp nước và Đầu tư xây dựng Dak Lak: Nước sinh hoạt trong mùa khô sẽ ngày càng thiếu nghiêm trọng

09:41, 24/04/2011

Mùa khô  năm nay, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã bắt đầu “nóng” lên, buộc công ty cấp nước phải cắt, giảm nước luân phiên nhằm điều tiết lượng nước hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. PV Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông TRẦN VĂN THIỆN – Giám đốc Công ty TNHH Cấp nước và Đầu tư xây dựng Dak Lak xung quanh vấn đề này.

*Vào mùa khô những năm trước, nuớc sinh hoạt cho người dân thành phố vẫn được bảo đảm, còn năm nay tại sao lại phải cắt nước luân phiên- thưa ông?

 

 

-Có hai nguyên nhân. Một là do số hộ dùng nước và nhu cầu sử dụng nước ngày càng nhiều, 56.000 hộ. Con số này cách đây 5 năm trước chỉ có 24.000. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng là sự sụt giảm mạch nước ngầm đáng báo động hiện nay. Nước sinh họat do công ty cung cấp hoàn toàn được lấy từ nước ngầm thông qua Dự án cấp nước của Chính phủ Đan Mạch tài trợ cách đây gần mười năm. Công suất thiết kế của Dự án này cung cấp khoảng 49.000- 50.000 m3 nước/ngày đêm. Bình thường, không khô hạn, mạch nước ngầm không tụt thì đủ cung cấp nhu cầu sử dụng nước cho người dân TP. Buôn Ma Thuột (bình quân 45.000 m3 nước/ngày đêm). Nhưng hiện tại, do lượng nước ngầm tại 3 mặt lộ thiên (gồm trạm bơm nước Kô Ea Tam, Cư Pul, Ea Msen) và 27 giếng khoan trên địa bàn Buôn Ma Thuột đã sụt giảm xuống còn chưa đầy 1/3 so với thiết kế. Lượng nước lấy được từ các điểm trên hiện chỉ còn trên dưới 35.000 m3/ngày đêm. So với nhu cầu thì còn thiếu trên 10.000 m3 nước/ngày đêm. Vì thế, công ty phải buộc lòng chọn giải pháp cắt nước luân phiên để điều tiết.

*Nhiều khách hàng phàn nàn, lịch cắt nước không đúng với thông báo của công ty trên các phương tiện truyền thông. Chẳng hạn, phường Y, xã X sẽ bị cắt nước trong 24 tiếng đồng hồ, sau đó sẽ có nước lại, nhưng có nơi phải đợi tới 30 tiếng đồng hồ, thậm chí lâu hơn thế. Ông giải thích như thế nào về việc này?

-Khác với điện, chỉ cần bật công tắc là có ngay; còn với nước thì nơi nào thấp có trước, nơi nào cao có sau. Đó cũng là điều bất lợi cho người dùng nước ở một địa bàn vốn không bằng phẳng như Buôn Ma Thuột. Và điều này, tôi nghĩ khách hàng cũng nên chia sẻ với chúng tôi. Để giảm bớt phiền toái cho khách hàng, công ty cũng đã có điều chỉnh lịch thông báo cắt nước tại những địa bàn bất lợi theo hướng kéo giãn thời gian ra cho trùng khớp với thời điểm có nước.

*Vấn đề đáng quan tâm nhất là làm thế nào để giải quyết “bài toán” thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô cho người dân Buôn Ma Thuột hiện nay, phía công ty đã có dự tính gì, thưa ông?

- Như tôi đã nói, so với nhu cầu sử dụng nước của người dân Buôn Ma Thuột hiện tại còn thiếu trên 10.000 m3/ngày đêm vào mùa khô. Lượng nước thiếu hụt này, trước mắt công ty cũng đã tính đến phương án lấy nguồn nước mặt từ hồ Ea Nhái (Krông Pak) và hồ Chua Cáp (xã Hòa Thắng) đưa về phục vụ. Phương án này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp có thẩm quyền và công ty cũng đang tiến hành lập dự án khả thi trình UBND tỉnh phê duyệt để xin vay vốn thực hiện trong năm tới. Về lâu dài, phải hướng đến nguồn nước dồi dào từ sông Sêrêpôk, chứ không thể thụ động và phụ thuộc vào sự thất thường của thiên nhiên được. Dăm bảy năm nữa, dân số Buôn Ma Thuột sẽ có chừng 1 triệu người và nhu cầu sử dụng nước sạch vào khoảng 120.000 m3/ngày đêm. Lúc đó hệ thống cấp nước hiện có (kể cả dự án lấy nước từ hai hồ tự nhiên như đã trình bày) cũng sẽ bất cập. Vì thế ý tưởng lấy nước từ sông Sêrêpôk chắc chắn sẽ là giải pháp khả thi nhất. Vấn đề còn lại là tìm đâu ra nguồn vốn khoảng 250 triệu USD để biến ý tưởng ấy thành hiện thực mới là điều quan trọng. Theo tôi, tỉnh nên có động thái xúc tiến  việc này  từ bây giờ với các bộ, ngành Trung ương để nhận được sự quan tâm, hỗ trợ cần thiết.

*Xin cảm ơn ông!

Đình Đối (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc