Multimedia Đọc Báo in

Bộ Y tế ra thông báo chính thức về vấn đề bọ xít hút máu

08:58, 28/09/2010

Trước những thông tin về việc phát hiện bọ xít hút máu tại Việt Nam trong  thời gian gần đây, Bộ Y tế đã có thông báo chính thức về vấn đề này. Trong đó, Bộ Y tế khẳng định, loài bọ xít này đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu nhưng đến nay chưa phát hiện có sự lây truyền bệnh từ bọ xít sang người.

Theo báo cáo của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, hiện một số mẫu bọ xít thu thập ở các địa phương trong thời gian qua đã được các chuyên gia phân loại bọ xít của Viện Sinh thái-Tài nguyên sinh vật định loại là Triatoma rubrofassiata, khác với loài bọ xít Triatoma dimidiata phổ biến ở Trung Mỹ và loài Triatoma infestans phổ biến ở vùng Nam Mỹ (những loại có thể truyền bệnh Chagas - còn gọi là bệnh ngủ, bệnh lưu hành ở một số nước vùng Trung Mỹ và Nam Mỹ). Cho đến nay, chưa có tài liệu nào công bố có bệnh Chagas ở Việt Nam. Đồng thời, chưa có tài liệu nào công bố giống bọ xít Triatoma tại Việt Nam có khả năng truyền bệnh Chagas.

 

Hình ảnh về loài bọ xít hút máu thu được tại các địa phương. Ảnh: TL

Được biết, trước đó, thông tin về việc phát hiện loài bọ xít hút máu người tại Hà Nội và Đà Nẵng từ cuối tháng 6-2010 đã nhanh chóng lan ra khiến không ít người dân hoang mang. Tiếp theo đó, một loạt các địa phương khác cũng phát hiện có ổ bọ xít hút máu người như: Vĩnh Phúc, TP. HCM, Thừa Thiên - Huế lại càng dấy lên mối lo ngại của người dân. Ngay tại Hà Nội, trong tháng 9, các cơ quan chức năng đã phát hiện 2 ổ bọ xít lớn tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm với số lượng lên đến hàng nghìn con và có khả năng đã phát tán ra khu vực xung quanh. Tại TP. Hồ Chí Minh một ổ bọ xít mới cũng đã được phát hiện tại một nhà dân ở phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú. Mới đây nhất, trên địa bàn thành phố Huế và hai huyện Phú Lộc, Phú Vang của tỉnh Thừa Thiên - Huế, người dân đã phát hiện loài bọ xít hút máu này và báo với cơ quan chức năng. Ngay sau khi nhận được thông tin của người dân, Trung tâm Phòng chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trực tiếp kiểm tra và xác định, có 5 người đã bị bọ xít đốt. Sau khi tư vấn cách sát trùng vết thương, dùng thuốc chống dị ứng, Trung tâm đã tiến hành xét nghiệm máu của người bị bọ xít đốt, tuy nhiên, không phát hiện ký sinh trùng.

Trước việc bọ xít hút máu xuất hiện ngày càng nhiều ở các địa phương, cơ quan chức năng cũng đã khuyến cáo người dân phải thường xuyên dọn vệ sinh nhà cửa, các nơi mà bọ xít có thể trú ẩn như nhà bếp, khu vệ sinh, các khe tủ, khe cửa, chỗ có vết nứt. Khi phát hiện bọ xít thì tiêu diệt bằng biện pháp cơ học.

K.O (nguồn SK&ĐS)


Ý kiến bạn đọc