Nếu chỉ "đi một chân" để làm kinh tế…
An toàn thực phẩm, vốn được quan tâm thường nhật và càng trở nên “nóng” hơn khi năm hết tết đến. Bởi đây là thời điểm nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao, tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ thừa cơ trà trộn, len lỏi vào thị trường sẽ càng diễn biến phức tạp.
Nỗi lo của người nội trợ càng nhân lên nhất là năm nay, sau "cơn bão" dịch tả heo châu Phi của ngành chăn nuôi, nguồn cung thịt heo trong nước đang thiếu hụt trầm trọng, giá thịt tăng cao. Kéo theo đó là nhiều nguy cơ: Các đối tượng buôn lậu sẽ tăng cường vận chuyển thực phẩm như thịt, nội tạng… từ nước ngoài vào tiêu thụ tại thị trường nội địa; nếu thiếu kiểm soát thì có thể xảy ra tình trạng tái đàn, tăng đàn, xuất bán bằng mọi giá.
Để đủ “cầu” và tranh thủ kiếm lời, người tiêu dùng lo ngại gia tăng tình trạng canh tác, kinh doanh kiểu “heo hai chuồng, rau hai luống”, quay vòng sản xuất nhanh, bất chấp sức khỏe cộng đồng của các nhà “cung”. Có nghĩa “thượng đế” được “ưu ái” cho dùng những sản phẩm rau củ, chăn nuôi “hiện đại” hơn theo kiểu siêu tăng trưởng, ngậm no dư lượng thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật; còn người sản xuất cây nhà lá vườn làm được thì “chịu khó” ăn sau với chuồng trại, luống rau được trồng riêng theo cách “lạc hậu” hơn.
Vườn bưởi canh tác theo hướng hữu cơ của hộ anh Phạm Văn Trọng (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: M.Thuận |
Cùng với sự “nhập cuộc”, tham gia của các cấp, ngành chức năng, địa phương và cộng đồng, nhiều người tiêu dùng đã tự học, tự trang bị kiến thức, kinh nghiệm để chủ động tìm hiểu, lựa chọn những sản phẩm bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên cứ nhìn vào con số 1.254 chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn với 1.452 đầu sản phẩm được phân phối tại 3.500 địa điểm bán nông sản an toàn trên cả nước trong hai năm gần đây thì có thể thấy những con số này còn rất hạn chế.
Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc cơ hội để nhiều người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn là không lớn; vẫn còn "đất sống" để thực phẩm “bẩn” và kiểu làm ăn chộp giật “heo hai chuồng, rau hai luống” tồn tại. Minh chứng rõ nét là theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam vẫn có khoảng 150.000 ca mới mắc và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư, trong đó có nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bức xúc với cách làm ăn vô đạo đức ấy, ngoài những đề xuất mang tính vĩ mô như tăng hình thức xử phạt, hình sự hóa với những trường hợp vi phạm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt gây thương vong do mất vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều người đã lấy Zalo, Facebook… làm công cụ để tự xử lý đối với những hành vi này.
Chưa bàn đến tính chính xác của những thông tin trên mạng xã hội, hình thức này cũng là cách để “thượng đế” bày tỏ thái độ, hỗ trợ nhau làm người tiêu dùng thông minh hơn. Lợi nhuận chưa hẳn là tiêu chí đủ để đánh giá chỗ đứng, tài năng doanh nghiệp, sự giỏi giang của người sản xuất. Bởi khi chỉ nhăm nhăm thu lợi bằng mọi giá, bị "khuyết tật" về đạo đức, văn hóa kinh doanh, đáng thương thay họ mới chỉ "đi một chân" để làm kinh tế và sớm muộn cũng chẳng bao giờ bền vững.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc