Multimedia Đọc Báo in

Bạn đọc viết

Sống chung với… bụi

10:45, 27/03/2011

Hàng chục năm nay, từ khi Nhà máy phân vi sinh Thiên Phúc đi vào hoạt động, nhiều hộ dân thôn Ko H’neh, xã Cuôr Đăng (Cư M’gar) đã phải sống chung với… bụi. Nhà ở đây gần như phải đóng cửa cả ngày lẫn đêm vì sợ bụi đất, trộn lẫn những tạp phẩm bốc mùi khó chịu bay vào.

Anh Nguyễn Thanh Hùng, tổ 4, thôn Ko H’neh cho biết: “Hằng ngày, có hàng chục chuyến ô tô chở đất bùn từ các nơi về nhà máy phân vi sinh Thiên Phúc khiến bụi đất bay mù mịt. Nơi để đất là một sân rộng khoảng vài héc-ta, khối lượng đất được công ty vận chuyển về đổ chất đống cao như núi và phơi lộ thiên. Khi đất khô, công ty dùng máy xay ngay tại chỗ và hệ thống dây chuyền chuyển đất lên cao hàng chục mét. Các núi đất này khi gặp gió thì bốc bụi mù mịt khiến các hộ dân sống bên đường lãnh đủ. Nhà tôi phải đóng cửa cả ngày mà bụi vẫn bám đầy”. Vừa nói anh Hùng vừa chỉ vào các khung cửa đã đóng kín mít, bám đầy lớp bụi có màu đất xám. Còn bà Lê Thị Bảy thì ngày nào cũng phải xịt nước liên tục để rửa sạch bụi trên những luống rau trồng sau nhà. Bà rất bức xúc: “Gia đình tôi mới xây được căn nhà cấp 4 khang trang, tường xây, cửa kín nhưng vẫn phải đóng chặt cửa suốt ngày để bụi và phân không bay vào. Ngày nào tôi cũng phải quét dọn hàng chục lần, quét lớp bụi trước chưa xong, lớp sau đã bám xuống, đồ đạc trong nhà nhuộm một màu đất. Tôi cũng không dám cho hai cháu bé mới 17 tháng tuổi và 9 tháng tuổi ra ngoài hóng nắng vì sợ bụi. Thậm chí, vào mùa gió, bụi mù mịt khiến quần áo giặt xong phải phơi trong nhà dù ngoài trời nắng đến 30 độ C”.

Khói bụi mù mịt bốc lên từ những cỗ máy trộn hóa chất và sân phơi nguyên liệu.
Khói bụi mù mịt bốc lên từ những cỗ máy trộn hóa chất và sân phơi nguyên liệu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Hiển, Trưởng thôn Ko H’neh cho biết: “Đã nhiều lần thôn họp dân, phản ánh với lãnh đạo Công ty, làm đơn gửi khắp nơi nhưng mọi chuyện vẫn không được cải thiện. Lần nào thôn cử người đến gặp lãnh đạo công ty thì giám đốc đều đi… vắng, phó giám đốc cũng không có mặt”. Quả thật, theo tìm hiểu của chúng tôi, Nhà máy phân vi sinh Thiên Phúc hầu như không có biện pháp nào để bảo đảm vệ sinh môi trường ở khu vực xung quanh, ngoại trừ việc phun nước để làm giảm thiểu mật độ bùn đất bay lên. Trong khi đó, ngay sát tường rào của Nhà máy là một trường học với hàng nghìn học sinh phải “lãnh đủ” hậu quả của tình trạng ô nhiễm.

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần có biện pháp xử lý tình trạng gây ô nhiễm môi trường của Nhà máy phân vi sinh Thiên Phúc để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống xung quanh.

 

Nguyễn Thanh Sơn

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.