Đầu tư, định vị xứng tầm cho nông nghiệp
09:30, 08/08/2020
Có một thực tế là mỗi khi đất nước rơi vào tình cảnh khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, thậm chí lâm nguy bởi chiến tranh thì kinh tế nông nghiệp vẫn luôn khẳng định là trụ đỡ quan trọng với vai trò bảo đảm an ninh lương thực thực phẩm.
Trong cán cân nền kinh tế, dù có những thời điểm mức đóng góp điểm phần trăm thấp hơn một số ngành nhưng khu vực nông nghiệp cũng ngày càng được định vị với năng suất, chất lượng và hiệu quả không ngừng được nâng cao, góp phần ổn định kinh tế, đời sống nông thôn, duy trì tốc độ tăng trưởng chung. Hiện nay, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ hai Đông Nam Á, thứ 15 trên thế giới với 10 nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ đô la Mỹ, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ đô la Mỹ.
Nông nghiệp đã từng bước khoác trên mình những chiếc áo mới để thích ứng với hội nhập kinh tế quốc tế. Đó là việc áp dụng các loại hình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp như: Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, mô hình kinh tế hộ; trong đó, các doanh nghiệp đang là “trụ cột”, là “đầu tàu” trong việc thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.
Người dân chăm sóc mô hình rau an toàn tại HTX rau Toàn Thịnh. Ảnh: N.Gia |
Hệ thống doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã hình thành với trên 50 nghìn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm cả sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản, các dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, trong đó khoảng 10.200 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, con số doanh nghiệp này hiện mới chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, trong đó riêng số doanh nghiệp nông lâm, thủy sản suốt một thời gian dài cũng không vượt lên được tỷ lệ 1%. Đặc biệt, hầu như không có doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào nông nghiệp.
Nông nghiệp còn nhiều tiềm năng và lợi thế. Cơ hội càng rộng mở khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), gọi tắt là Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Hiệp định thêm cú hích giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản mà Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Hiệu quả khai thác cơ hội cần được nhận thức ngay từ việc xác định mức độ đầu tư, định vị xứng tầm hơn nữa cho nông nghiệp - một trong những lĩnh vực vốn có nhiều rủi ro nên chưa đủ sức hấp dẫn được nhiều doanh nghiệp. Một chặng đường phát triển mới cũng bắt đầu với việc các địa phương đã và chuẩn bị tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Theo đó, trong định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng cần có sự tính toán, quyết nghị hợp lý để có đường hướng đầu tư, phát triển xứng tầm với lợi thế của nông nghiệp, không nhất thiết nơi nào cũng giống nơi nào, coi công nghiệp làm trọng, giảm tỷ trọng nông nghiệp.
Bởi trên thực tế đã có những địa phương không khai thác hết tài sản vô giá về nông nghiệp, dồn sức thu hút đầu tư phát triển kinh tế đô thị và tăng tỷ trọng công nghiệp vốn không phải là thế mạnh. Hậu quả là làm biến mất những vùng đất phì nhiêu, khai thác tận thu tài nguyên, tác động xấu đến môi trường, còn những khu, cụm công nghiệp thì èo ọp, kinh tế vẫn kém phát triển. "Bầu sữa" ngân sách thêm nặng gánh với những cách xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế thiếu hợp lý như thế!
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc