Multimedia Đọc Báo in

Đi chợ Pà Cò

19:06, 12/07/2010
Đến Tây Bắc, nếu không tham dự phiên chợ vùng cao thì mới đi hết 1/3 Tây Bắc...
Chợ Pà Cò – Mai Châu – Hòa Bình cách thung lũng Mai Châu chừng 30km về phía bắc giáp với cao nguyên Mộc Châu – Sơn La. Ở khu vực Hang Kia, Pà Cò chủ yếu là người Mông đỏ, cao hơn một chút xã Loong Luông là người Mông xanh. Cùng với khu vực sống của mỗi dân tộc, người ta thường nhìn vào màu của trang phục và các họa tiết hoa văn để phân biệt là người dân tộc nào, thuộc hệ gì.  Chợ phiên Pà Cò diễn ra vào ngày Chủ nhật hằng tuần.
Xuống chợ
Xuống chợ
Cũng như rất nhiều chợ ở vùng cao Tây Bắc, chợ Pà Cò là nơi trao đổi, mua bán chủ yếu các sản phẩm nông  sản, vải vóc, đồ thổ cẩm phục vụ đời sống sinh hoạt và chăn nuôi của đồng bào dân tộc từng vùng. Ngày nay, giao thông đã phát triển rất nhiều nên hàng hóa ở các phiên chợ không còn đơn điệu nữa. Ngoài các sản phẩm quen thuộc do người dân tự sản xuất, đem bán, hay trao đổi thì chợ cũng có hàng điện tử, hàng nhôm, nhựa… đến cả hóa mỹ phẩm. Khu vực bán vải sợi được coi là góc đẹp nhất, rực rỡ nhất, “lộng lẫy” nhất của chợ. Việc mua, bán ở đây thường diễn ra chóng vánh, người ta ít khi “nâng lên, đặt xuống” hay kỳ kèo món đồ mình thích.
Chợ Pà Cò trong sương sớm
Chợ Pà Cò trong sương sớm
Còn nhớ trong lần đi Tây Bắc, trên đường sang chợ Bắc Hà bắt gặp người phụ nữ Mông ngồi bên đường tỉ mẩn tay vê sợi lanh quấn thành cuộn, khiến tôi rất rò mò. Người bạn đi cùng chỉ tôi nhìn phía bên cạnh người phụ nữ ấy có con ngựa đang gặm cỏ và người đàn ông đang ngủ rồi giải thích: “Cứ mỗi phiên chợ, vợ chồng cùng nhau cưỡi ngựa đi chợ. Tới chợ, sau khi đã bán xong hàng, mua những vật dụng cần thiết, anh chồng vào hàng thắng cố, ăn và uống rượu. Đàn ông Mông uống rượu khỏe. Họ uống tới say mới thôi. Tàn cuộc người chồng ngồi ngất ngưởng trên lưng ngựa để người vợ đưa về. Nếu say quá, người chồng ngủ ngay bên lề đường. Thế nên, người vợ trong lúc đợi chồng mình tỉnh rượu thì tranh thủ vê sợi”.
Bán
Sặc sỡ hàng vải

Không chỉ là nơi trao đổi, mua bán, chợ còn là nơi giao lưu, hò hẹn. Tây Bắc không ít các phiên chợ đặc biệt như chợ tình Khâu Vai, chợ tình Sa Pa để dành cho đôi lứa yêu nhau. Nhưng đó là phiên chợ dành cho những người đã yêu nhau, còn những phiên chợ hàng tuần như chợ Pà Cò này là nơi hò hẹn, tỏ tình và không ít đôi trai gái đã nên duyên từ đây. Trong không khí nhộn nhịp của phiên chợ, người ta vẫn dễ dàng nhận ra âm thanh văng vẳng của tiếng khèn, tiếng sáo tâm tình. Ấy là khoảng không gian riêng tư của những cặp gái trai...

Nam Hà






Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.