Multimedia Đọc Báo in

Chất tạo nạc - “gậy ông đập lưng ông”

08:34, 04/04/2012

Tuy các ngành chức năng chưa phát hiện việc buôn bán, sử dụng chất “tạo nạc” trên địa bàn Dak Lak, nhưng những thông tin chung quanh vấn đề này đã làm chao đảo thị trường mua, bán thịt heo trong tỉnh những ngày qua. Việc người tiêu dùng quay lưng đối với thịt heo đã cho thấy một phản ứng quyết liệt trước vấn đề không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Người tiêu dùng e ngại khi phải dùng thịt heo.

Chưa khẳng định có chất tạo nạc trên thị trường

Từ ngày 22 đến 30-3, thực hiện Công văn 197/CN-TĂCN của Cục Chăn nuôi, Chi cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm – Thủy sản (Sở NN&PTNT) đã tiến hành kiểm tra, giám sát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi những địa phương có quy mô đàn heo khá lớn trên địa bàn tỉnh như các huyện Ea Kar, Krông Pak, Cư Kuin, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột nhằm phát hiện, ngăn chặn xử lý kịp thời các chất cấm thuộc nhóm Beta-Agonist sử dụng trong thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y. Tại một số địa phương, đoàn kiểm tra đã phát hiện một số sản phẩm có tác dụng “kích thích để heo giảm béo, nở mông, nở vai, nạc nhiều” không rõ nguồn gốc. Chẳng hạn tại đại lý thức ăn gia súc Duyên Dương (huyện Ea Kar), đoàn kiểm tra đã phát hiện 2 gói nhãn hiệu Lysin Vitamin có tác dụng “tạo nạc, bung đùi, nở vai” không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có trong danh mục thuốc thú y. Ông Phương Kim Dương, chủ đại lý Duyên Dương, cho biết, hai gói thuốc trên được một bạn hàng gửi nhờ ông chào hàng đến người chăn nuôi, nhưng ông chưa bán. Ông khẳng định, bản thân gia đình ông cũng có trang trại nuôi heo, nhưng cũng chưa sử dụng vì chưa hiểu rõ tác dụng của sản phẩm này… Còn khi tiếp xúc một số cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, các chủ cửa hàng đều cả quyết “không có bán” khi chúng tôi dò hỏi về chất “tạo nạc”. Thậm chí họ còn tư vấn, muốn heo nạc nhiều chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp chứ thuốc “tạo nạc” hiện nay không có. Có thể do vụ việc chất “tạo nạc” đã bị phanh phui nên các chủ cửa hàng “ém hàng”, không dám bày bán công khai. Cũng có thể, sau khi lực lượng chức năng vào cuộc, tổ chức vận động, tuyên truyền nên việc mua bán chất cấm không còn. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng - Nông - Lâm - Thủy sản Đặng Ngọc Luyện, đến nay đoàn kiểm tra vẫn chưa phát hiện việc sử dụng, mua bán chất “tạo nạc” trên địa bàn tỉnh. Khi tiến hành kiểm tra các cửa hàng thuốc thú y, vật tư, thức ăn chăn nuôi, các trang trại nuôi heo trong tỉnh, khi nghi ngờ thì gửi mẫu xét nghiệm tại TP. Hồ Chí Minh và sẽ có thông báo rộng rãi đến người dân khi có kết quả...

Thị trường thịt heo điêu đứng

Có thể nói , thực tế thịt heo có chất “tạo nạc” là chỉ nghe dư luận xôn xao chứ chưa thấy xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng  người tiêu dùng đã quay lưng với thịt heo, người chăn nuôi và tư thương “dở khóc dở mếu” vì thị trường ế ẩm, heo rớt giá thảm hại. Ngoài lý do phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe, việc người tiêu dùng không thể phân biệt đâu là thịt an toàn đâu là thịt nguy hại cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường thịt heo khá ảm đạm. Anh Đào Đình Sỹ, chủ trang trại heo Sỹ Huệ (xã Ea Tyh, huyện Ea Kar) cho hay, do tác động của thông tin về chất “tạo nạc” nên giá heo xuất chuồng đã giảm đáng kể. Chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, giá heo xuất chuồng đã giảm từ 53 nghìn đồng/kg heo hơi xuống còn 49 nghìn đồng/kg heo hơi. Đó là ở những trang trại lớn, có quy mô và uy tín thì còn xuất được, còn tại một số trang trại nhỏ thì rất khó bán, hoặc bán được với giá khá thấp. Thông tin thịt heo có sử dụng chất “tạo nạc” cũng đã khiến cho không ít tiểu thương phải dở khóc dở cười với lượng thịt bị tồn đọng lại trong ngày. Tại chợ trung tâm thị xã Buôn Hồ hiện có gần 50 quầy hàng bán thịt heo, nhưng lượng thịt bán ra đã giảm đáng kể. Người tiêu dùng chuyển sang các loại thực phẩm khác như tôm, cá, gà, vịt…nên số lượng thịt heo tiêu thụ tại chợ giảm còn 40 - 50% so với trước. Chị Phan Thị Kim Anh, một tiểu thương có quầy hàng thuộc dạng lớn tại chợ Buôn Hồ cho biết, trước đây, mỗi ngày bà bán được hơn 50 kg thịt heo, nhưng nay khối lượng bán được chỉ chưa đầy 30 kg. Giá thịt heo thành phẩm cũng “rớt” thảm hại, giảm từ 8.000 – 15.000 đồng/kg.

Việc sử dụng chất “tạo nạc” trong chăn nuôi đã dấy lên sự lo ngại về việc sử dụng thịt heo những ngày qua là phản ứng chính đáng của người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tâm lý e ngại, không dám dùng thịt heo do không xác định được “thật, giả” là tâm lý chung của người nội trợ. Trong khi đó, các tiểu thương cũng đã “thấm” với những thiệt hại do sự việc gây ra. Bằng kinh nghiệm và nhận thức về sức khỏe của cộng đồng, hầu hết các tiểu thương cũng đã tẩy chay với nguồn thịt không rõ nguồn gốc.

Có thể nói, đây lại là một bài học nữa về đạo đức trong sản xuất kinh doanh nói chung, đối với người chăn nuôi nói riêng. Không nên vì lợi ích trước mắt mà bất chấp cả sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Bởi khi người tiêu dùng đã quay lưng lại với sản phẩm làm ra thì hậu quả phải nhận sẽ chính là những người gây ra sự việc đó.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc