10:16, 16/04/2010
LTS:
Báo Dak Lak số ra ngày 13-1-2010 đăng bài Hội Chữ thập đỏ cứu trợ gạo kém phẩm chất cho dân phản ánh việc gạo cứu trợ cho người dân huyện Krông Năng bị thiệt hại do cơn bão số 9-2009 của Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam kém phẩm chất, không sử dụng được... Liên quan đến vấn đề này, Hội CTĐ Dak Lak đã có công văn phản hồi đến Báo Dak Lak cho rằng “gạo nấu ăn được”. Ngay sau đó, Báo Dak Lak đã có bài viết Liên quan đến bài báo “Hội Chữ thập đỏ cứu trợ gạo kém phẩm chất cho dân”: Kiểm tra qua loa... kết luận thiếu khách quan!. Cùng với kết quả điều tra của phóng viên Báo Dak Lak, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cũng đã thành lập đoàn kiểm tra và có kết luận việc người dân phản ánh gạo kém chất lượng là có thật (Báo Dak Lak số ra thứ Tư, ngày 10-2-2010 đã thông tin). Tuy nhiên mới đây, Báo Dak Lak tiếp tục nhận được Công văn số 56/CTĐĐL-VP, ngày 24-3-2010 của Hội CTĐ Dak Lak về việc báo cáo kết quả kiểm định chất lượng gạo cứu trợ bão số 9. Để rộng đường dư luận, Báo Dak Lak lược đăng nội dung công văn này cùng các ý kiến phản hồi của người dân và cán bộ liên quan đến sự việc.
Công văn của Hội CTĐ Dak Lak Tháng 12-2009, được sự hỗ trợ của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam (từ nguồn của Hiệp hội CTĐ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế), Hội CTĐ Dak Lak tiếp nhận 200 tấn gạo (trong số 2.100 tấn gạo cấp cho 10 tỉnh) để cứu trợ nhân dân bị thiệt hại do cơn bão số 9-2009. Hội CTĐ tỉnh đã tiếp nhận, cấp phát 200 tấn gạo đến 19 xã của 4 huyện (gồm Krông Năng, M’Drak, Ea H’leo và Ea Súp). Tuy nhiên, sau khi triển khai cấp gạo được 20 ngày thì Hội CTĐ tỉnh nhận được thông tin từ Hội CTĐ huyện Krông Năng về việc “xã Phú Xuân phản ánh gạo cứu trợ bão số 9 nấu không chín, cơm có mùi hôi, không ăn được...”. Hội CTĐ tỉnh đã tổ chức đoàn đi thực tế kiểm tra gạo tại 3 xã Phú Xuân, Tam Giang và Ea Puk của huyện Krông Năng. Kết quả kiểm tra đã được Hội CTĐ tỉnh báo cáo tại văn bản số 07/BC-CTĐ ngày 11-1-2010. Sau khi nhận được báo cáo của Hội CTĐ tỉnh, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam đã thành lập đoàn kiểm tra chất lượng gạo tại huyện Krông Năng và đã lấy 21 mẫu gạo từ 21 gia đình hưởng lợi về kiểm định lại. Kết quả làm việc của đoàn đã được Hội CTĐ tỉnh báo cáo tại văn bản số 13/CTĐ-CTXH ngày 22-1-2010. Ngày 19-3-2010, Hội CTĐ tỉnh nhận được Công văn số 215/TƯHCTĐ-CTXH&QLTH của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam thông báo về kết quả kiểm định lại gạo cứu trợ tại huyện Krông Năng. Theo nội dung công văn, Trung ương Hội đã nhận được kết quả kiểm định 21 mẫu gạo từ 2 công ty (gồm FCC – Công ty kiểm định đã ký hợp đồng với Trung ương Hội kiểm định 2.100 tấn gạo và Công ty Intertek được Hiệp Hội CTĐ - Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế thuê kiểm định độc lập), qua kết quả kiểm định của 2 công ty cho thấy “chất lượng gạo được cấp phát vừa qua là bảo đảm chất lượng, đúng với tiêu chuẩn chất lượng gạo được Trung ương Hội CTĐ Việt Nam ký hợp đồng với Công ty Vilexm là loại gạo 25% tấm”. Với kết quả kiểm định trên cho thấy, việc một số báo, đài đăng tải thông tin gạo kém chất lượng là không chính xác. Chủ tịch: Lê Xuân Hồng |
Ý kiến của một số cán bộ và nhân dân huyện Krông Năng xung quanh chất lượng gạo cứu trợ:
Ông Quang Văn Lai, Chủ tịch Hội CTĐ xã Phú Xuân: Trước sau tôi vẫn khẳng định gạo này là kém chất lượng
Tôi cho rằng kết quả kiểm định của Trung ương Hội CTĐ là không khách quan. Bởi chất lượng theo tôi phải là 2 mặt, bên cạnh các tiêu chuẩn như tỷ lệ tạp chất, tấm... thì vấn đề cốt yếu nhất là gạo có ăn được hay không. Trong báo cáo kết quả kiểm tra của Hội CTĐ tỉnh hồi cuối tháng 1 vừa qua khẳng định là “gạo nấu ăn được”. Cho tôi hỏi: Gạo nào nấu chín mà không ăn được? Vấn đề là ăn như thế nào, có bảo đảm sức khỏe hay không. Ngày xưa người ta ăn rau rừng, củ rừng thì vẫn là ăn được đó thôi. Còn ăn được ở thời nay theo tôi là phải bảo đảm sức khỏe của cộng đồng, phải bảo đảm chất dinh dưỡng để tái tạo sức lao động. Trong khi đó gạo cứu trợ cho bà con vừa gặp nước đã nát thành bột thì làm sao nấu được thành cơm để ăn.
Chúng tôi là cán bộ ở cơ sở, sống với dân, vì dân phục vụ nên không thể làm ngơ, nói khác sự thật mà người dân phản ánh. Trước sau tôi vẫn khẳng định gạo này là kém chất lượng. Có đi đến Trung ương tôi vẫn nói thẳng quan điểm của mình là: việc kiểm tra, kiểm định chất lượng gạo như vậy là thiếu khách quan, không tôn trọng sự thật người dân phản ánh. Thậm chí tôi còn nghi ngờ họ đang có ý tưởng bảo vệ một điều gì đó... Một lần nữa tôi đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm sáng tỏ sự việc để trả lời dứt khoát cho người dân.
Ông Hồ Thân Hiếu, thôn Xuân Mỹ, xã Phú Xuân: Gạo không thể nào ăn nổi
|
|
Ngày xưa ông bà ta ăn củ mài, củ sắn vẫn sống được. Cho nên, nếu như nói gạo này không ăn được là điều vô lý. Thế nhưng ăn để bảo đảm chất lượng, ăn để lấy sức lao động thì gạo này không đạt yêu cầu. Nhận được gạo cứu trợ do thiên tai, gia đình tôi mừng và biết ơn lắm. Tuy nhiên, so với gạo bình thường thì gạo này không thể nào ăn nổi. Khi vo gạo bị nát nhiều và có trấu. Còn khi nấu, nếu đổ hơi ít nước thì cơm sống, nhiều nước một tí là nhão choẹt luôn. Hạt gạo sau khi nấu xong thì bên ngoài mềm nhưng bên trong cứng, ăn vào nhạt thếch, không có hương vị gì cả. Thực tế thì đoàn công tác của Hội CTĐ cũng đã về nhà tôi đong gạo nấu cơm ăn thử và cũng đã công nhận là gạo khó ăn, khi vo thì bị vỡ nát và có trấu. Theo kinh nghiệm làm nông của tôi thì gạo này đã được sấy khô lại sau khi bị thấm nước... Như vậy rõ ràng là chất lượng gạo kém.
Tôi vẫn biết rằng, gạo người ta cho thì không thể bằng gạo mình tự đi mua được. Thế nhưng không lẽ lại nói thẳng ra là người dân lấy gạo cứu trợ đem cho gà, cho lợn ăn?
|
|
Ông Trương Xuân Hải, Phó trưởng thôn Giang Mỹ, xã Tam Giang: Trả lời của Hội CTĐ là không chấp nhận được
Một lần nữa tôi khẳng định gạo cứu trợ cho người dân ăn không được là đúng thực tế! Tôi đã theo dõi và ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân trong thôn thì thấy ai cũng phản ánh gạo kém chất lượng, không ăn được. Mà người dân đã phản ánh là đúng chứ hoàn toàn không hề thêm bớt. Ngay cả gia đình tôi cũng nhận được 60 kg nhưng chỉ ăn có 2 lần rồi... thôi, bởi gạo nấu lên có mùi hôi mốc, gạo nấu không chín thành cơm, còn nếu nấu cho chín bên trong thì bên ngoài thành cháo!
Tôi cho rằng trả lời của Hội CTĐ cho rằng “gạo bảo đảm chất lượng” là không chấp nhận được. Sự việc được phát hiện đã lâu nhưng thử hỏi đã có ai dám về gặp dân, nói trực tiếp với dân chúng tôi là gạo bảo đảm chất lượng không. Chúng tôi không đủ trình độ và chức năng để đo đếm, kiểm định chất lượng gạo. Tuy nhiên, bằng giác quan của mình, tôi bảo đảm rằng chất lượng tinh bột, chất béo, lượng đường... trong số gạo này đã mất đi hết hơn 50% rồi. Theo tôi, Hội CTĐ cần phải nhìn nhận thực tế và tìm hiểu xem ai là người làm sai, sai ở đâu để trả lời cho dân biết. Còn việc đưa “hàng kém chất lượng” mà nói là “hàng thật” như thế này thì người dân không chấp nhận được!
Ông Lê Ngọc Ánh, Chủ tịch HĐND xã Phú Xuân: Tôi tin rằng dân đã nói là có
|
|
Gạo phát cho dân đã có danh sách hẳn hoi. Để làm sáng tỏ và trả lời chính xác về chất lượng gạo thì chỉ cần gặp dân, lắng nghe khách quan ý kiến phản ánh của người dân là rõ rồi. Như vậy mới là lấy dân làm gốc. Rất nhiều người dân đã phản ánh với tôi rằng: đong 4 lon gạo nhưng khi vo xong chỉ còn chừng 3 lon do nhiều hạt bị vỡ nát thành bột. Còn cơm nấu xong thì hạt chín hạt sống... So sánh phản ánh của người dân với Kết luận của Hội CTĐ là mâu thuẫn nhau hoàn toàn. Gạo không nấu được thành cơm là có!
Để làm rõ và chính xác những gì người dân phản ánh thì cần phải đi xác minh lại. Mặc dù trước đó đã có đoàn đi xác minh nhưng tôi thấy chưa bảo đảm khách quan. Những hộ đưa gạo xấu ra thì không quay phim, không lấu mẫu kiểm định mà chỉ lấy ở những bao gạo tốt. Làm cán bộ như vậy là chưa dân chủ, sai quan điểm. Tôi nói ví dụ, trong số 10 bao gạo chỉ có một bao kém chất lượng thì cũng phải nói đúng thực tế. Như vậy mới là khách quan, công tâm. Tôi tin rằng dân đã nói là có!
Việt Cường
(ghi)
Ý kiến bạn đọc