Multimedia Đọc Báo in

Kỳ vọng năm 2021

12:23, 01/01/2021

Năm 2020 nhiều cảm xúc đã khép lại. Dịch bệnh, thiên tai, thảm họa… bao trùm nhiều nơi, với những thay đổi khó có thể ngờ tới, những điều chưa từng có tiền lệ.

Song chính trong khó khăn ấy, những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam đã trỗi dậy để cùng nhau “vượt bão”. Trong khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới rơi vào suy thoái, thì Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng dương, đúng như câu ngạn ngữ "thành công không chỉ được đo bằng những gì đạt được mà còn bởi những trở ngại đã vượt qua".

Ðất nước ta sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội mới đan xen cùng thách thức trong năm 2021, nhưng mỗi người con đất Việt luôn vững tin một niềm tin với Ðảng, với tương lai đất nước, với cơ đồ dân tộc, hướng đến một năm mới 2021 an lành, hạnh phúc.

Sau đây là ghi nhận Báo Đắk Lắk Điện tử:  

*Cô giáo Nguyễn Vân Nhi, Trường Phổ thông dân tộc bán trú, THCS Tô Hiệu, xã Cư San (huyện M’Drắk):

Mong sao việc học hành của các em học sinh được thuận lợi hơn

Năm 2020, dịch bệnh diễn biến phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội, việc dạy học ở đây càng khó khăn, vất vả hơn gấp bội do cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh tế gia đình các em nghèo khó và cả trình độ của học sinh chưa thể tổ chức dạy học trực tuyến. Học kỳ I của năm học 2020 - 2021 sắp kết thúc, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa hết phức tạp, tôi thầm mong ước năm 2021 sẽ đem đến một sự khởi đầu mới tốt đẹp hơn.Thế giới sẽ dập tắt được dịch bệnh Covid-19 để việc học hành của các em học sinh được thuận lợi.

Cô giáo  Nhi bên các em học sinh.
Cô giáo Nhi bên các em học sinh.

Trong mùa Covid-19 đầu năm nay, chúng tôi không thể dạy online khi mà các em học sinh không có máy tính, không có smartphone, Internet… Nghỉ học liền mấy tháng rồi mới quay lại trường khiến các em hổng kiến thức nhiều, giáo viên rất vất vả để dạy đủ chương trình.

Tôi đã gắn bó với mái trường, với các em học sinh ở đây suốt 9 năm qua mà chưa một phút xao lòng, xin chuyển công tác về vùng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đường đến trường quá chông chênh, tôi mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư đường giao thông thuận lợi để bà con, các thầy cô giáo đi lại dễ dàng hơn. Năm 2020, do bão lũ đường sá lầy lội, sạt lở, tôi và đồng nghiệp vẫn cố vượt qua để đến trường vì các em học sinh vẫn đang “kẹt lại” ở trường cần có thầy cô giáo chăm sóc. Nhìn những đôi chân trần, quần xắn cao đến đầu gối, tay khư khư ôm chiếc cặp đựng giáo án được gói kỹ trong mấy lớp ni lông mà thương cảm, phập phù lo sợ hiểm nguy.

*Em Đỗ Minh Tuấn, sinh viên Y khoa, Trường Đại học Buôn Ma Thuột:

Hy vọng đại dịch Covid-19 sớm được kiểm soát

Là sinh viên năm 3 ngành Y khoa, em luôn mong đại dịch Covid-19 sớm được kiểm soát để chúng em yên tâm học tập, người dân đón xuân mới trọn vẹn, an vui. Muốn được vậy thì mỗi người dân trong cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng phải luôn nâng cao ý thức phòng, chống dịch bằng những hành động nhỏ, thiết thực nhất. Em cũng rất chờ mong vắc xin phòng Covid-19 do Học viện Quân Y sản xuất sẽ thử nghiệm thành công, sớm được đưa ra tiêm chủng cho toàn dân.

Năm 2021 đã gõ cửa, em còn có thêm một mong muốn nữa là Tỉnh Đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh, cũng như các trường đại học, cao đẳng tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, sáng tạo cho sinh viên tham gia, nhất là các chương trình giao lưu về ngoại ngữ, kỹ năng mềm, khởi nghiệp để sinh viên có đầy đủ hàng trang hội nhập, khẳng định được giá trị bản thân, khẳng định vai trò, vị thế của sinh viên Việt Nam trong thời đại công nghệ 4.0.

Sinh viên
Sinh viên Đỗ Minh Tuấn.


*Ông Y Pôl Ayun, Trưởng buôn Pok, xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc):

Hỗ trợ nông dân học nghề, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi 

Sau một năm đầy khó khăn cho sản xuất nông nghiệp bởi tác động trực tiếp của giá cả thị trường, thời tiết, dịch bệnh, tôi ước vọng một năm mới "mưa thuận, gió hòa", mùa màng bội thu đến với bà con nông dân. Mong rằng Đảng, Nhà nước tiếp tục có những chủ trương, chính sách chú trọng về nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, giúp người dân tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng; tạo điều kiện hỗ trợ bà con nông dân được đào tạo nghề, tiếp cận nguồn vốn mở rộng sản xuất, từ đó tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đặc biệt, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp diễn ra vào đầu năm 2021, tôi tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí của Đảng, Nhà nước”.

*Ông Nguyễn Văn Liêm, thôn 7 (xã Ea Sol, huyện Ea H’leo):

Nâng cao việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân

Ea H’leo là một trong những địa phương trồng nhiều cà phê và hồ tiêu của tỉnh. Tuy nhiên, năm 2018 cây hồ tiêu chết hàng loạt, thêm giá thành hạ, khiến nhiều nông dân điêu đứng. Nắm bắt xu hướng, trên diện tích 2,6 ha tiêu và cà phê của gia đình, tôi chuyển đổi sang trồng các loại cây có múi như: bưởi, cam, quýt… Nhờ được chăm sóc đúng cách và tích cực áp dụng khoa học nghệ trong sản xuất trồng trọt, vườn cây ăn trái của gia đình đã bước vào vụ thu hoạch chính. Do đó, ngoài hy vọng giá cả nông sản ổn định, nông dân chúng tôi còn mong chính quyền các cấp có nhiều chủ trương, chính sách đột phá; phát huy dân chủ cơ sở, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, góp ý của nông dân. Từ đó, góp phần nâng cao việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân.

Ông Nguyễn Văn Liêm (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu vườn cây ăn trái cho Hội nông dân huyện Ea H’leo.
Ông Nguyễn Văn Liêm (thứ hai từ trái sang) cùng hội viên Hội Nông dân huyện Ea H’leo thăm vườn cây ăn trái.

*Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công TNHH Sản xuất và thương mại Vương Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột):

Tạo điều kiện để phát triển cà phê hữu cơ

Nhìn lại năm 2020, một năm có quá nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Năm 2021, tôi mong ước dịch bệnh sớm được đẩy lùi để giảm thiểu những tác động tiêu cực, bất lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Trong năm mới, bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân sẽ nỗ lực phát huy nội lực, áp dụng công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy liên kết để thực hiện hiệu quả các dự định của mình. Tôi cũng mong muốn, tỉnh tiếp tục có những cơ chế, chính sách cụ thể, tạo động lực hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ. Trước hết, là về giấy chứng nhận sản xuất cà phê hữu cơ, bởi khi thiếu hành lang pháp lý trong chứng nhận sản phẩm thì việc thúc đẩy phát triển lĩnh vực này sẽ còn nhiều rào cản.

Ông Lê Văn Vương
Ông Lê Văn Vương.

Sau nữa, các ngành chức năng quan tâm, tạo điều kiện mở nhiều lớp tập huấn, hội thảo cũng như đẩy mạnh truyền thông để nâng cao hiểu biết của nông dân, người tiêu dùng về phương thức canh tác hữu cơ và giá trị của sản phẩm hữu cơ. Các mô hình canh tác hữu cơ rất cần được khuyến khích và nhân rộng vì có giá thành rất cao so với sản xuất thông thường, tạo ra nhiều lợi nhuận cho người trồng lẫn doanh nghiệp, bảo vệ môi trường. Đây sẽ là động lực để đẩy mạnh phát triển nguồn nguyên liệu và nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến xuất khẩu trong thời gian tới.

Nông nghiệp hữu cơ đang là một trong những xu hướng tiến bộ và tất yếu, phù hợp với nhu cầu của thị trường, tôi mong ước Nhà nước quan tâm hơn nữa trong việc đào tạo, hợp tác quốc tế về nông nghiệp hữu cơ, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cà phê chất lượng. Đồng thời, có giải pháp về tổ chức sản xuất, quản lý và cấp giấy chứng nhận, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất cà phê hữu cơ liên kết với nông dân phát huy lợi thế sẵn có, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

*Chị Lê Thị Anh Trâm, Bí thư Đoàn phường Tự An (Thành Đoàn Buôn Ma Thuột):

Lan tỏa những giá trị tốt đẹp vì cộng đồng

Năm 2020 là một năm đầy khó khăn, song cũng có nhiều điều tốt đẹp đã lan tỏa sâu rộng. Đó là tinh thần đoàn kết phòng, chống dịch bệnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; tinh thần làm việc quên mình của đội ngũ nơi tuyến đầu phòng, chống dịch và tấm lòng sẻ chia, tương thân tương ái của người dân cả nước hướng về khúc ruột miền Trung.

Trong năm qua có rất nhiều tấm gương trẻ tiên phong trên nhiều lĩnh vực, các bạn bền bỉ, kiên trì với mục tiêu tốt đẹp nhất cho cộng đồng. Ngọn lửa nhiệt huyết, trái tim ấm nóng của tuổi trẻ tiếp tục lan tỏa để có thêm nhiều câu chuyện, hành động đẹp về tình người trong khốn khó. Sẽ có nhiều người bắt tay vào hành động, góp sức trẻ vì quê hương, cộng đồng, và ngày càng đông các em nhỏ, có thể từ những việc nhỏ nhất như: tự tay biết nhặt những mảnh rác dưới chân mình bỏ vào thùng rác, biết hạn chế một ống hút nhựa, chiếc ly nhựa hay biết trồng thêm một cây xanh, việc tốt sẽ được lan tỏa. 

Bí thư Đoàn phường Tự An Trâm
Bí thư Đoàn phường Tự An Lê Anh Trâm cùng tham gia hoạt động vì môi trường.

Con trâu là bạn của nhà nông. Trâu vàng được chọn là linh vật của SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam năm 2003. Do đó, năm 2021 - năm Tân Sửu xin được gửi gắm ước vọng về một năm tràn đầy sung túc, sức khỏe, may mắn cho mọi nhà. Tôi tin tưởng rằng với sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, ngành, doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội trong tỉnh tiếp tục duy trì phát triển tốt. 

*Thượng úy Nguyễn Thanh Thủy, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh:

Thêm nhiều ý tưởng sáng tạo, thiết thực cho hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên

Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2021 tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Công an tỉnh thêm nhiều ý tưởng sáng tạo, thiết thực để triển khai có hiệu quả, chất lượng các hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên trong toàn lực lượng; phấn đấu giữ vững danh hiệu lá cờ đầu trong phong trào thi đua công tác Đoàn của tỉnh, lập nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 65 năm Ngày Thành lập Đoàn Thanh niên Bộ Công an.

IMG_3913.JPG
Thượng úy Nguyễn Thanh Thủy.

Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên Công an tỉnh thường xuyên tuyên truyền, chia sẻ kịp thời, chính xác thông tin về dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, phát tờ rơi, cũng như có những hành động hỗ trợ vật chất nhằm chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh…

*Thượng úy Nguyễn Trọng Kha, nhân viên quân y Đồn Biên phòng Ea H’leo:

Vững tin nơi tuyến đầu chống dịch

Từ năm 2013 đến nay, tôi gắn bó với đồn biên phòng, với người dân xã biên giới Ia Lốp (huyện Ea Súp). Tiết trời những ngày cuối năm giá lạnh, sương mù giăng khắp núi đồi, là người con xa quê (xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) tôi cũng có chút bồi hồi, nao nao cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân. Song cảm xúc ấy nhanh chóng qua mau, mỗi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H’leo vẫn từng phút, từng giờ chắc tay súng, tuần tra đảm bảo an ninh, trật tự, giữ bình yên nơi biên giới. 

Nhân viên quân y
Thượng úy Nguyễn Trọng Kha khám bệnh cho người dân vùng biên giới. 

Với nhân viên quân y, thời điểm dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp thì tinh thần trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ càng nâng cao để cùng với toàn đơn vị quyết tâm hoàn thành “nhiệm vụ kép” trên toàn tuyến biên giới, vừa giữ vững an ninh biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, vừa bám chốt ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng và ngành y tế vận động, tuyên truyền trong nhân dân cách phòng, chống dịch bệnh; quan tâm đến sức khỏe của bộ đội, bảo đảm nơi ăn, ở, sinh hoạt tại chốt cho cán bộ, chiến sĩ.

 

Nhóm PV, CTV thực hiện

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.