Multimedia Đọc Báo in

Đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo "cú hích" phát triển cho huyện Krông Bông

09:30, 28/07/2019

Mặt bằng phát triển kinh tế - xã hội thấp, đặc biệt cơ sở hạ tầng giao thông chưa được quan tâm đúng mức… là những khó khăn, thách thức của huyện Krông Bông trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS).

Sau đây là trao đổi giữa phóng viên Báo Đắk Lắk với Chủ tịch UBND huyện Krông Bông LÊ VĂN LONG chung quanh nội dung này.

°Những năm qua, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn của huyện đã được thụ hưởng chính sách ưu đãi nào của Nhà nước và kết quả ra sao thưa ông?

Huyện Krông Bông có 14 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 7 xã thuộc khu vực III, 4 thôn, buôn đặc biệt khó khăn thuộc 2 xã khu vực II và 12 xã có đồng bào DTTS sinh sống. Những năm qua, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn của huyện đã được Nhà nước quan tâm đầu tư hỗ trợ bằng nhiều chính sách, chương trình và đạt nhiều kết quả nhất định.

Cụ thể, từ năm 2015 đến 2019, huyện được đầu tư 25 tỷ 960 triệu đồng từ chương trình xây dựng nông thôn mới; trong đó 20.750 triệu đồng xây dựng 38 công trình cơ sở hạ tầng, 1.110 triệu đồng xây dựng 6 mô hình sản xuất và ngân sách huyện là 4.100 triệu đồng xây dựng 10 công trình cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Đến nay, toàn huyện đạt 113/247 tiêu chí nông thôn mới, tăng 14 tiêu chí so với năm 2015; phấn đấu đến năm 2020 xã Hòa Sơn đạt chuẩn nông thôn mới.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình 135) đầu tư cho huyện 54.991 triệu đồng và đã được giải ngân 43.115 triệu đồng (đạt tỷ lệ 78,40%) gồm: xây dựng 85 công trình cơ sở hạ tầng với kinh phí đầu tư 42.570 triệu đồng, trong đó 63 công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; hỗ trợ 9.618 triệu đồng cho 805 hộ nghèo phát triển sản xuất; duy tu, bảo dưỡng cho 18 công trình đã xuống cấp với kinh phí 2.803 triệu đồng, đến nay có 13 công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Đến tháng 4-2019, huyện được bố trí 109.108 triệu đồng từ Dự án ổn định dân di cư tự do và đã bố trí ổn định 1.108 hộ với 6.731 khẩu di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào tại 3 dự án được triển khai trên địa bàn 3 xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Đrăm. Nhiều hộ đồng bào DTTS số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, giống cây trồng, vật nuôi và hỗ trợ tiền mặt; hỗ trợ chi phí học tập, cấp bù miễn giảm học phí... Ngoài ra, một số chương trình, chính sách ưu đãi khác cũng đã góp phần giúp đồng bào DTTS trên địa bàn  huyện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

°Với đặc thù của địa phương, theo ông những chính sách hỗ trợ nào của Nhà nước là cần thiết đối với người dân hiện nay?

Huyện Krông Bông hiện có 22.090 hộ, với 101.943 người, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm 32,66% dân số, hộ cận nghèo chiếm 22,34%. Đa số đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện đời sống đều khó khăn. Do đó, theo tôi các chính sách hỗ trợ cần thiết đối với người dân địa phương hiện nay vẫn là những chính sách liên quan đến phát triển hạ tầng, sinh kế, sức khỏe cộng đồng, phát triển giáo dục và vận động quần chúng. Cùng với các chính sách hỗ trợ ổn định, lâu dài sẽ là cách thức tổ chức thực hiện giảm nghèo theo hướng bền vững, đặc biệt là khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước.

Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở huyện Krông Bông  đã đổi thay.    Ảnh: H.Hùng
Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở huyện Krông Bông đã đổi thay. Ảnh: H.Hùng

°Thưa ông, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách để hỗ trợ cho các xã của huyện là rất khó khăn. Vậy nguyên nhân do đâu và giải pháp đột phá nào để tạo “cú hích” nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Là huyện nghèo của tỉnh, nên việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư và phát triển kinh tế các xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng DTTS được địa phương đặc biệt quan tâm. Huyện đã huy động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ một phần cơ sở vật chất, nhất là trong lĩnh vực giáo dục cho các xã vùng III.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, Dự án DA 18 và các dự án của các tổ chức phi chính phủ cũng bố trí kinh phí khá lớn trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho các xã nghèo, thôn buôn đặc biệt khó khăn, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng sinh kế cho người dân. Đối với huyện, vẫn đang triển khai thực hiện Chương trình số 04-CTr/HU ngày 22-12-2015 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tiết kiệm làm theo lời Bác để hỗ trợ các đối tượng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020. Song so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương còn rất hạn chế.

Việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để hỗ trợ phát triển trên đia bàn huyện nhìn chung còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ mặt bằng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương còn thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên nguồn lực trong dân không lớn, không thể huy động đóng góp nhiều.

Hơn nữa, kết cấu hạ tầng của địa phương chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông huyết mạch làm giảm tính cạnh tranh trong kêu gọi các nguồn đầu tư từ khu vực ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển kinh tế - xã hội. Trình độ và năng lực cán bộ, công chức thi hành nhiệm vụ của các địa phương còn hạn chế vì vậy việc tiếp cận thông tin và kêu gọi đầu tư rất khó khăn.  Để tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, tạo “cú hích” góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân địa phương, rất mong tỉnh quan tâm đầu tư hơn nữa cho địa phương, đặc biệt trong phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, tạo lợi thế để địa phương kêu gọi các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách.

°Xin cảm ơn ông!

 Nguyên Hoa (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.