Multimedia Đọc Báo in

Gian nan công tác bảo vệ động vật hoang dã

09:02, 28/12/2018

Với nhu cầu thị trường lớn, giá bán cao, nhiều loài động vật hoang dã (ĐVHD) đang bị săn bắt tràn lan khiến số lượng giảm sút nghiêm trọng, nhiều loài đã và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh hiện có 505.076,5 ha rừng, trong đó có 461.384,5 ha rừng tự nhiên, 43.692 ha rừng trồng, có 6 vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Trong đó, có nhiều diện tích rừng giàu, có giá trị cao về đa dạng sinh học - là nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm như hổ, beo lửa, bò tót, bò rừng, voi…

Tuy nhiên, trong những năm qua, do tác động của con người đã làm suy giảm diện tích, chất lượng rừng; tình trạng săn bắn, mua bán ĐVHD và các sản phẩm liên quan gia tăng khiến số lượng đông cá thể ĐVHD suy giảm, một số loài đã và đang bên bờ vực tuyệt chủng.

Tại Vườn Quốc gia Yok Đôn, nơi có nhiều loài thú quý hiếm đang sinh sống, đặc biệt là nơi những đàn voi hoang dã còn sót vẫn thường xuyên đối mặt với nạn săn bắn trái phép. Trong đó, bọn săn trộm chủ yếu sử dụng bẫy đặt khắp nơi trong rừng để bắt các loài ĐVHD. Mỗi loại bẫy có những tính năng riêng, dùng để bẫy những loài thú riêng, nhưng tất cả đều có tính sát thương rất cao, khi vướng vào bẫy thì các loài thú khó lòng thoát ra được.

“Trong khi đi tuần tra, các kiểm lâm phải thường xuyên kiểm tra các khu vực thú rừng thường tụ tập tìm kiếm thức ăn, nước uống để tháo gỡ bẫy. Năm nào, vườn cũng tháo gỡ và thu giữ hàng trăm chiếc bẫy thú rừng các loại. Đây thực sự là mối nguy hiểm cho các loại động vật trong rừng, gây ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học của Vườn”, ông Phạm Tuấn Linh, Phó Giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Yok Đôn chia sẻ.

Voi Jun bị vướng bẫy ở chân từ năm 2015 đến nay vẫn chưa lành hẳn.
Voi Jun bị vướng bẫy ở chân từ năm 2015 đến nay vẫn chưa lành hẳn.
 

“Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật về bảo vệ các loài ĐVHD; vận động những hộ đang nuôi nhốt các loài ĐVHD quý hiếm tự nguyện giao nộp cho nhà nước; tổ chức cứu hộ và thả ĐVHD vào tự nhiên; ký cam kết với các quán ăn, nhà hàng không giết thịt, chế biến ĐVHD…”.

 
 
Ông Y Sy H’Dơh - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh

Ngoài ra, bọn săn trộm ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Tính từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin đã bị bọn săn trộm sử dụng súng tự chế và súng quân dụng tấn công hai lần, làm hai nhân viên kiểm lâm bị thương nặng. “Trước đây phát hiện thấy kiểm lâm là bọn săn trộm quăng súng bỏ chạy, nhưng gần đây khi chạm trán với lực lượng chức năng, chúng sẵn sàng xả súng chống trả, gây nguy hiểm đến tính mạng của lực lượng giữ rừng”, ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin lo lắng

Chia sẻ về vấn đền này tại sự kiện Hưởng ứng Ngày Thế giới Bảo tồn các loài hoang dã do Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) tổ chức vào đầu tháng 12-2018, ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) cho rằng thú rừng bị săn bắn ở các cánh rừng tự nhiên ở Đắk Lắk hiện không chỉ cung cấp cho nhu cầu tại địa phương mà còn bán ra các địa phương khác. Theo ông, có hai nguyên nhân chính đang đe dọa đến các loài ĐVHD đó là môi trường sống của chúng đang ngày càng bị thu hẹp, mà nhu cầu sử dụng ĐVHD và các sản phẩm của chúng ngày càng tăng. “Chúng ta cần tập trung nhiều giải pháp để ngăn chặn nhu cầu sử dụng ĐVHD và các sản phẩm từ chúng mới giảm thiểu được các tác động xấu đối với các loài ĐVHD ngoài tự nhiên. Nếu không, dù có tăng cường thêm gấp 5 -10 lần số lượng kiểm lâm cũng khó mà bảo vệ được các loài ĐVHD. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng sẽ giữ vững và phát triển được sinh cảnh, môi trường sống cho chúng”, ông Tùng nhấn mạnh.

Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô tháo gỡ một chiếc bẫy rùa.
Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô tháo gỡ một chiếc bẫy rùa.

Theo Chi cục Kiểm lâm, trong những năm qua lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn nạn săn bắn và buôn bán ĐVHD và các sản phẩm từ chúng. Cụ thể, chỉ tính từ năm 2014 đến tháng 10-2018, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 8.173 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 5.157 phương tiện, 13.564 m3 gỗ các loại, 201 cá thể và hơn 1,2 tấn ĐVHD.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.