Xe dù tung hoành, xe buýt "thoi thóp"! (Kỳ 2)
[links(left)]
Kỳ 2: Tương lai nào cho xe buýt?
Đắk Lắk là một trong những địa phương đi đầu, thực hiện tốt công tác xã hội hóa dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, nhiều doanh nghiệp vận tải bằng xe buýt đang “chết dần chết mòn”, thậm chí ngừng hoạt động do làm ăn thua lỗ.
Xe buýt hoạt động cầm chừng
Năm 2005, hình thức xã hội hóa hoạt động xe buýt trên địa bàn tỉnh bắt đầu hình thành. Theo đó, một số doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phương tiện xe buýt, không cần trợ giá, trợ cước từ ngân sách tỉnh. Đến nay, 100% phương tiện xe buýt trên địa bàn tỉnh đều từ nguồn vốn của doanh nghiệp, xã viên ở các hợp tác xã (HTX) vận tải. Theo thống kê, toàn tỉnh có 206 xe buýt, hoạt động trên 29 tuyến từ Buôn Ma Thuột đi các huyện, thị xã, thành phố và một số huyện của tỉnh Đắk Nông. Trong những năm qua, hoạt động vận tải bằng xe buýt đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhất là học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, 3 năm gần đây, khi dịch vụ ô tô gia đình nở rộ thì lượng khách trên các tuyến xe buýt sụt giảm trầm trọng, tuyến ít từ 35%, tuyến nhiều giảm 50% lượng khách so với trước đây. Ông Phạm Văn Mạnh, Giám đốc HTX Vận tải hành khách và hàng hóa Cư Mil (huyện Ea Súp) cho biết, đơn vị có 20 phương tiện hoạt động trên tuyến TP. Buôn Ma Thuột – Buôn Đôn – Ea Súp. Vào ngày thường, tỷ lệ lấp đầy ghế ngồi cao nhất được 60%, còn lại dao động từ 30 – 40%. Từ năm 2017 đến nay, xe gia đình phát triển ồ ạt, phần lớn lượng khách ở các điểm đón khách của xe buýt đều bị xe dịch vụ “hốt” hết. Ước lượng trên tuyến từ Buôn Ma Thuột – xã Ia R’vê (huyện Ea Súp) có đến 10 xe gia đình loại từ 5 – 7 chỗ ngồi hoạt động liên tục trong ngày, với giá vé 100.000 đồng/lượt.
Tương tự, tại Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Đắk Lắk (TP. Buôn Ma Thuột) có hơn 100 phương tiện xe buýt hoạt động nội và ngoại tỉnh. Hiện nay, một số tuyến từ Buôn Ma Thuột – huyện Lắk; Buôn Ma Thuột – Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) tỷ lệ lấp đầy ghế chỉ đạt 50%. Theo ông Nguyễn Đình Bé, Giám đốc công ty, do đã đầu tư phương tiện nên đơn vị không thể bỏ tuyến hay dừng hoạt động. Vào những giờ thấp điểm, nhiều phương tiện nằm “đắp chiếu” tại bến. Hiện tại, việc hoạt động của một số tuyến xe buýt chỉ cầm chừng để duy trì kinh doanh, đủ chi trả xăng xe, nhân công, nộp thuế chứ không có lãi.
Xe dịch vụ đón khách trên đường Phan Bội Châu (TP. Buôn Ma Thuột). |
Hiện đã có một doanh nghiệp là Công ty Xe khách Đắk Lắk phải dừng hoạt động do kinh doanh không có lãi. Cụ thể, cuối tháng 8-2019, các tuyến xe buýt của đơn vị từ Buôn Ma Thuột đến huyện Cư M’gar và xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) phải dừng hoạt động. HTX Vận tải hành khách và hàng hóa Cư Mil đã đảm nhận khai thác các tuyến từ Buôn Ma Thuột - Cư M'gar và ngược lại. Mới đây, chủ sở hữu Công ty Cổ phần Vận chuyển khách công cộng Buôn Hồ (thị xã Buôn Hồ) cũng đã bán cổ phần cho một doanh nghiệp khác do kinh doanh không có lãi.
"Bắt cóc bỏ dĩa"
Tình trạng xe dịch vụ hoạt động tràn lan ở hầu khắp các tuyến từ Buôn Ma Thuột diễn ra trong thời gian dài. Thực tế, cơ quan chức năng cũng đã triển khai xử lý các xe đưa, đón khách không đúng nơi quy định, xe không phù hiệu, không đăng ký kinh doanh. Song việc xử lý các trường hợp này gặp rất nhiều khó khăn, bởi khi gặp lực lượng chức năng, tài xế đối phó bằng cách cho xe chạy chậm hoặc không thực hiện việc thu tiền đối với hành khách.
Ông Trần Thủ, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải cho biết, đơn vị nhận được kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh về việc xử lý tình trạng xe gia đình đưa ra kinh doanh vận tải không thực hiện đăng ký. Tuy nhiên, lực lượng Thanh tra rất mỏng, trong khi chức năng của Thanh tra chỉ có thể kiểm tra những phương tiện đang đậu, đỗ, dừng đón, trả khách, còn khi xe đang lưu thông thì không được dừng phương tiện. Đối với các trường hợp chở khách, hầu hết tài xế đều khai chở người nhà để tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Được biết trước đây lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã thực hiện mật phục, đóng vai hành khách để xử lý các trường hợp xe gia đình hoạt động đưa, đón khách tại một số tuyến. Thế nhưng, biện pháp này chỉ như “bắt cóc bỏ dĩa”, bởi dẹp chỗ này thì chỗ kia hoạt động nên không thể xử lý dứt điểm mà ngày càng nở rộ. Đặc biệt, do là xe gia đình nên rất khó để cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, bởi không có các đặc điểm theo quy định (như phù hiệu) để nhận diện. Do đó, để hạn chế tình trạng xe dịch vụ hoạt động trái phép, cần sự phối hợp của người dân và các lực lượng chức năng, trong đó nòng cốt lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông.
Xuân Trường – Bảo Bình
Ý kiến bạn đọc