EVFTA và câu chuyện bảo vệ hàng Việt
12:34, 20/08/2020
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực đã mở ra cơ hội hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, hiệp định này cũng đặt ra thách thức rất lớn đối với sản xuất trong nước, đòi hỏi phải có những giải pháp cấp bách và lâu dài.
Trước hết, với việc EVFTA có hiệu lực, hàng loạt hàng hóa của Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, hàng hóa của EU khi vào thị trường Việt Nam cũng sẽ được hưởng những ưu đãi tương ứng theo lộ trình nhất định.
Điều này sẽ tạo áp lực rất lớn đối với sản xuất trong nước, nhất là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như giày da, may mặc và đặc biệt là nông – lâm – thủy sản khi phải chịu sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài. Thậm chí nếu không thích ứng phù hợp, kịp thời, viễn cảnh hàng Việt thất thế trên "sân nhà" là khó tránh khỏi.
Bởi ngay khi EVFTA chưa có hiệu lực thì theo thống kê của Bộ NN-PTNT, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả 7 tháng đầu năm 2020 đã lên đến 708 triệu USD. Đến lúc các nước EU gia nhập thị trường này, sức ép cạnh tranh đối với sản xuất trong nước sẽ lớn biết nhường nào khi rau quả ngoại "ồ ạt" vào Việt Nam.
Trong khi đó, với hàng sản xuất trong nước khi xuất khẩu lại đối mặt với “biện pháp kỹ thuật” mà các nước nhập khẩu đặt ra, bởi các nước sở tại cũng phải có biện pháp bảo vệ nền sản xuất của họ. Thực tế là khi hàng rào thuế quan dần được xóa bỏ, không còn là biện pháp hạn chế nhập khẩu thì các nước, nhất là những nước có thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU... cũng đã sử dụng “biện pháp kỹ thuật”. Mỗi năm, các thị trường này lại cập nhật thêm hàng loạt chất cấm mới và quy định tỷ lệ tồn dư của nhiều chất ngày càng thấp.
Xưởng sản xuất cà phê xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk. Ảnh minh họa: Đỗ Lan |
Một vấn đề khác cũng cần được quan tâm từ việc EVFTA có hiệu lực là khi hàng hóa có xuất xứ Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan vào thị trường EU sẽ tạo nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ để được hưởng những ưu đãi này. Do đó, nếu không kiểm soát được tình trạng ấy, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị mất uy tín, vi phạm các điều khoản mà EVFTA đề ra, dẫn đến bị kiện phòng vệ thương mại là điều khó tránh khỏi. Điều này cũng đã từng xảy ra trong thực tế khi nông sản Trung Quốc kém chất lượng tràn lan ngoài thị trường hoặc tình trạng "đội lốt" hàng Việt Nam diễn ra khá phổ biến.
Những vấn đề trên đòi hỏi việc nghiên cứu và xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ thị trường trong nước càng cấp thiết hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh mà việc xây dựng “hàng rào kỹ thuật” của chúng ta dường như còn khá chậm so với diễn biến thị trường và quá trình hội nhập.
Để làm được điều đó cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và cả người dân. Trước hết, các đơn vị sản xuất phải hướng đến những tiêu chuẩn cao nhất mà thị trường nhập khẩu đòi hỏi và thường xuyên cập nhật những tiêu chuẩn này để có sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tạo thế cạnh tranh về chất lượng, giá cả thành phẩm. Trong khi đó, việc nhập khẩu phải được kiểm soát, quản lý chặt chẽ và có những thang bậc tiêu chuẩn cụ thể.
Như thế có thể vừa hạn chế được sản phẩm kém chất lượng vào trong nước, gây “nhiễu loạn” thị trường, vừa tránh được tình trạng “tạm nhập – tái xuất” để “núp bóng” hàng Việt... Đó có thể xem là những biện pháp “phòng vệ thương mại” phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước mà không bị “điều chỉnh” bởi các hiệp định thương mại khi mà các thị trường nhập khẩu thường có xu hướng áp dụng những biện pháp bảo hộ như chống bán phá giá, chống trợ cấp… để bảo vệ sản xuất nội địa của họ.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc