Multimedia Đọc Báo in

Dịch sốt xuất huyết ở Dak Lak: Vẫn diễn biến phức tạp

11:09, 27/08/2010

Đến thời điểm này, mặc dù ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp dập dịch, song dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn Dak Lak vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, thậm chí còn tăng nhanh. Đặc biệt, số trường hợp bệnh nhân SXH có biểu hiện nặng vẫn tiếp tục gia tăng…

 

Benh nhan SXH.JPG
Người bệnh sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột.

Theo số liệu thống kê của khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ ngày 1-8 đến ngày 24-8, số trẻ mắc SXH vào viện điều trị tại đây tăng đột biến, trong đó, bệnh nhân sốc SXH so với cùng kỳ năm trước tăng rõ rệt. Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Từ đầu tháng 8 đến nay, lượng bệnh nhân mắc SXH vào điều trị tại khoa chiếm từ 25-30% tổng số bệnh nhân, trong đó tỷ lệ SXH – Dengue có sốc luôn chiếm hơn 50%, thậm chí có những lúc lên đến 80% và chủ yếu là sốc SXH -Dengue độ III - IV. Cụ thể, từ 1- 8 đến 24 - 8, trong tổng số 106 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện điều trị có 20 trường hợp SXH – Dengue có sốc (16 ca độ III, 4 ca độ IV), tăng mạnh so với tháng 7 cả về số ca mắc lẫn số trường hợp SXH – Dengue có sốc (tháng 7, khoa Nhi tiếp nhận 52 ca SXH, trong đó chỉ có 7 trường hợp SXH – Dengue có sốc). Cũng theo bác sĩ Tuấn, bệnh nhân sốc SXH trong tháng 8 diễn biến khá nặng nề, tỷ lệ xảy ra sốc sớm cao (thường đầu ngày thứ 3 của bệnh đã vào sốc) và biểu hiện một số dấu hiệu rất nặng. Trong 20 ca sốc SXH điều trị tại khoa, có 4 trường hợp tái sốc, 14 trường hợp rối loạn đông máu, đặc biệt 100% ca bệnh đều bị tràn dịch đa màng.

Thông tin từ Sở Y tế cho thấy, đến ngày 22- 8, toàn tỉnh đã ghi nhận 2.388 trường hợp mắc SXH, trong đó, có 3 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân mắc SXH trên địa bàn tỉnh hiện đã tăng gấp trên 5 lần so với cùng kỳ năm 2009. TP. Buôn Ma Thuột vẫn là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất trong toàn tỉnh với 1.289 trường hợp, chiếm khoảng 60%. Kế đến là thị xã Buôn Hồ và các huyện Krông Buk, Cư M’gar. Theo bác sĩ Nguyễn Phi Tiến, Giám đốc Sở Y tế thì, thời tiết mưa nắng thất thường là nguyên nhân khiến cho bệnh SXH tiếp tục diễn biến phức tạp. Chính vì thế, để ngăn chặn dịch bệnh kéo dài, ngoài việc cấp kinh phí trên 2 tỷ đồng thực hiện công tác phòng chống SXH, UBND tỉnh còn chỉ đạo các địa phương tổ chức tổng vệ sinh môi trường diệt muỗi, diệt bọ gậy, đồng thời tổ chức lễ ra quân chiến dịch vệ sinh môi trường tại TP. Buôn Ma Thuột - một trong những địa bàn trọng điểm của SXH. Về phía ngành, Sở đã triển khai tập huấn phác đồ điều trị SXH cho cán bộ, y bác sĩ và tiến hành họp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về chẩn đoán điều trị cấp cứu các trường hợp SXH sốc nặng. Công tác truyền thông về phòng chống SXH cũng đã được thực hiện liên tục với các thông điệp “Không có bọ gậy, không có SXH”, “Khi bị SXH phải đến ngay cơ sở y tế”… nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh trong nhân dân.

 

Do số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tăng mạnh, tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, người bệnh phải nằm ghép 2 người trên một giường bệnh.

Mặc dù, công tác truyền thông về phòng chống SXH đã được đẩy mạnh, hơn nữa, ngành chức năng cũng đã phải tiến hành phun hóa chất tại một số địa bàn trọng điểm để phòng chống bọ gậy và muỗi. Song, điều đáng quan tâm là hiện vẫn có không ít người dân chưa thật chú ý đến công tác phòng chống dịch và coi đó là việc của riêng ngành Y tế. Việc người dân chưa tích cực phòng chống SXH chính là một trong những nguyên nhân khiến SXH lan rộng và kéo dài. Hiện nay thời tiết đang mùa mưa, là thời điểm muỗi sinh sôi nhanh dễ lây lan nguồn bệnh. Ngành Y tế đang tích cực phối hợp với các địa phương triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế dịch SXH trên địa bàn. Tuy vẫn là những biện pháp quen thuộc thường niên, song nếu người dân không tích cực tham gia thì dịch SXH vẫn còn diễn biến phức tạp.

Theo dự báo của ngành Y tế, bệnh SXH sẽ tiếp tục gia tăng trong các tháng của mùa mưa và cao điểm vào tháng 9 tới. Trước diễn biến phức tạp của dịch, bác sĩ Nguyễn Phi Tiến, Giám đốc Sở Y tế khuyến cáo người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh thông qua việc làm vệ sinh sạch sẽ môi trường sống của gia đình, loại bỏ những dụng cụ chứa nước không cần thiết để muỗi không có nơi sinh sản; khi ngủ phải nằm màn tránh muỗi đốt; trong trường hợp có nhiều muỗi nên mua thêm thuốc xịt muỗi để diệt muỗi; đặc biệt, khi có bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời… 

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc