Cần lắm một đường dây điện an toàn!
Thôn Xuân Đạt (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) cách trụ sở UBND xã hơn 3 km, cách Tỉnh lộ 3 khoảng 1,5 km, được thành lập từ năm 1997, hiện nay có khoảng 70 hộ với trên 200 nhân khẩu.
Khoảng năm 2000, vì nhu cầu sử dụng điện, nhiều hộ dân nơi đây đã đóng góp tiền để tự kéo điện từ các thôn lân cận về sử dụng. Do đường điện tự phát, thời gian sử dụng quá lâu nên dây điện đã bị xuống cấp, mất an toàn và không bảo đảm điện áp. Mặc dù tình trạng này đã diễn ra khá lâu, nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có phương án cung cấp điện bảo đảm an toàn cho người dân.
Theo quan sát, đường dây điện tại thôn này đi luồn lách, chằng chịt qua các ngôi nhà, vườn cây trông rất nguy hiểm. Để tránh những bất trắc có thể xảy ra, nhiều hộ phải dùng cây tre, gỗ chống dây điện lên hoặc gác lên các thân cây sống. Có nhiều đoạn, dây điện lại chạy dài trên mặt đất. Đáng chú ý là thời điểm này đang bước vào mùa mưa, việc rò rỉ đường dây có thể gây giật điện, nguy hiểm cho tính mạng của người dân. Bên cạnh đó, người dân còn chịu nhiều thiệt thòi về kinh tế vì việc tự kéo đường dây, tự lắp đặt đồng hồ kém chất lượng mua trôi nổi trên thị trường gây thất thoát điện năng, số tiền phải trải cao gấp đôi, gấp ba lần so với nơi khác.
Đường dây điện sà xuống nằm trên cành cà phê, cây hồ tiêu trong rẫy người dân tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. |
Ông Nguyễn Văn Hải - một hộ dân trong thôn cho biết, nhà ông cũng như nhiều hộ dân nơi đây phải tự kéo đường dây điện dài 2 - 3 km từ trụ điện chính ở thôn 7 và thôn 13 về nhà. Những hộ dân ở đầu đường điện thì còn có thể coi tivi, nấu cơm hoặc bơm nước vào đêm khuya được, còn riêng nhà ông điện rất yếu, nồi cơm điện mua cả năm nhưng ít khi dùng đến. Cùng chung cảnh ngộ, ông Vũ Văn Thắng than thở: “Người dân chúng tôi ở đây lo bị điện giật lắm. Người lớn thì còn biết cách phòng tránh, nhưng với trẻ con rất nguy hiểm. Đã nhiều lần người dân chúng tôi gửi đơn lên các cơ quan chức năng, ngành Điện cầu cứu để được thay thế lại đường dây điện nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục".
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân Trần Duy Hoan thừa nhận, việc người dân thôn Xuân Đạt phản ánh tình trạng mất an toàn điện là đúng sự thật. Địa phương đã nhận được phản ánh của người dân và đã gửi văn bản đề nghị các cấp có thẩm quyền khắc phục và thay thế đường dây điện xuống cấp, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Có nhiều đoạn đường điện nằm dưới đất, khiến nhiều người lo sợ điện giật. |
Theo ông Nguyễn Thanh Sang, Giám đốc Điện lực Krông Năng, thôn Xuân Đạt hiện đang nằm trong Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia của tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2015 - 2020 do Sở Công thương làm chủ đầu tư, Công ty Điện lực Đắk Lắk là đơn vị tiếp nhận thực hiện. Thời gian tới, đơn vị sẽ có phương án bảo đảm an toàn cho bà con. Còn việc tiền điện cao như người dân phản ánh thì có nhiều nguyên nhân, do đường dây điện kéo dài gây thất thoát điện hoặc do đồng hồ người dân tự mua trôi nổi trên thị trường không bảo đảm chất lượng, không được kiểm định...
Một trong 19 tiêu chí để xã đạt chuẩn nông thôn mới là phải có ít nhất 99% hộ dân được sử dụng điện an toàn. Song với một xã đã về đích nông thôn mới như Phú Xuân, việc để người dân sử dụng điện không an toàn là câu chuyện đáng buồn. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng sớm có phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân trước những rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nguyễn Thế
Ý kiến bạn đọc