Bi hài chuyện thuê nhân công mùa hái cà phê
Cà phê đang bước vào chín rộ phải thu hoạch, trong khi đó nhân công lại khan hiếm, cộng thêm tâm lý lo sợ bị mất trộm khiến những hộ nông dân có thuê nhân công ở tháng phải… nhún mình, chiều theo mọi “yêu sách” của người làm. Nhiều câu chuyện bi, hài cười ra nước mắt xung quanh mối quan hệ gia chủ – người làm trong mùa hái cà phê…
Có hơn 1,5 ha cà phê, nằm trong khu vực an ninh không tốt, thường xảy ra mất trộm nên ngay từ đầu vụ, bà Nguyễn Thị Báu (ở thôn 3, xã Hòa Thuận TP. Buôn Ma Thuột) đã phải bôn ba chạy ngược chạy xuôi kiếm 2 nhân công từ Phú Yên vào ăn ở tại nhà để phụ thu hoạch. Chưa kịp mừng vì gọi được công, lại là 2 thanh niên trai tráng, khỏe mạnh thì bà đã phải đối mặt với những yêu sách mà họ đưa ra. Một người tên Tuấn yêu cầu ngoài việc bố trí chỗ ngủ, nghỉ thoải mái thì sau mỗi ngày làm việc phải được “giải mỏi” bằng một vài chai… bia. Dù không hài lòng trước đòi hỏi thái quá, có phần vô lý này của người làm, nhưng vì không kêu được nhân công khác nên bà cũng đành “bấm bụng” chiều theo. Sau một tuần đáp ứng nhu cầu tốn kém trên, bà “góp ý” chuyển qua rượu thì cậu ta nhất định không chịu, với lý do là “uống rượu mệt lắm!” và đề nghị chủ nhà phải ứng tiền trước để được uống theo sở thích. “Tưởng đã chiều như vậy rồi thì nó sẽ chịu làm, ai ngờ nó lại càng dở chứng, cứ tối uống xong sáng mai lại kêu mệt không chịu đi làm. Vậy mà cứ tối đến thì đi uống cả đêm, có khi 2 ngày cũng không chịu về nhà, coi nhà tui như là chỗ trọ cho nó tắm giặt. Chỉ làm được hơn một tháng thì tui phải… đầu hàng, thanh toán tiền nong và cho nghỉ việc. Ấy vậy mà hên, bởi vì có nhà ở thôn 6 kêu làm, nó ở được một hai ngày thì đã lấy trộm điện thoại của chủ làm “kỷ niệm” rồi đi theo đoàn lô tô mất biệt tăm dạng”, bà Báu nói.
Có 5 nhân công ăn ở trong nhà, ông Nguyễn Ngọc Anh cũng đang phải đau đầu với bệnh “đỏng đảnh, làm giá” của người làm thuê. Nóng lòng khi thấy cà phê chín rụng đỏ gốc nên dù trời mưa ông cũng năn nỉ người làm ra rẫy, bản thân ông cùng con trai đội mưa cùng làm, nhưng có một cậu do trước đó ông không đồng ý tăng tiền thuê nên cứ một mực đòi ở nhà với lý do “dầm mưa dễ bị đau lắm!”. “Vậy mà chiều về thì đã thấy cậu ta đang đàn đúm, tổ chức nhậu nhẹt cùng hàng chục người làm khác, nhẹ nhàng góp ý không đi làm thì thôi, chứ nhậu vô lỡ đau chủ lại phải lo thì nó bất mãn ra mặt, kêu chủ khó tính. Chịu hết nổi, gia đình đành phải mời nó đi cho”, anh Cường, con ông lắc đầu ngao ngán. Có trong tay tới 4,5 ha cà phê, nên anh Võ Hồng Hải phải mướn 8 nhân công để thu hoạch. Rút kinh nghiệm của những năm trước, năm nay anh nhận toàn những người mới đi làm lần đầu cho dễ quản lý. Để người làm yên tâm, anh đã chuẩn bị chu đáo mọi thứ từ chỗ ăn, nghỉ đến tắm giặt… với mục đích cho họ biết rằng gia chủ không có tư tưởng phân biệt đối xử với người làm. Còn vợ anh từ mờ sáng đã phải đi chợ, chuẩn bị cơm nước, phải “lo cho họ ăn trước khi lo cho con ” để còn kịp vào rẫy. Tưởng đã đối xử tốt như vậy rồi, họ sẽ chăm chỉ làm việc, ai ngờ chỉ mới được một thời gian, nhân cơ hội trời đổ mưa liên tục một tuần thì cả bọn đồng loạt “đình công”, không chịu đi làm. “Mà chúng có chịu ngồi yên xem ti vi đâu, cả bọn vòi chủ tiền bằng được để mua rượu uống cho “đỡ nhớ nhà”. Biết tỏng “âm mưu” của người làm là muốn đi qua nhà khác vì bị lôi kéo bởi lời hứa hẹn hấp dẫn “lương cao, làm nghỉ sớm” của “cò” nhân công, nên anh vội vàng sai vợ “bày tiệc”. Vậy là phải vừa tốn của vừa tốn công hầu hạ chúng. Thật là oái ăm khi từ vị trí người chủ, tôi bỗng bị “hoán đổi” thành người… phục vụ. Đó là chưa kể cứ mỗi ngày chúng ở nhà, tính tiền công cán “đi đứt” một triệu bạc”, anh Hải than thở.
Nhân công mùa vụ tại nhà anh Võ Hồng Hải. |
Cũng lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười như anh Hải, anh Nguyễn Đức Duy có 2,5 ha cà phê, thuê 4 nhân công ở. Không đòi hỏi chuyện ăn uống ngủ nghỉ như những nhà khác, người làm của anh tỏ vẻ rất “hiền”, có điều hằng ngày, khi ra rẫy thì cứ thong thả, túc tắc làm, chưa tới 4 rưỡi chiều đã “nhấp nha nhấp nhổm” đòi về, trung bình mỗi công hái một ngày chỉ được 2 bao, mặc cho chủ kêu la hối thúc. “Cà phê 2,5 ha mà hái kiểu này chắc đến tết mới xong quá. Vậy đó nhưng vẫn phải nhẫn nhịn, không dám nặng lời, bởi họ đi ở nhà khác thì mình chỉ có… chết. Vì vậy tôi chỉ còn biết xuống nước năn nỉ, động viên ai làm nhiệt tình, khi thanh toán tiền sẽ thưởng thêm vài trăm ngàn đồng”, anh Duy thổ lộ.
Theo thống kê, cứ đến thời điểm thu hoạch cà phê hằng năm có đến hàng ngàn lao động thời vụ từ các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định và cả một số tỉnh phía bắc tranh thủ thời gian nhàn rỗi công việc đồng áng đến Dak Lak tìm việc làm, kiếm thêm thu nhập. Theo tính toán của người làm cà phê, cứ trung bình một ha cà phê thì cần 4 nhân công thu hoạch trong thời gian một tháng (nếu thời tiết thuận lợi). Với giá trung bình 2 triệu đồng/tháng/người như hiện nay, chưa kể khoản tiền ăn thêm 1 triệu/tháng/người thì sau một vụ mùa tiền thuê nhân công phải thanh toán lên đến 12 triệu đồng. Trung bình 1 ha cà phê cho sản lượng 3 tấn nhân, thì chi phí này đã chiếm khoảng 2/10 tổng giá trị cà phê bán ra (trong điều kiện cà phê giữ mức giá 35.000 đồng/kg). Không như những mùa trước, niên vụ cà phê 2010 - 2011 nhân công trở nên khan hiếm, các chủ hộ buộc phải đẩy giá thuê lên trên 2 triệu đồng/tháng, bao ăn ở, đặc biệt có những địa phương do cạnh tranh người làm đã nâng mức giá cao chóng mặt, lên đến 3 triệu đồng/tháng như Cư M’gar… nhưng vẫn phải “đỏ mắt” tìm người làm. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều “cò” nhân công bỏ thời gian, công sức ra “lùng” nhân công, sau đó nếu ai có nhu cầu thì liên hệ, với giá “cò” mỗi nhân công là 100 ngàn đồng, theo kiểu “may nhờ rủi chịu”, người làm tốt chủ được lợi, người làm dở chủ cũng đành phải “ôm” lại, không được đòi đổi lính. Quá khổ với việc phải “chịu đựng” người làm thuê, nhiều hộ chọn phương án thuê xe về tận quê có người quen hoặc bà con, hợp đồng lao động chở vào làm. Sau vụ thu hoạch thanh toán tiền nong đầy đủ, cho xe đưa về và không quên giữ lại địa chỉ, điện thoại liên lạc để sang năm lại ra đón. Còn một số hộ khác thì chọn phương án thuê công nhật. “Dù giá có cao, từ 100 - 120 ngàn đồng/ngày, bao ăn nhưng họ làm rất nhiệt tình, trách nhiệm. chứ thuê nhân công tháng vừa phức tạp vừa nơm nớp lo đang hái dở chừng chúng lại bỏ đi thì chủ chỉ có biết… khóc!”, bà Báu nghiệm.
Ý kiến bạn đọc